Hôm 7/4, Thành phố Hà Nội đã tổ chức đón nhận Bằng công nhận 82 bia đá Tiến sỹ các khoa thi tiến sỹ triều Lê và triều Mạc (1442- 1779) tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám là “Di sản tư liệu Thế giới”.
Nhận bằng công nhận “Di sản tư liệu Thế giới” -Ảnh Chinhphu.vn |
Phát biểu tại lễ đón nhận, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long khẳng định, việc 82 bia Tiến sỹ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc) công nhận “Di sản tư liệu Thế giới” là vinh dự lớn đối với nhân dân Thủ đô và cả nước, là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Phó Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, địa phương, đại diện UNESCO tại Việt Nam sẽ làm hết sức mình để năm nay nhiều di tích khác của Việt Nam tiếp tục được công nhận di sản thế giới, góp phần làm cho Đại lễ 1000 năm mang nhiều ý nghĩa và đạt kết quả cao nhất.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc trước đó Đại hội đồng UNESCO khóa 35 tại Paris (Pháp) đã thông qua Nghị quyết về việc tham gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nhân dịp này, UBND thành phố Hà Nội đã công bố Nghị quyết nói trên của UNESCO - một văn kiện pháp lý cho phép nâng hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa quan trọng này lên phạm vi toàn cầu.
Văn kiện cũng là một hình thức quảng bá hình ảnh Việt Nam và giúp bạn bè trong các nước thành viên của UNESCO hiểu rõ hơn về đất nước Việt Nam với nhiều di sản hàng ngàn năm tuổi.
Bia đá Tiến sỹ - Ảnh Chinhphu.vn |
Như đã đưa tin, chiều 9/3 tại Macau, Trung Quốc, trong phiên họp toàn thể thường niên Ủy ban Ký ức Thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO, hồ sơ Bia đá các khoa thi Tiến sỹ triều Lê và Mạc tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
Bia Tiến sỹ Văn Miếu là di sản tư liệu thứ hai của Việt Nam được đưa vào danh mục Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, sau Mộc bản triều Nguyễn.
Bia Tiến sỹ Văn Miếu vinh danh tên tuổi những người đỗ trong các kỳ thi tuyển Tiến sĩ triều Lê và Mạc. Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn (bài ký) bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của các khoa thi tổ chức từ năm 1442 đến 1779. Có 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi.
Không chỉ là nguồn tư liệu phong phú phản ánh một giai đoạn lịch sử hơn 300 năm dưới triều Lê-Mạc, Bia Tiến sỹ Văn Miếu còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo ở Việt Nam, thể hiện tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài. Bài ký đề tên tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) do Thân Nhân Trung soạn đã khẳng định "hiền tài là nguyên khí quốc gia".
Tính độc đáo nguyên bản và duy nhất của các tấm bia cũng được các nhà nghiên cứu khẳng định rất rõ, mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật thông qua những hình ảnh điêu khắc trang trí trên từng bia. Phương pháp dựng và vật liệu dựng bia là đá thanh thạch được tuyển chọn rất kỹ.
Công việc tạo dáng bia, khắc bia đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và kỹ năng chế tác. Nếu chẳng may, một hoặc một số tấm bia bị hư hỏng hoặc mất đi thì nhân loại sẽ mất đi một di sản tư liệu quý hiếm, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo và không thể khôi phục được.
(Theo Kiều Liên // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com