Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Luật Cán bộ, Công chức: Đổi mới chế độ công vụ

Điểm mới quan trọng nhất trong Luật Cán bộ, công chức là đổi mới chế độ công vụ mà trước hết là Luật này đã phân định rõ đối tượng cán bộ và công chức và tách biệt với đối tượng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ do bộ luật khác quy định (Luật Viên chức đang được xây dựng), trừ một số vị trí quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn là công chức.

Luật Cán bộ, Công chức ra đời nhằm xác định đúng vị trí và địa vị pháp lý của cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước trở thành "công bộc của dân" - Ảnh tính chất minh họa

Trước rất nhiều câu hỏi của bạn đọc Cổng TTĐT Chính phủ muốn tìm hiểu về các quy định mới liên quan đến chế độ công vụ, chính sách cũng như việc đổi mới phương thức quản lý đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay, Tiến sỹ Đỗ Phú Hải, Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ, trong cuộc trò chuyện với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ khẳng định, Luật Cán bộ, Công chức ra đời nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính hoàn thiện thể chế công vụ, xác định đúng vị trí và địa vị pháp lý của Cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước trở thành “công bộc của dân”.

Luật Cán bộ, Công chức được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2008 tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII

Cải cách lớn nhất trong lịch sử công vụ

Theo ông Hải, điểm mới quan trọng nhất trong Luật Cán bộ, Công chức là đổi mới chế độ công vụ, trước hết Luật này đã phân định rõ đối tượng cán bộ và công chức và tách biệt với đối tượng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ do bộ luật khác quy định (Luật Viên chức đang được xây dựng), trừ một số vị trí quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn là công chức. Đây là bước cải cách lớn nhất trong lịch sử nền công vụ ở Việt Nam, tách ra gần 1,5 triệu người làm việc trong khu vực sự nghiệp công lập, chiếm hơn 70% cán bộ công chức từ cấp trung ương đến cấp huyện trong hệ thống chính trị.

Cũng nhờ có việc phân định rõ các đối tượng này nên các chính sách đối với cán bộ công chức được rõ ràng, phù hợp với đặc thù vị trí việc làm của cán bộ, công chức, không lẫn lộn với các đối tượng làm việc trong lĩnh vực sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, sau khi Luật Cán bộ, Công chức ra đời, thay thế Pháp lệnh Cán bộ công chức, nhưng Luật Viên chức thì chưa ban hành đồng thời nên nhiều người làm việc trong các tổ chức sự nghiệp công lập băn khoăn về địa vị pháp lý của mình, lo ngại không được coi là “người Nhà nước” và các chế độ chính sách đối với họ không được duy trì như trước đây. "Vì vậy, để khẳng định chế độ, chính sách của Nhà nước đối với lực lượng lao động rất quan trọng này, Chính phủ, Quốc hội cần sớm xây dựng, ban hành Luật Viên chức", ông Hải trao đổi.

Từ xác định rõ nhiệm vụ phục vụ nhân dân, đòi hỏi tác phong làm việc của cán bộ công chức phải năng động, hiệu quả, chấp hành nghiêm túc kỷ luật trong giờ làm việc - Ảnh có tính chất minh họa

Luật hóa nguyên tắc quản lý cán bộ công chức

So với trước đây, Luật Cán bộ, Công chức có nhiều quy định mới về nguyên tắc quản lý mới cán bộ công chức phù hợp với năng lực, trình độ phát triển và thể chế hiện tại của Việt Nam, lần đầu tiên nguyên tắc quản lý cán bộ công chức kết hợp tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm được luật hóa.

"Đây là bước cải cách lớn nhất trong lịch sử nền công vụ ở Việt Nam, tách ra gần 1,5 triệu người làm việc trong khu vực sự nghiệp công lập, chiếm hơn 70% cán bộ công chức từ cấp trung ương đến cấp huyện trong hệ thống chính trị".

TS. Đỗ Phú Hải Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước

Theo phân tích của ông Hải, nguyên tắc kết hợp này giúp xóa bỏ dần cơ chế “xin - cho” và hạn chế tiêu cực nhờ việc chuẩn hoá các vị trí tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng cán bộ công chức. Đây cũng là căn cứ để xác định biên chế để tuyển dụng, thi nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm. Biên chế cán bộ công chức được xác định dựa trên cơ sở khoa học là nhu cầu công việc, nhiệm vụ chức năng, mục tiêu, tầm nhìn của tổ chức bộ máy nhà nước trong từng bối cảnh cụ thể.

Nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh chọn người giỏi hơn

Về thể chế quản lý cán bộ, công chức, thống nhất quản lý cán bộ công chức trong mọi tổ chức Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các tổ chức chính trị - xã hội, nghĩa là Chính phủ thống nhất áp dụng chung các quy định về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, nâng ngạch, bổ nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật, lương, đãi ngộ, thôi việc, nghỉ hưu trong tất cả các tổ chức Đảng, Nhà nước, Quốc hội.

Ông Hải khẳng định, nguyên tắc đánh giá, phân loại cán bộ công chức thực tài là dựa trên phẩm chất đạo đức, chính trị và năng lực thi hành công vụ của cán bộ công chức. Gắn với nguyên tắc này là việc quy định chính sách phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng với người có tài năng. Việc tuyển dụng ưu tiên không chỉ đối tượng chính sách người có công, dân tộc thiểu số mà còn theo hướng ưu tiên người có tài năng.

Vấn đề đạo đức, văn hóa giao tiếp cũng được luật hóa để người cán bộ công chức xứng đáng là người "đầy tớ của nhân dân".

Các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và huyện, tổ chức chính trị xã hội thực hiện quản lý nhà nước theo phân cấp. Thẩm quyền tuyển dụng được phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương nhằm tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của những người được luật trao thẩm quyền quyết định việc tuyển dụng. Luật còn quy định trách nhiệm tuyển dụng công chức cho các cơ quan thuộc quyền quản lý nhằm gắn kết giữa tuyển dụng và sử dụng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Việc nâng ngạch phải qua kỳ thi theo nguyên tắc cạnh tranh nhằm chọn người giỏi hơn, không hạn chế số đăng ký, không quy định thâm niên giữ ngạch và hệ số lương. Chỉ tiêu dự thi căn cứ vào số vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức.

Trong rất nhiều nội dung đáng chú ý xung quanh cuộc trao đổi về Luật Cán bộ, Công chức, ông Hải cũng nhấn mạnh đến đạo đức và văn hóa giao tiếp của người cán bộ công chức. Ông nói, "ngay cả vấn đề đạo đức và văn hóa giao tiếp cũng như những việc cán bộ công chức không được làm đều đã được luật hoá nhằm nhấn mạnh yêu cầu cán bộ, công chức xứng đáng là người “đầy tớ của nhân dân”. Luật đã quy định rõ những việc cán bộ công chức được làm và không được làm trong khi thi hành công vụ cũng như sau khi nghỉ hưu, thôi việc đối với một số ngành nghề, công việc nhất định".

(Theo Minh Hằng // Tin Chính phủ)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi