5 quan điểm đưa ra trong Dự thảo Chiến lược 2011-2020 về cơ bản là phù hợp và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, nội dung này vẫn tiếp tục cần được bổ sung và chỉnh sửa. Cụ thể, về các quan điểm phát triển, mặc dù cơ bản nhất trí với các quan điểm như đã nêu trong Dự thảo, nhưng trong điều kiện hiện nay, cần bổ sung thêm quan điểm phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong quan điểm phát triển các loại hình doanh nghiệp, cần cân nhắc chủ trương phát triển doanh nghiệp cổ phần trở thành loại hình phổ biến nhất. Doanh nghiệp cổ phần có nhiều ưu thế, nhưng thường chỉ thích hợp với doanh nghiệp quy mô lớn, mức độ xã hội hoá cao. Ở nước ta, chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty cổ phần đã phát huy nhiều tác động tích cực, phù hợp với mục tiêu cải cách doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, người lao động và các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, thực tiễn trên thế giới và cả ở Việt Nam cho thấy, loại hình này không phổ biến nhất (về số lượng), đặc biệt đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Nguyên nhân chủ yếu là loại hình này không bảo đảm tối đa lợi ích của các chủ sở hữu (cổ đông) của doanh nghiệp, nhất là những vướng mắc phát sinh trong quản trị doanh nghiệp cổ phần từ khoảng 3 thập kỷ gần đây.
Ngoài ra, về quan điểm thứ nhất của Dự thảo Chiến lược 2011-2020, cần chỉnh đổi thành “phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược” cho đúng nội hàm, nhất quán với các nội dung tiếp theo của quan điểm này. Đối với quan điểm này, nên thay “chú trọng phát triển chiều sâu” bằng “chú trọng nâng cao năng suất lao động, hiệu quả phân bố và sử dụng các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh”.
Bên cạnh đó, tại quan điểm thứ hai, bổ sung nội dung “tiến bộ” khi xác định mục tiêu phát triển. Quan điểm thứ ba nên sửa là: “3. Thực hành dân chủ, công khai, minh bạch, phát huy tối đa nhân tố con người và con người được coi là mục tiêu của mọi sự phát triển”. Quan điểm thứ tư, nên rõ hơn, có chọn lọc hơn đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đó là “tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển về số lượng gắn với tăng chất lượng”.
Quan điểm thứ năm cần được làm rõ, do khái niệm độc lập, tự chủ chưa rõ, còn nhiều tranh luận, nhất là giữa độc lập tự chủ quốc gia với độc lập, tự chủ về kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc giữ vững độc lập, tự chủ (cần có dấu phẩy (,) giữa hai khái niệm) về kinh tế, nhất là về chính sách và khung pháp lý là điều khó thực hiện. Thực tế cho thấy, phần lớn các nước có độ mở cửa lớn và chính sách hội nhập khôn ngoan, thì có mức độ phát triển kinh tế càng cao và qua đó có khả năng duy trì độc lập, tự chủ quốc gia càng lớn. Từ các quan điểm, thực tiễn trên, quan điểm 5 có thể được thể hiện lại là (đại ý): “Với các chính sách đối ngoại và hội nhập thích hợp, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế gắn liền với giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia”.
Mục tiêu và ba giải pháp đột phá chiến lược
Về mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cần xem xét tính nhất quán giữa hai văn bản. Dự thảo Chiến lược đưa ra mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng không đề rõ mức độ hiện đại ở cấp độ nào, khu vực hay quốc tế. Còn trong Dự thảo Cương lĩnh đề ra mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại (cũng không đề rõ mức độ hiện đại ở cấp độ nào) theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về các mục tiêu, không nên đặt ra các chỉ tiêu con về phát triển con người quá chi tiết. Về mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 3.000-3.200 USD, nên nói rõ thêm năm nào và giá nào. Bởi vì, nếu GDP bình quân/người tăng hàng năm là 7,5% thì đến năm 2020, GDP/người chỉ đạt gần 2.500 USD (giá 2010); còn nếu GDP/người tăng 8% hàng năm, thì đến năm 2020 GDP/người đạt mức khoảng 2.600 USD.
Về ba giải pháp đột phá chiến lược như đã nêu trong Dự thảo, cần nhấn mạnh các đột phá này có tầm quan trọng ngang nhau và tiến hành đồng thời, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Về đột phá phát triển hạ tầng, thay vì “tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị”, nên xem xét tập trung vào các đầu mối chuyển tải hàng hoá xuất nhập khẩu, các vùng tập trung sản xuất hàng hoá quy mô lớn và kết nối vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn với các đầu mối giao lưu kết nối nền kinh tế nước ta với bên ngoài.
Về các đột phá, đưa mục 1, 2, 4 của mục V của Chiến lược là khâu đột phá, bởi lẽ nếu chỉ có trọng tâm là cải cách hành chính sẽ chưa đủ. Nếu 3 mục này làm tốt thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tự khắc sẽ có hiệu quả hơn. Với đột phá thứ hai, nên bổ sung thêm “đổi mới toàn diện nền giáo dục - đào tạo”, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Mục VI, điểm 2, nên đặt ra yêu cầu “phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng liên ngành, chuyên môn hóa”, có như vậy mới phát triển được công nghiệp hỗ trợ và phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại được.
Việc “tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động” là phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất nước ta, nhưng cần đặt thêm yêu cầu là “...gắn với tăng năng suất lao động”.ª
PGS-TS Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
(Theo PGS-TS Lê Xuân Bá // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com