Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sẽ có nhiều đoàn doanh nghiệp Đức đến Việt Nam

Ông Jan Nöther (giữa) và các thành viên ban điều hành của GBA tại buổi họp báo tại TPHCM ngày 26-5 để giới thiệu hoạt động kỷ niện 15 năm thành lập hiệp hội này tại Việt Nam - Ảnh: Mộng Bình

Một số thách thức mới liên quan đến nợ công tại khu vực châu Âu đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế tại khu vực này, nhưng điều này sẽ không làm giảm mối quan tâm của các doanh nghiệp Đức đến thị trường Việt Nam.

Ông Jan Nöther, Trưởng đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Đức tại Việt Nam, nói với PVvề lý do nhiều doanh nghiệp Đức quan tâm đến Việt Nam, sau buổi họp báo do Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) tổ chức tại TPHCM ngày 26-5 nhân kỷ niệm 15 năm thành lập.

Phải chăng mối quan tâm của doanh nghiệp Đức đến thị trường Việt Nam vẫn tăng trong lúc đang có những e ngại về thách thức mới đối với kinh tế châu Âu hiện nay?

- Ông Jan Nöther: Trong lúc khó khăn, các doanh nghiệp phải tìm cách củng cố hoạt động, đồng thời phải tìm các thị trường mới và đang phát triển để duy trì hoạt động kinh doanh của họ. Cũng như các doanh nghiệp Việt Nam, họ đã phải tìm cách tiếp cận các thị trường mới, bao gồm khu vực Trung Đông khi thị trường truyền thống bị thu hẹp trong lúc kinh tế khó khăn. Nếu các doanh nghiệp không tìm cách thiết lập mối quan hệ ngay trong lúc khó khăn thì có khả năng họ phải đóng cửa nhà máy.

Việt Nam là một phần của khu vực châu Á đang phát triển nên chắc chắn sẽ là một trong những thị trường ưu tiên của các doanh nghiệp Đức. Tại sao có nhiều công ty Đức đang tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam? Việt Nam đang cần công nghệ, hỗ trợ cho phát triển để cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa vào năm 2020, và đang hướng đến phát triển kinh tế dựa vào công nghệ cao và tri thức. Đây là điều mà các doanh nghiệp Đức quan tâm vì họ có các sản phẩm và công nghệ phù hợp với nhu cầu của thị trường này. Đó là lý do tại sao chúng tôi tự tin nói rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp Đức đến Việt Nam.

Ông có thể nói cụ thể là sẽ có bao nhiều đoàn doanh nghiệp Đức đến Việt Nam trong năm nay?

- Sẽ có khoảng 15 đoàn lớn đại diện các doanh nghiệp Đức đến tìm hiểu thị trường Việt Nam trong năm nay. Cần nói rõ rằng con số này đến Việt Nam thông qua Phòng thương mại và công nghiệp Đức. Đã có 8 hoặc 9 đoàn doanh nghiệp Đức đến Việt Nam trong năm 2009, là năm mà kinh tế nhiều nước chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Năm nay, mọi chuyện đang trở lại quỹ đạo và đây là dấu hiệu tích cực.

Cần nói thêm rằng, mỗi năm, tôi đi công tác tại Đức khoảng 5 lần, và mỗi lần gặp đại diện của khoảng 200 doanh nghiệp Đức. Cách đây 4 năm, mỗi chuyến công tác như thế tôi chỉ gặp 20 doanh nghiệp. Điều này cho thấy rằng mối quan tâm của doanh nghiệp Đức đến Việt Nam đã tăng rất nhiều, và Việt Nam bây giờ đã thực sự hiện diện trên bản đồ của các công ty Đức, nhất là trong lĩnh vực thương mại.

Xin ông cho biết thương mại giữa Đức và Việt Nam tăng ra sao trong các năm qua?

- Trong năm 2009, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Đức và Việt Nam đạt 4,7 tỉ đô la Mỹ, trong đó Việt Nam nhập khẩu hàng hóa trị giá 1,3 tỉ đô la Mỹ từ Đức, chủ yếu là máy móc, thiết bị và phụ tùng. Kim ngạch nhập khẩu này tăng 12% so với năm 2008, và đây là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhu mua công nghệ Đức ngay cả trong năm khó khăn, và đang quan tâm nhiều đến chất lượng hơn. Chúng tôi thấy có sự quan tâm từ cả hai phía: các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến các sản phẩm của doanh nghiệp Đức và các doanh nghiệp Đức quan tâm đến nhu cầu đang tăng cao từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Giáo dục và đào tạo, công nghệ cao, năng lượng tái tạo là những lĩnh vực tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm từ phía các doanh nghiệp Đức, theo Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA).

GBA được thành lập năm 1995 và hiện có hơn 150 thành viên đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như công nghệ cao, công nghệ ứng dụng, hậu cần và kho vận, thương mại, tài chính, luật…

Chủ tịch của GBA, ông Alexander Bischoff cho biết hiệp hội này đang tham gia vào việc tổ chức nhiều sự kiện trong năm 2010 để kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Đức-Việt Nam và 15 năm thành lập GBA.

(Theo Mộng Bình // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi