Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình về dự án Luật thuế tài nguyên. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Phát biểu tại phiên thảo luận dự án Luật thuế tài nguyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 9/9, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đề nghị trong những năm tới, phải quy định mức thuế suất cụ thể với từng loại tài nguyên.
Ông Hiển cũng đề nghị tại thời điểm hiện nay, Quốc hội có thể quyết định khung thuế suất còn mức thuế suất cụ thể phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đồng tình, việc mở quá rộng khung thuế suất sẽ khó áp dụng, có thể tạo sơ hở, dẫn tới không thống nhất, tùy tiện trong áp dụng, không bảo đảm tính chặt chẽ trong việc áp thuế suất. Vì vậy, nên xem xét thu hẹp biên độ khung thuế suất đồng thời phân loại từng mặt hàng trong cùng một nhóm hàng để quy định cụ thể khung thuế suất riêng biệt.
Nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật trước tình trạng khai thác tài nguyên diễn ra ồ ạt, kém hiệu quả, khó kiểm soát, làm suy kiệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường hiện nay.
Các ủy viên cũng tán thành với đề nghị của Ủy ban Tài chính Ngân sách, về nguyên tắc, Quốc hội phải quyết định mức thuế suất cụ thể nhưng trong tình hình hiện nay, có thể quy định theo hướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, không giao Chính phủ quyết định như hiện hành.
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thuế suất cụ thể nhằm đảm bảo tính hợp hiến trong quyết định các vấn đề về thuế; mặt khác không ảnh hưởng đến tính linh hoạt trong điều hành kinh tế vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội mỗi tháng họp một lần…
Góp ý về thuế suất đối với tài nguyên không tái tạo, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc K’sor Phước cho rằng, mức sàn phải là từ 5%, mức trần phải trên 40% bởi trên thực tế việc khai thác ồ ạt nguồn tài nguyên không tái tạo trong những năm gần đây đã gây hậu quả nhất định, dẫn đến tài nguyên cạn kiệt, thu ngân sách không tương xứng với giá trị tài nguyên.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hứa Đức Nhị, thu thuế tài nguyên gỗ rừng là cần thiết, nhưng cần tính toán để đảm bảo hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu đất nước vừa đảm bảo phát triển rừng vì khai thác rừng cũng là một biện pháp lâm sinh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cũng cho rằng tài nguyên nếu để nguyên chỉ là tiềm năng, cần được khai thác mới tạo giá trị, do đó cũng cần khuyến khích khai thác tài nguyên để làm giàu cho đất nước, không chỉ thiên về quản lý và tăng thu ngân sách mà đảm bảo hài hoà về mặt lợi ích. Một số quy định trong Pháp lệnh thuế tài nguyên ban hành từ năm 1998 không còn phù hợp với thực tiễn; mức thuế suất đối với một số tài nguyên mặc dù mới được điều chỉnh song vẫn còn thấp, dẫn đến chưa bảo đảm khả năng điều tiết việc khai thác ở mức hợp lý.
Bên cạnh việc thảo luận về khung thuế suất và mức thuế suất với các loại tài nguyên, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cón cho ý kiến tập trung vào một số nội dung cơ bản của dự thảo luật như việc mở rộng đối tượng chịu thuế; phân nhóm đối tượng chịu thuế; khung thuế suất; căn cứ tính thuế, đặc biệt về khối lượng và giá; áp dụng luật này đối với những dự án, hợp đồng đã ký trước đó; thẩm quyền quyết định thuế suất cụ thể và miễn, giảm thuế.
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật thuế tài nguyên, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhận định, nhiều nội dung đã được làm rõ và quy định chi tiết hơn so với Pháp lệnh hiện hành về căn cứ tính thuế, giá tính thuế, các trường hợp miễn, giảm thuế…
Tuy nhiên Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng chỉ ra một số điểm cần tiếp tục hoàn chỉnh trong dự án Luật như: Quy mô sửa đổi, bổ sung chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng pháp lệnh thành luật; nội dung chưa thực sự cụ thể, số quy định giao Chính phủ hướng dẫn còn nhiều. Việc quy định thuế suất trong dự thảo vẫn dưới dạng khung với biên độ lớn và giao Chính phủ xác định mức thuế suất cụ thể.
Chiều 9/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật thuế nhà, đất./.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com