Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Nhiễu sóng” tư vấn chính sách?

Buổi làm việc giữa Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh với Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Ảnh: Anh Quân.

“Rõ ràng, tình hình thế giới đang cho thấy có dấu hiệu xấu đi, sẽ tác động đến chúng ta rất nhanh. Vậy làm thế nào để thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết 11, có cần thêm điểm nhấn nào không?”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu vấn đề với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tiếp sau buổi làm việc giữa Thủ tướng với các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học hôm 20/8, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã dành trọn buổi sáng ngày 25/8 làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham vấn chính sách.

“Trong các cuộc họp, không chỉ các chuyên gia mà ngay cả nội bộ cơ quan Chính phủ cũng có ý kiến khác nhau”, Phó thủ tướng Ninh lưu ý.

Việc chính sách tiền tệ “rục rịch” điều chỉnh ở mức độ nào đó, cắt giảm đầu tư đối mặt nhiều quan điểm “gay gắt” từ phía các địa phương có thể khiến cho quan điểm chống lạm phát đang thiếu vững vàng hơn.

Nhưng tư vấn chính sách giờ đây cũng “nhiễu sóng”. Và kịch bản đã lường trước của Phó thủ tướng, cuối cùng cũng xảy ra ngay trong buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phó giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đào Văn Hùng phân tích, lạm phát là do thiếu hụt nguồn cung, nếu không xử lý được về nguồn cung thì sẽ thành vòng luẩn quẩn: khống chế lạm phát để lạm phát giảm thì làm giảm tăng trưởng, dẫn đến lạm phát tăng rồi lại kiềm chế lạm phát…

Không thừa nhận góc nhìn trên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Xuân Bá xin được nói thẳng. “Chống lạm phát không phải là cuộc dạo chơi có hoa hồng và rượu champagne. Chống lạm phát là có trả giá!”, ông nói.

Quan điểm của ông Bá là trái ngược hoàn toàn với lời kêu gọi hỗ trợ sản xuất nói chung. “Chống lạm phát thì phải chấp nhận một số doanh nghiệp đóng cửa, có một bộ phận khó khăn, nếu không thì không chống được”, ông thẳng thắn.

Dẫn nguồn số liệu để phản bác quan điểm “vị sản xuất”, ông Bá lưu ý tồn kho nhiều loại sản phẩm lên rất cao. “Thế thì có nên sản xuất nữa không?”, ông đặt câu hỏi cho cả hội trường và nêu quan điểm: “Tăng sản xuất nói chung, tôi không đồng tình”.

Với Nghị quyết 11, Viện trưởng CIEM cho rằng, cần đi theo mục tiêu cuối cùng của Nghị quyết 11, chứ không phải bám vào con số.

“Có người nói, tín dụng 20%, dư địa còn nhiều… Để chống lạm phát, giảm tín dụng đến 10%, hay thậm chí 5% cũng phải chấp nhận. Quan trọng là lạm phát phải xuống, phải thực hiện mục tiêu cuối cùng, chứ không phải là bám vào các mục tiêu trung gian”, ông nói.

Nhưng hai quan điểm trái chiều kể trên, cuối cùng cũng có một góc chung. Thứ trưởng Cao Viết Sinh lưu ý rằng, lĩnh vực chăn nuôi hiện nay đã giảm sút. Nếu không tập trung gỡ khó khăn cho lĩnh vực này thì hàng hóa còn thiếu và sẽ tiếp tục gây sức ép lên lạm phát.

Thứ trưởng Sinh kết luận: “Nguyên nhân tiền tệ đâu tôi không biết, nhưng thiếu hàng hóa cũng là một cái gốc của lạm phát. Cho nên, tôi thấy nông nghiệp rất cần được quan tâm”.

Ở điểm này thì ông Bá cũng như nhiều vị lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ đều đồng tình. “Nếu thế giới có loạn mà 70-80% dân số nông nghiệp Việt Nam ổn định được là ta ổn định”, Viện trưởng CIEM nói.

Ở góc nhìn chống lạm phát trong dài hạn, sự đồng thuận phổ biến hơn. Vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả, sau khi xuất hiện nhiều lần trong các phát biểu của Thủ tướng, đến nay “y án” trong nhiều đệ trình tư vấn chính sách.

“Để ổn định dài hạn thì phải đổi mới mô hình tăng trưởng. Ngay châu Âu, Mỹ cũng phải tính đến thay đổi, xã hội tiêu dùng dẫn đến nợ công không khéo vỡ đến nơi”, ông Bá nói.

(Theo Vneconomy)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi