Một vấn đề kinh tế- xã hội lớn được Chính phủ chỉ đạo thực hiện trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2010 là sớm ban hành chuẩn nghèo mới phù hợp với tình hình thực tế.
Xây dựng nhà cho người nghèo ở Phú Yên. Ảnh: VTV |
Chuẩn nghèo là thước đo (hay tiêu chí) để xác định ai là người nghèo hoặc không phải người là nghèo. Đến nay, nước ta đã 5 lần điều chỉnh chuẩn nghèo theo hướng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người nghèo.
Chính sách giảm nghèo cần thúc đẩy người nghèo tự vươn lên
Mục tiêu chung của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 18,2% năm 2006 xuống còn 10-11% vào năm 2010, tức là giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 2%/năm.
Mặc dù chương trình giảm nghèo đạt được kết quá khá tốt và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, song mục tiêu giảm nghèo của nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn như kết quả giảm nghèo còn thiếu bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao, tỷ lệ hộ cận nghèo lớn…
Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo qua Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII kiến nghị sớm ban hành chuẩn nghèo mới, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân ở các vùng khác nhau.
Theo Quyết định số 170/2005/QĐ - TTg ngày 8/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 -2010 như sau: Hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 200.000 đồng/người/tháng trở xuống; khu vực thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 260.000 đồng/người/tháng trở xuống. |
Theo ông Ngô Trường Thi, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), chuẩn nghèo được ban hành dựa trên nhu cầu chi tiêu cơ bản của hộ gia đình, mà nhu cầu chi tiêu lại phụ thuộc bởi yếu tố giá cả. Khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng sẽ làm giá trị thực tế của chuẩn nghèo giảm xuống. Hàng năm, khi rà soát hộ nghèo thì một bộ phận người nghèo sẽ phải được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương và không được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhưng họ vẫn là người nghèo.
Vì vậy, việc điều chỉnh chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn sau năm 2010 là cần thiết, cũng là cơ sở để trình Chính phủ ban hành các chính sách giảm nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo: Để có căn cứ xác thực và đề xuất các phương án điều chỉnh chuẩn nghèo phù hợp với thực tiễn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đánh giá toàn diện việc thực hiện các chính sách giảm nghèo thời gian qua; rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chính sách giảm nghèo mới theo hướng tạo điều kiện để người nghèo phấn đấu, tự vươn lên, hạn chế tính thụ động, ỷ lại Nhà nước và cộng đồng; đồng thời cần tính toán, cân đối nguồn lực để thực hiện các cơ chế, chính sách khi chuẩn nghèo được ban hành.
6 tiêu chí chuẩn nghèo mới
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê và các bộ liên quan thực hiện việc rà soát lại các chính sách giảm nghèo hiện hành; tiến hành xây dựng chuẩn nghèo mới để trình Chính phủ ban hành theo hướng: (1) chuẩn nghèo xây dựng dựa trên cơ sở khoa học; (2) dựa trên cơ sở nhu cầu chi tiêu cơ bản; (3) phù hợp và có thể so sánh với quốc tế và khu vực; (4) ưu tiên khu vực miền núi, nông thôn; (5) phù hợp với khả năng cân đối ngân sách; (6) không làm xáo trộn và phức tạp cho địa phương trong quá trình tổ chức điều tra, xác định đối tượng.
Theo đó, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng phương án chuẩn nghèo mới, ở mức 500.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị; 400.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn.
Nếu theo chuẩn này, nước ta sẽ có khoảng 3,3 triệu hộ nghèo, tương ứng với 16,5 triệu người nghèo. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta sẽ tăng từ 11% như hiện nay lên khoảng 15%, không tạo đột biến về số lượng.
Dự kiến, kinh phí từ ngân sách dành cho các chương trình xóa đói giảm nghèo theo chuẩn mới sẽ tăng thêm khoảng 5.700 tỷ đồng kể từ năm sau.
Chuẩn nghèo Chính phủ ban hành là mức tối thiểu. Từ cơ sở này, các tỉnh, thành phố có điều kiện về ngân sách có thể ban hành chuẩn nghèo riêng để áp dụng cho địa phương với nguyên tắc tự cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo với đối tượng tăng thêm, điều này cũng phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhiều địa phương đã ban hành chuẩn nghèo riêng.
Hiện nay, trên cả nước có 9 tỉnh, thành phố áp dụng mức chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo chung của cả nước là TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Bình Phước, Long An.
Ở Hà Nội, chuẩn nghèo khu vực thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng; khu vực nông thôn là từ 330.000 đồng/người/tháng trở xuống (áp dụng trong giai đoạn 2009- 2013). Tại TP Hồ Chí Minh, hộ nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân từ 12 triệu đồng/người/năm trở xuống ), không phân biệt nội thành, ngoại thành (áp dụng trong giai đoạn 2009 – 2015). |
(Theo Công Trí // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com