“Doanh nghiệp mất thời cơ vì chính sách tiền tệ không ăn khớp”. TS Cao Sỹ Kiêm , nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhận xét như vậy khi trả lời phỏng vấn bên hành lang kỳ họp Quốc hội.
* Thưa ông, NHNN vừa ban hành thông tư siết chặt cho vay vàng nhằm hạ nhiệt giá vàng và tỷ giá. Ông bình luận như thế nào về chính sách mới này?
- Vàng và USD hiện đang là nhân tố để tác động tỷ giá, có liên quan đến nhau. Trong tình hình giá vàng thế giới đang tăng như hiện nay, tình hình cung ứng cho thấy ngoài việc vàng tăng giá theo cung - cầu, có nguyên nhân tâm lý tích trữ. Vàng cũng là một trong những địa chỉ hút USD vì khi tập trung nhập vàng thì phải huy động USD. Cho nên mình quản lý vàng chặt cũng là yếu tố làm cho cung - cầu USD không bị tác động mạnh và giữ được ổn định tỷ giá.
Muốn ổn định tỷ giá phải kiềm được lạm phát
* Nhưng thưa ông, tỷ giá là vấn đề của nhập siêu còn giá vàng thì chỉ là nhất thời. Về lâu dài, nên có chính sách điều hành tài chính, tiền tệ như thế nào để đảm bảo sự ổn định thay vì thi thoảng đưa ra một chính sách mang tính ứng phó nhất thời như hiện nay?
- Đúng rồi. Muốn ổn định bền vững tất cả thị trường, đặc biệt là thị trường vàng, USD, kể cả thị trường nội tệ, điều quan trọng nhất là phải giữ được chỉ số tăng giá, quản được tất cả mặt hàng có thể đẩy giá lên, dẫn tới tác động tăng giá dây chuyền.
Thứ hai là cũng phải giải quyết được vấn đề sản xuất có hiệu quả; tín dụng, bội chi ngân sách phải đưa vào đúng lúc, đúng chỗ để tạo ra việc làm, tạo ra sức mua, tạo ra hàng hóa vì hàng hóa lưu thông thì đưa được tiền về, giảm lạm phát. Tiêu thụ được hàng hóa thì sẽ kích thích sản xuất, tạo ra tăng trưởng. Từ đó giải quyết được 2 vấn đề: giúp cho tăng trưởng tốt hơn và giảm áp lực lạm phát. Đồng thời, phải quản lý được tính hiệu quả của chi tiêu ngân sách, nhất là đầu tư công, rồi chi tiêu hành chính để tránh được rủi ro cho nền kinh tế và cho DN, tạo ra việc làm tốt, tạo ra sức mua tốt.
Vấn đề nữa cũng phải đặc biệt lưu ý giải quyết là yếu tố tâm lý tác động xấu đến thị trường tài chính, tiền tệ từ những thông tin dự báo, dự đoán không có cơ sở. Ví dụ, chúng ta thấy giá USD đang tăng, đoán là cuối năm sản xuất sẽ tăng lên, giá vật tư sẽ tăng lên thì thế nào giá USD cũng tăng lên, nên “găm” ngoại tệ ngay, dự trữ để trả nợ khi đến hạn. Hay DN thấy tình hình vốn hiện nay đang căng trong khi Nhà nước thì cứ tung ra chủ trương sẽ rút lãi suất cho vay xuống 12% nên không muốn vay ngay, chờ lãi suất xuống. Ngược lại, người gửi lại đoán lạm phát cuối năm sẽ tăng nên không muốn gửi tiết kiệm bây giờ mà chờ khi nào tăng lãi suất huy động mới gửi...
Hay trong chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, nếu phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) nhiều quá mà lãi suất cao thì hút vốn đổ vào TPCP, dẫn tới ngân hàng không huy động được vốn, mà không huy động được thì không nhả vốn ra được, không nhả vốn ra được thì càng làm cho tình hình căng thẳng, đẩy lãi suất lên. Đó cũng là vấn đề cần phải giải quyết.
