Trao đổi cùng DĐDN xung quanh diễn biến chóng mặt của giá đường, ông Nguyễn Thành Long – Tổng giám đốc Cty CP mía đường Cần Thơ cho rằng mọi giải pháp bây giờ chỉ mang tính nhất thời. Muốn thực sự bình ổn thị trường, cần có kế hoạch dài hơi, trong đó quan trọng hơn cả là phải có được quy hoạch, chiến lược ngành đúng đắn.
Ông Nguyễn Thành Long cho rằng, giá đường tăng nhìn chung không phải là điều quá bất ngờ. Vì thực ra quý 4 năm nào hiện tượng này cũng xảy ra, có điều năm nay tốc độ tăng quá nhanh. Một mặt đó là hiệu ứng dây chuyền từ giá đường thế giới, được nhận định là đã đạt mức cao kỷ lục suốt 29 năm qua, đã kéo giá đường trong nước tăng theo. Mặt khác trong bối cảnh giá các mặt hàng đều tăng như hiện nay, giá đường khó lòng đứng ngoài cuộc, nhất là nhu cầu đường nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng hóa cuối năm tăng cao.
- Có lý do phản ứng trước diễn biến thị trường còn quá chậm của Bộ Công Thương, thưa ông ?
Theo tôi được biết, nguồn cung thiếu hụt đã được Bộ Công Thương cho phép bổ sung bằng cách nhập khẩu. Nhưng việc nhập tiến hành khá chậm. Số đã nhập thì có vẻ đang ở trong các kho hàng chứ chưa được tung ra thị trường... Tất cả các nhân tố đó đã đẩy giá đường tăng cao và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
- Việc giá đường tăng cao như vậy ảnh hưởng thế nào đến DN sản xuất, kinh doanh như đối với đơn vị ông ?
Mọi diễn biến của thị trường hiện nay đều dẫn đến những phản ứng đồng loạt rất đáng lo ngại, mà trước hết là giá mía nguyên liệu cũng đã và đang tăng từng ngày. Mặc dù rút kinh nghiệm các “kịch bản” tăng giá hàng năm, chúng tôi đã có kế hoạch chủ động thu mua nguyên liệu từ rất sớm, nhưng do ảnh hưởng thời tiết xấu, mất mùa diễn ra nên sản lượng mía của ĐBSCL thiếu hụt khoảng 400.000 tấn so với nhu cầu của các nhà máy, việc giá mía nguyên liệu tăng cao là khó tránh khỏi. Điều quan trọng là dù chấp nhận mua giá cao nhưng cũng chưa chắc các nhà máy có thể có đủ nguyên liệu để sản xuất, dẫn đến vòng luẩn quẩn là giá đầu ra lại càng bị đẩy cao hơn, phản ứng thị trường lại càng rối...
- Ông vừa nói đến kịch bản tăng giá là điều mà DN đã ý thức rõ. Vậy tại sao DN không thực hiện bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ nông dân ngay từ đầu vụ sản xuất để tránh lúng túng khi thị trường diễn biến xấu như hiện nay ?
Tất cả các vấn đề đó chúng tôi đã sớm chủ động, nhất là việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân. Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Mía đường cũng đã có cam kết ngay từ đầu là sẽ tuyệt đối không tranh mua tranh bán, tránh làm hỗn loạn thị trường. Tuy nhiên, khi giá đường tăng quá nhanh như hiện nay, giá mía nguyên liệu cao và khan hiếm, thì các thương lái lập tức tranh giành mua bán bằng cách xuống tận ruộng mía, đẩy giá lên với nông dân để thu gom nhanh chóng. Dù có hợp đồng bao tiêu hay hỗ trợ sản xuất từ đầu thì chúng tôi cũng không có cách nào cấm người nông dân bán sản phẩm của họ cho thương lái. Tâm lý làm ăn chộp giật của thương lái và nhiều hộ trồng mía một mặt cũng đã “tiếp lửa” cho cơn sốt giá, đẩy các doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi vào thế khó khăn...
- Liệu thực trạng tranh mua tranh bán có dẫn tới việc các nhà máy chấp nhận mua mía non để sản xuất như một số năm trước đây không, thưa ông?
Không phải tất cả, nhưng hiện tượng nhiều nhà máy mua mía non lẫn mía chín để có đủ nguyên liệu sản xuất là có thật. Tuy nhiên, đối với các đơn vị làm ăn uy tín và có chiến lược lâu dài như Cty chúng tôi, tranh mua tranh bán hay mua mía non là việc chúng tôi cam kết tuyệt đối tránh và vẫn đang thực hiện rất nghiêm túc cho đến thời điểm này.
- Các cơ quan chức năng đã và đang bàn nhiều đến câu chuyện “kìm cương” giá cả cuối năm, trong đó có giá đường. Ông nghĩ sao về vấn đề này ?
Bình ổn giá cả là rất cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng cao như hiện nay. Tuy nhiên, đó là câu chuyện vĩ mô. Còn đối với vấn đề cụ thể của giá đường, tôi nghĩ mọi biện pháp lúc này chủ yếu chỉ nhằm giải quyết tình huống, tập trung vào việc tránh khả năng một số đối tượng găm hàng, làm giá, thao túng thị trường... Còn về lâu về dài, để bình ổn thị trường thực sự, cần có kế hoạch tổng thể, chiến lược dài hơi, mà quan trọng là giải quyết được các vấn đề của ngành mía đường, thì mới mong giải quyết được vấn đề giá.
Theo tôi, việc cấp phép mở rộng các nhà máy sản xuất cần tính đến khả năng mở rộng vùng nguyên liệu bền vững, không nên cứ cấp phép cho các nhà máy mới ra đời, trong khi các nhà máy cũ vẫn chưa đủ nguyên liệu để sản xuất hết công suất. Mà khi đã có quy hoạch ngành thì cần thực hiện đúng theo quy hoạch, đảm bảo phát triển theo chiều sâu, tránh tràn lan... Có như vậy mới tránh được vòng luẩn quẩn “Đến hẹn lại ... tăng” của giá đường !
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com