Hiện nay, Việt Nam đã đưa vào sử dụng vaccine phòng chống bệnh lao mới, phương pháp chẩn đoán, điều trị mới, để có thể phấn đấu đạt mục tiêu loại bỏ bệnh lao khỏi cộng đồng vào năm 2030.
Cộng đồng chung tay phòng chống bệnh lao |
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống lao quốc gia cho biết, trước đây bệnh lao chủ yếu tập trung ở người già, trung niên, nhưng hiện nay lứa tuổi thanh niên từ 18-25 mắc lao đang có xu hướng tăng lên.
Thách thức lớn nhất trong công tác phòng chống bệnh lao hiện nay không chỉ ở nước ta là tình trạng lao kháng thuốc và thiếu trầm trọng nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, điểm mạnh của Việt Nam là đã có hệ thống phòng chống lao trên phạm vi toàn quốc, lồng ghép với hệ thống y tế chung và có phối hợp với y tế tư nhân. Hệ thống này đã được triển khai và hoạt động hiệu quả từ năm 1957.
Chúng ta cũng có hệ thống phòng xét nghiệm được đảm bảo quy trình chất lượng theo quy chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Phòng xét nghiệm chuẩn quốc gia và khu vực đã tiếp cận, ứng dụng 13/19 kỹ thuật mới được WHO chứng thực và sẵn sàng tiếp nhận ứng dụng các kỹ thuật mới khác.
Hệ thống cung ứng phân phối, quản lý thuốc và trang thiết bị cho phát hiện và điều trị có mặt từ TW tới tuyến xã, tất cả các kỹ thuật đều được chuẩn hóa bằng tài liệu hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành.
Ngày nay, sự ra đời những kỹ thuật mới mang tính đột phá-cuộc cách mạng trong phòng chống lao (kỹ thuật chẩn đoán mới, thuốc mới, văc xin mới, cách tiếp cận mới) chính là cơ sở để thế giới và Việt Nam thực hiện mục tiêu loại bỏ bệnh lao khỏi cộng đồng.
Sau 50 năm chưa có thuốc kháng lao mới, bắt đầu từ năm nay chúng ta sẽ đưa thuốc mới vào điều trị lao với lộ trình chỉ từ 3-4 tháng, dự kiến đến 2015 sẽ rút xuống còn từ 1-2 tháng. GGS, TS Đinh Ngọc Sỹ cũng cho biết hiện thế giới đang thử nghiệm 2 loại vac xin chủng ngừa lao ở trẻ sơ sinh mới với hiệu lực mạnh hơn so với loại vac xin hiện tại đang dùng. Dự kiến sẽ đưa 1 loại vào sử dụng năm 2015.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam cũng đã đưa vào ứng dụng phương pháp chẩn đoán mới chỉ trong 90 phút đã khẳng định được người bệnh có nhiễm lao hay không thay vì mất từ 3-4 tháng như trước đây. Dự kiến năm 2015 sẽ đưa phương pháp mới cho phép xác định người nhiễm lao tiềm tàng có thể trở thành lao hoạt động hay không.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2015 giảm 50% số bệnh nhân hiện mắc so với ước tính năm 2000, khống chế tỷ lệ bệnh nhân lao đa kháng thuốc năm 2015 bằng mức năm 2010. Loại bỏ hoàn toàn bệnh lao khỏi cộng đồng vào năm 2030.
Tại Hội nghị phòng chống lao toàn quốc diễn ra ngày 22/3, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi TW cho rằng để giải quyết bài toán nguồn nhân lực, cần có cơ chế hỗ trợ về tài chính để thu hút nhân lực cho hệ thống chống lao vùng sâu, vùng xa; cải tiến quy định bảo hiểm y tế để người có thẻ có thể khám phát hiện bệnh lao ở cơ sở y tế gần nhất.
Như vậy, cùng với hệ thống phòng chống lao toàn quốc, việc đưa vào sử dụng vaccine mới, phương pháp chẩn đoán, quản lý điều trị mới, Việt Nam kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu loại trừ hoàn toàn bệnh lao khỏi cộng đồng vào năm 2030.
(Theo Nguyệt Hà // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com