Chủ trương đúng nhưng điều hành còn khiếm khuyết
* Đến thời điểm này có thể thấy 2010 là năm có nhiều biến động về tỷ giá và giá cả các mặt hàng nhạy cảm, vàng là một ví dụ. Liệu có phải một trong những nguyên nhân dẫn tới biến động nhiều ở thị trường tài chính, tiền tệ là do sự điều hành chính sách tiền tệ thiếu đồng bộ, nhất quán, mà việc huy động TPCP với lãi suất cao như ông vừa nói là một dẫn chứng?
- Nhìn tổng thể, những tư tưởng chỉ đạo lớn như tập trung ổn định vĩ mô, tập trung vào kiềm chế lạm phát, tập trung để giữ giá đồng tiền, chúng ta đã làm được, tức là về chủ trương thì đúng hướng. Nhưng đúng là điều hành thì còn có những khiếm khuyết, ví như những quyết định ban hành không nhanh lắm, không kịp thời, hay là sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài chính không ăn khớp. Điều đó dẫn tới hệ quả làm cho DN mất thời cơ, làm cho khả năng cung ứng vốn và khả năng điều hòa thị trường không được nhịp nhàng và tác động tiêu cực đến cả vấn đề tâm lý.
* Ngay từ những tháng đầu năm, Chính phủ đã có chủ trương hạ lãi suất cho vay để gỡ khó khăn về vốn cho DN. Theo đánh giá của ông, đến thời điểm này, chính sách đó đã thực hiện hiệu quả trong thực tế chưa?
- Thực tế thì có giảm xuống nhưng lại nảy sinh biến tướng khác, có một số ngân hàng đồng ý giảm nhưng lại cộng thêm thưởng cho tiền gửi, rồi bù chi phí đó vào lãi suất cho vay. Thành ra nó không giảm được bao nhiêu.
Thực trạng trên xuất phát từ mấy vấn đề: Một là cung - cầu vốn trên thị trường có căng thẳng thật. Thứ hai là cũng có tư tưởng chờ đợi từ phía cả khách hàng gửi tiền lẫn DN đi vay như phân tích ở trên. Ngoài ra, trong điều hành chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài chính, chính sách tiền tệ.
Ví dụ bây giờ đòi hỏi giảm lãi suất xuống nhưng lãi suất TPCP vẫn giữ cao thế thì dứt khoát các ngân hàng sẽ chạy ra mua, mà đã mua rồi thì vốn đưa vào dân doanh sẽ không còn nhiều. Thành ra tiền này không đưa vào sản xuất kinh doanh mà đưa vào TPCP, vào kho bạc. Kho bạc lại mang đi gửi ngân hàng và cuối cùng dòng tiền đó vào thị trường liên ngân hàng để anh nọ mua bán của anh kia. Cho nên ý đồ thì đúng nhưng thực hành không được vì cả nguyên nhân kinh tế lẫn nguyên nhân điều hành. Điều hành là sự phối hợp, còn nguyên nhân kinh tế là chỉ số giá vẫn tăng lên, cung cầu vốn chưa đảm bảo được, tâm lý vẫn còn những tồn tại chưa triệt để giải quyết.
* Theo đánh giá của ông, chính tiền tệ của ta hiện nay đang thắt chặt hay nới lỏng và điều đó ảnh hưởng như thế nào đến thị trường tài chính tiền tệ?
- Hiện nay đang chặt lại đấy. Hệ lụy không lớn lắm nhưng tất nhiên là có ảnh hưởng, vì muốn ổn định tình hình, muốn lạm phát không quay trở lại thì tiền tệ không thể nới lỏng được và đã chặt vào thì co vốn sản xuất kinh doanh lại. Bây giờ phải sàng lọc, cân nhắc, kể cả kênh đầu tư công theo hướng: chọn kênh nào có thể phát huy hiệu quả đồng vốn tốt nhất, tạo ra lao động việc làm nhiều nhất thì đưa vốn vào chỗ ấy. Dù có ít thì nó cũng tác động hiệu quả tới nền kinh tế, tác dụng đối với kiềm chế lạm phát và tăng trưởng nhanh hơn, tốt hơn.
(Thanh niên)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com