Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cụ già 100 tuổi và cuộc chiến với “quái vật” sông Đà

Vào những ngày trái gió trở trời, người dân lại trông thấy một con cá nổi lên với cái đầu mốc thếch, to bè, thân dài ngoằng uốn lượn khiến nước rẽ ra cứ như chiếc thuyền đang bơi ngược dòng nước vậy.

Theo ông Tòng Xuân Sáng, Chủ tịch xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu (Sơn La), cụ của ông Lò Văn Hâu vốn là một thầy cúng, nhưng cha ông là thợ săn cá tài ba, đã truyền lại bí mật nghề nghiệp cho ông. Ông Hâu sở hữu rất nhiều đồ cổ như rìu đá, búa đá, tên đồng, lao đồng… Xưa kia, vùng đất Liệp Tè là nơi người tiền sử cư ngụ, nên dưới lòng đất có rất nhiều đồ cổ.

Ông Sáy (Chủ tịch MTTQ xã Liệp Tè, đứng trên hòn đá) và ông Sáng (Chủ tịch xã Liệp Tè) bên hòn đá cổ có hình khắc.  

Ông Hâu thường mổ gà cúng bái những hòn đá cổ có hình khắc ở bãi sông Liệp Tè vào những ngày trọng đại, rồi kể với dân chúng rằng, ông được truyền cho nghề săn cá lớn sông Đà. Cả đời ông Hâu đã lôi lên từ khúc sông hùng vĩ, dữ dằn này không biết bao nhiêu “quái vật”, mà con nào con nấy cứ như khúc gỗ, tảng đá, với hai cái râu to tướng lè phè bên mép.

Một đoạn sông Đà hung dữ chảy qua Liệp Tè. Con thuyền mỏng manh như chiếc lá xoay tròn trong vòng xoáy. Dưới những vụng xoáy này có rất nhiều cá chiên lớn.

Thầy cúng Lò Văn Hâu có bí quyết rèn súng kíp tài tình đến nỗi ngâm súng xuống nước cả tiếng đồng hồ vẫn nổ đùng đoàng. Thông thường súng kíp tự chế chỉ cần dính nước, ướt thuốc, là không nổ được nữa.

Những mũi tên đồng dùng để săn cá được ông Hâu rèn dũa giống như những mũi tên cổ mà thợ săn thời xưa dùng săn thú lớn. Mũi tên được gắn vào cái nòng dài ngoẵng của chiếc súng kíp bắn dưới nước và được nối với sợi dù chắc chắn.

Những người thợ đang thả mồi săn cá chiên trên sông Đà. 

Cao thủ săn cá Lò Văn Hâu không cần ống thở, vác súng nhảy thẳng xuống dòng nước xiết, lặn xuống độ sâu cả chục mét, lần vào các hang hốc dưới đáy sông, trong vách núi dựng đứng để truy tìm “quái vật”.

Loài “quái vật” cá chiên khổng lồ thực ra được đồng bào Thái dọc sông Đà gọi là cá gỗ, vì ngoài hành động hung dữ khi đớp mồi, khi ở trong hang, chúng hiền như khúc gỗ. Thậm chí, mùa nước cạn, người lội dưới sông dẫm lên mình nó, nó cũng nằm im, không thèm cựa quậy.

Loài "quái vật" có hình dạng ghê gớm này được đồng bào gọi là cá gỗ, vì nó nằm im dưới đáy sông như một khúc gỗ. 

Điều đặc biệt là ông Hâu chỉ ăn bộ lòng của cá chiên. Mỗi khi trục được “quái vật” lên bờ, ông chỉ mổ bụng móc lấy bộ lòng, còn nguyên tảng thịt mấy chục kg, ông chia cho dân bản. Những năm 50-60 của thế kỷ trước, ông săn được nhiều cá chiên đến nỗi, dân bản cũng không thèm ăn nữa. Do đó, tóm được con nào, ông móc nguyên bộ lòng, rồi lại thả xác nó xuống sông làm thức ăn cho những con cá chiên khác.

Cuộc vật lộn giữa ông Hâu và “quái vật” cá chiên khổng lồ vào năm 1982, bất cứ người dân nào ở Liệp Tè và thợ săn cá dọc sông Đà thuộc địa phận huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mường La đều biết và kể như huyền thoại.

Đan lưới cho chồng đi săn cá. 

Ở khúc sông chảy qua bãi Pá Màng, nơi mà dưới lòng sông có rất nhiều hang động, hang động ăn sâu cả vào vách đá dựng đứng, cứ mỗi năm vài lần xuất hiện một “quái vật” khổng lồ.

Vào những ngày trái gió trở trời, người dân lại trông thấy một con cá nổi lên với cái đầu mốc thếch, to bè, thân dài ngoằng uốn lượn khiến nước rẽ ra cứ như chiếc thuyền đang bơi ngược dòng nước vậy. Hầu hết người dân đều mê tín cho đó là cá thần, thợ săn cá cũng khiếp sợ không dám truy bắt con cá này.

Ba con cá chiên khổng lồ săn được ở sông Đà, mỗi con nặng trên dưới 40kg (Ảnh Đỗ Doãn Hoàng). 

Mỗi lần nó nổi lên mặt nước chừng vài phút, vào lúc chiều tối, rồi lại mất hút trong dòng nước xiết. Đã có nhiều thuyền bè qua lại đoạn sông này bị chao đảo, thậm chí bị lật chìm khi lao vào con “quái vật” này. Theo ước tính, con “quái vật” cá chiên này có tuổi thọ đến cả thế kỷ và cân nặng của nó phải đến cả tạ.

