Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chống tham nhũng và những nghịch lý

picture
Đây là lần đầu tiên các chiến sỹ trên mặt trận phòng chống tham nhũng tham gia Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc.

Cán bộ có sai phạm không những chưa bị xử lý mà còn được đề bạt, thậm chí được tặng huân chương… là thực tế khiến ông Lê Đạo, một trong 5 đại biểu có thành tích phòng chống tham nhũng về dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc năm 2010 còn thấy lo lắng, day dứt.

Tại cuộc gặp mặt với 5 vị đại biểu nói trên do Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tổ chức chiều 26/12, ông Phạm Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Phó chánh văn phòng nhấn mạnh: đây là lần đầu tiên các chiến sỹ trên mặt trận phòng chống tham nhũng tham gia Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc.

Đã có tham luận khá chi tiết bằng văn bản, vậy nên 5 nhân vật chính của buổi gặp mặt chỉ phát biểu rất ngắn gọn. Và điểm gặp nhau của các ý kiến là sự quan tâm của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã khiến họ ấm lòng trên chặng đường đấu tranh chống tham nhũng đầy khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên, với cơ chế như hiện nay, việc phòng chống tham nhũng chưa thể đạt hiệu quả cao.

84 tuổi, mái đầu đã bạc trắng, nguyên Bí thư Huyện ủy Đức Trọng (Lâm Đồng) Lê Đạo tâm tư rằng “lo quá, day dứt quá” trước tình trạng tham nhũng mà như lời một đồng chí lãnh đạo cao cấp nói là “thảm họa của đất nước”.

Thông tin tại bản tham luận của ông Đạo cho biết, ông và ba đồng chí cán bộ, đảng viên khác đã trải qua 10 năm kiên trì đấu tranh chống tham nhũng với bao lực cản, cám dỗ, đe dọa tính mạng cộng với sự bao che, đùn đẩy, né tránh của nhiều thế lực, nay bước đầu đem lại thắng lợi với kết quả tài sản thu hồi được gần 30 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng theo ông, điều nghịch lý từ sự việc cụ thể mà ông tham gia đấu tranh, đó là người chủ mưu trong việc để thất thoát tài sản của Nhà nước không những chưa bị xử lý mà còn được đề bạt, cất nhắc. Người có công chống tham nhũng thì được cấp tỉnh tặng bằng khen, người sai phạm lại được tặng huân chương.

“Việc xử lý như thời gian qua là không có tính răn đe, ngăn chặn, khó tạo thuận lợi cho đấu tranh chống tham nhũng”, ông Đạo viết.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, vị đại biểu cao tuổi này cho rằng một trong những hạn chế của công tác chống tham nhũng hiện nay chính là tổ chức làm công tác này ở cấp tỉnh và huyện chưa hợp lý. Vì “chủ tịch tỉnh mà làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thì hổng ăn”.

Với kinh nghiệm từ 10 năm “đấu tranh không cân sức” với nhiều vụ người sai phạm hầu hết là cán bộ, ông Đạo đề nghị cơ quan và cán bộ phòng chống tham nhũng phải chuyên trách chứ không nên kiêm nhiệm. “Cán bộ chống tham nhũng phải là người tâm huyết, trong sáng, đừng có ôtô nhà lầu nhiều quá”, ông Đạo nói.

Tâm sự của ông Lê Đạo được 4 đại biểu tiêu biểu khác cùng về dự Đại hội thi đua yêu nước lần này chia sẻ. Bà Nguyễn Thị Hòa, cựu chiến binh phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội) đã thành công trong việc tố cáo những tiêu cực của một số cán bộ trong thực hiện dự án kè hồ Tây sau ba năm ròng rã tìm chứng cứ. Kiểm toán vào cuộc và đã phát hiện tổng số tiền sai phạm hơn 39 tỷ đồng.

“Đối tượng mà tôi đấu tranh là những người có chức vụ, quyền hạn, có thế lực trong xã hội, có nhiều thủ đoạn để lừa trên, nạt dưới, tạo sự nghi ngờ và gây bức xúc trong nội bộ và nhân dân”, bà Hòa cho biết.

Nhà báo Phan Thị Thanh Hương, báo Người Cao Tuổi cũng đã có 6 năm chống tiêu cực, tham nhũng ngay tại cơ quan mình và liên tục bị khủng bố tinh thần, đe dọa tính mạng.

Với Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Hà Nội, ông Phạm Thanh Bình thì khi ông báo cáo Quận ủy Cầu Giấy về sai phạm trong sử dụng đất đai thì không những không nhận được sự chỉ đạo mà còn bị phê bình, cho nghỉ chức vụ. Và đến ngày 5/5/2010, ông Bình mới được phục hồi chức vụ sau 506 ngày bị cách chức.

Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh cao Bằng Dương Thanh Phúc đề nghị cần có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ những người dám đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Vì hiện có rất nhiều người tốt muốn cung cấp thông tin, hợp tác chống tham nhũng nhưng không dám thực hiện.

“Nếu cấp ủy Đảng và người đứng đầu đơn vị mà chần chừ thì tham nhũng sẽ “chìm xuồng”. Còn cấp ủy và người đứng đầu gương mẫu, có tài có đức và kiên quyết chống tham nhũng thì không có việc gì khó mà không làm được”, ông Phúc nói.

(Theo Vneconomy)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi