Một trong những chỉ tiêu kinh tế được các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII đặc biệt quan tâm là triển vọng xuất khẩu của nước ta trong năm 2010. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có những phân tích cụ thể, từ việc đánh giá về những tiềm năng và những giải pháp cụ thể về thị trường, sản phẩm chủ đạo cũng như các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, để từ đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu năm 2010 tăng 6% so với năm 2009.
PV: Thưa ông, theo Báo cáo của Chính phủ, chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 tăng 6% so với năm 2009. Ông đánh giá như thế nào về chỉ tiêu này?
Ông Nguyễn Đức KiênVề mức tăng trưởng xuất khẩu của năm 2010, Ủy ban Kinh tế đã làm một bài toán rất đơn giản đó là khi nền kinh tế thế giới có xu hướng phát triển, tất nhiên kéo theo giá sẽ tăng chứ không thấp như năm 2009. Hiện nay, nếu tính về số lượng sản phẩm xuất khẩu của năm 2009, so với năm 2008, là cao hơn. Nếu chỉ tính đơn thuần, đặc biệt đối với lĩnh vực xuất khẩu nông sản, nếu giữ được ở mức giá cao hơn của năm 2009 nghĩa là cộng thêm lạm phát, với số lượng hàng nông sản đã tăng hơn thì cũng đã khá hơn. Như vậy có thể sẽ vượt mức 6%.
Vấn đề ở đây không phải là cố gắng để đạt 6% mà vấn đề là dự báo như thế để có phương án xử lý chính sách ngoại tệ. Chúng ta tính được mức xuất khẩu và thu được thuế xuất khẩu là để cân đối năm 2010 sẽ nhập siêu bao nhiêu - đó mới là vấn đề quan trọng. Còn thực ra, nếu đặt là 6 hay 7% cũng quan trọng nhưng chưa phải là vấn đề quyết định, mà phải đặt trong tỷ lệ cân đối chung của nền kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ.
PV: Chính phủ đã có nhiều giải pháp kích thích nền kinh tế phát triển cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Về gói kích thích kinh tế thứ hai, theo ông, sẽ có những tác động tích cực cụ thể nào đối với doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Đức KiênHiện nay, gói kích thích kinh tế thứ hai được ban hành với hy vọng sẽ giúp được các doanh nghiệp xuất khẩu đi lên. Nhưng vấn đề không phải là xuất khẩu bằng mọi giá, mà với số lượng như thế nhưng hỗ trợ để giá trị gia tăng trên từng sản phẩm được tăng lên. Mục đích của Chính phủ và Quốc hội khi thảo luận ở hội trường có những tranh luận gay gắt và một chút mâu thuẫn cũng không phải để nâng cao số lượng mà nâng giá trị gia tăng của từng loại sản phẩm.
PV: Từ những phân tích trên, ông có đánh giá gì về triển vọng xuất khẩu năm 2010 của nước ta?
Ông Nguyễn Đức KiênNhìn chung, triển vọng của xuất khẩu Việt Nam trong năm 2010 sẽ khá hơn. Nhiều nước trên thế giới đều đã điều chỉnh lại tốc độ tăng trưởng GDP, tạo cho chúng ta có căn cứ có thể tin tưởng nền kinh tế thế giới trong năm 2010 sẽ khá hơn. Như vậy Việt Nam có thể tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
PV: Vậy theo ông, để tăng giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu thì đâu là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Đức KiênTheo thống kê của năm 2009, dệt may và da giày đã vượt dầu thô, chắc chắn sang năm 2010, dầu thô sẽ không ở vị trí thứ nhất nữa, có thể xuống vị trí thứ ba, bởi khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động với công suất của Nhà máy khoảng 3-5 triệu tấn dầu thô/năm như vậy chúng ta phải hạn chế xuất khẩu. Xuất khẩu 15 triệu tấn quy dầu của dầu khí chắc sẽ phải dành một lượng thích đáng cho Dung Quất, tỷ lệ xuất khẩu của ngành dầu khí sẽ không còn cao như trước nữa.
Đối với ngành hàng nông sản, chắc sản lượng xuất khẩu cũng vẫn sẽ cao. Vấn đề là bây giờ chúng ta vẫn tiếp tục phải nghiên cứu sâu đối với các thị trường truyền thống và mới.
Đối với các thị trường truyền thống, chúng ta cũng phải có những nghiên cứu về tâm lý của người tiêu dùng sau khủng hoảng ra sao, người ta dùng cái gì, cần cái gì, ăn cái gì… Những vấn đề này chúng ta chưa hề có bất kỳ nghiên cứu nào. Đối với các thị trường mới như châu Phi, châu Mỹ Latinh, cũng phải nghiên cứu nhu cầu của họ… Chúng ta phải đón bắt tâm lý đó để chuẩn bị đưa vào kế hoạch sản xuất của từng doanh nghiệp. Bản thân mỗi doanh nghiệp cũng đã có kế hoạch sản xuất cho năm 2010, định hướng phát triển thị trường ở đâu... Tôi tin các nhà quản trị doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã nghĩ ra và có những động tác để thực hiện những vấn đề ấy.
Được biết, nhiều doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may đã đi tìm hiểu thị trường ở rất nhiều nước. Đó là những động thái chủ động đón xuất khẩu năm 2010.
PV: Xin cảm ơn ông!