
Trên thực tế triển khai gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi 4% đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ các DN. Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu các DN nên tận dụng thời gian trong thời điểm này sao cho hợp lí. DĐDN có cuộc trao đổi ngắn với Thống đốc trong buổi gặp gỡ với các DN TP HCM.
-
Có rất nhiều kiến nghị của DN về việc nên kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất, và mở rộng đối tượng được hưởng lãi suất. Vậy quan điểm của Thống đốc?
Đứng ở góc độ lãnh đạo chúng tôi sẽ tiếp nhận tất cả những ý kiến của các DN. Những trăn trở của các DN hiện nay, cũng là trăn trở của những người làm chính sách. Và chúng ta sẽ linh hoạt trong từng thời điểm sao cho phù hợp nhất. Kiến nghị kéo dài thời gian vay đã được rất nhiều DN đề xuất. DN cho rằng thời gian hỗ trợ 8 tháng không đủ cho DN sử dụng để đạt hiệu quả, bởi riêng hoàn tất hồ sơ vay cũng đã hết nửa thời gian. Chưa kể phần lớn các DN vẫn còn nợ cũ, nếu đáo hạn xong đã hết thời gian hỗ trợ. Trên thực tế, nhiều DN đã buộc phải tìm cách đáo hạn trước để được hưởng lãi suất ưu đãi.
Bên cạnh đó là kiến nghị bổ sung đối tượng được hỗ trợ, vì phần lớn các DN xuất khẩu hiện nay đều phải nhập nguyên liệu về phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, nếu ưu đãi lãi suất dành cho cả hàng nhập khẩu thì sẽ có nguy cơ đẩy ngoại tệ ra nước ngoài.
- Trên thực tế số lượng các DN có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng chiếm không nhỏ, vậy các DN này muốn tiếp cận các chính sách ưu đãi như thế nào?Những phản ứng tích cực khi triển khai gói kích cầu cho thấy chính sách lãi suất rất hợp lý. Việc hỗ trợ hiện vẫn tập trung vào các DNNVV. Hay chăng hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các DN lớn - những đầu tàu của đất nước cũng là những thắc mắc của các DN khi tiếp cận chính sách ưu đãi của gói kích cầu. Tuy nhiên, chính sách đưa ra để hỗ trợ các DN, không ưu tiên, phân biệt cho đối tượng nào. Những điều kiện để các DN đáp ứng giúp NHNN giám sát hoạt động này có hiệu quả.
Các DNNVV mới lập nghiệp đang trong quá trình tích tụ vốn. Do một số DN phát triển quá nhanh, nên thiếu điều kiện phát triển và hạn chế về vốn. Vì vậy, tuỳ vào năng lực của mỗi DN, DN nên lựa chọn quy mô phát triển để phù hợp với năng lực của mình. Đây là điều trở ngại chính mà các DN gặp phải trong việc vay vốn, vì không đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất. Quyết định 14 của Thủ tướng đã "mở đường" cho việc vay tín chấp. Tuy nhiên, loại hình vay này phụ thuộc vào uy tín của DN đó. Khi xảy ra khủng hoảng, DN nhỏ tái cấu trúc dễ hơn, còn các DN lớn khó tái cấu trúc hơn nhiều.
- Đảo nợ là vấn đề khiến các ngân hàng thận trọng, ông có lời khuyên gì cho các ngân hàng và cả DN ?Tôi tin rằng có rất nhiều hoạt động chỉ sau 6 tháng hay 8 tháng mua sắm tài sản cố định đã sinh lời. Lo ngại tình trạng đảo nợ khi vay vốn kích cầu là đúng. Nhưng có thể lựa chọn những đáo hạn phù hợp. Vì DN trả những khoản nợ cũ với lãi suất cao, khi đó gánh nặng tài chính của họ giảm bớt. Và mặt khác, khả năng xảy ra nợ xấu của ngân hàng cũng sẽ ít đi.
- Xin cảm ơn ông !