Mặc dù ai cũng can ngăn, rằng nó là cá thần, song vì máu săn bắn chạy rần rật trong huyết quản, nên ông Lò Văn Hâu vẫn quyết định săn bằng được con cá này.

Phía dưới chỗ nó thường xuyên nổi là một hang đá ngầm rất lớn, sâu chừng 20 mét, nước lại chảy rất mạnh, nhiều dòng xoáy, đến thuyền bè qua lại cũng khó khăn chứ đừng nói chuyện lặn xuống đó.

Rất nhiều người săn được cá chiên nặng tới 70kg ở sông Đà. 

Buổi sáng một ngày mùa thu năm 1982, khi cái lạnh đã ngằn ngặt khắp núi rừng, ông Hâu, lúc đó đã tròn 100 tuổi, song thân thể vẫn cường tráng, vâm váp, vác súng kíp dài ngoằng gắn mũi tên đồng ở nòng nhảy xuống dòng nước xiết.

Sau mấy hơi lặn xuống, nổi lên, mọi người thấy ở tai, mũi ông rỉ ra vài giọt máu. Ông bơi vào bờ và bảo bắn trúng “cụ” cá chiên rồi. Ông Hâu ra sức kéo căng sợi dù, bỗng nhiên con cá lao lên mặt nước quẫy ủng oảng, rồi phóng vun vút về hướng huyện Mường La.

Sợi dù dài cả trăm mét đã được buộc vào chiếc can nhựa 20 lít nắp kín. Lúc chiếc can nhựa nổi dập dìu trên mặt nước, lúc lao vun vút tạo thành sóng mạnh.

Ông già Lò Văn Hâu lái thuyền chạy theo chiếc can nhựa cả chục km. Đến nhập nhoạng tối, chiếc thuyền đuôi én kéo theo một con “quái vật” khổng lồ, lớn chưa từng có, cập bến Pá Màng. Ông Hâu dùng dây thừng buộc thắt nút vào gáy con “quái vật”, cột thừng vào đuôi thuyền rồi kéo nó chạy ngược sông Đà.

Con cá chiên nặng 1,5 tạ săn được ở Ấn Độ (Ảnh sưu tầm). 

Trong ký ức đồng bào ở Liệp Tè, còn “quái vật” này là cá thần, nên khi nhìn thấy hình thù khổng lồ, kỳ dị của nó thì rất sợ hãi. Nhiều người cứ khấn vái con cá như vái Thánh sống.

Con quái vật này dài hơn 3m, đặt lên thuyền khiến thuyền chìm sâu bằng hai thanh niên vạm vỡ đứng lên, nên mọi người ước đoán nó nặng cỡ 1,4 đến 1,5 tạ.

Chuyện con cá chiên nặng đến 1,5 tạ quả là khó tin, vì không có bằng chứng nào xác minh. Tuy nhiên, tôi đã từng được nghe anh em công an Hà Giang kể chuyện, trong một lần truy đuổi nhóm đánh mìn trên sông Gâm, đã chứng kiến đồng bào Mông dìu vào bờ một con cá chiên nặng tới 143 kg. Con cá này do bọn “mìn tặc” đánh trúng, nhưng bị công an truy đuổi nên chúng bỏ cá chạy lấy người. Bữa đó, đồng bào Mông mổ cá như mổ trâu, mỗi hộ được chia một tảng thịt lớn.

Sau khi kéo con cá lên bờ, ông Hâu dùng chiếc dao sắc nhọn phanh thây “quái vật” lấy bộ lòng, rồi xẻ thịt chia cho mọi người. Tuy nhiên, không ai dám ăn thịt con “quái vật” này, vì họ cho nó là cá thần, do đó, ông Hâu thả xác nó xuống sông. Riêng bộ lòng con cá đựng đầy một cái chậu nhỏ, bằng với bộ lòng của một con lợn có trọng lượng tương đương, ông đem về ăn.

Sau khi săn được con “quái vật” đó, không hiểu vì lý do gì, ông Lò Văn Hâu gác súng, không bao giờ săn cá dưới sông Đà nữa. Ông chuyên tâm vào công việc cúng bái. Ông Hâu chết năm 2002, và theo chính quyền xã Liệp Tè, ông thọ đến 120 tuổi (?!).

 
Cụ Điêu Văn Sáu, một thợ săn cá chiên nổi tiếng ở Quỳnh Nhai, thọ đến 110 tuổi. 

Người dân Liệp Tè và Quỳnh Nhai đồn rằng, những người chuyên ăn cá chiên, đặc biệt là bộ lòng của loài “quái vật” này thường rất khỏe và sống rất thọ. Người ta dẫn chứng rằng, ông cụ Điêu Văn Sáu, ở xã Cà Nàng (Quỳnh Nhai, Sơn La), là thợ săn cá chiên nổi tiếng, người chuyên ăn lòng của loài “quái vật” này, đã sống đến 110 tuổi.

Tôi không tin chuyện này lắm, nên đã tìm lên tận xã Cà Nàng để tìm hiểu. Tôi đã không tin vào mắt mình khi gặp một cụ già 110 tuổi mà mắt vẫn sáng, giọng nói hào sảng và vẫn lên nương làm việc như thanh niên trai tráng. Theo như tấm giấy khai sinh và thiệp chúc thọ của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, thì cụ Sáu sinh ngày 12-1-1899.

Cụ Sáu thú nhận rằng, món khoái khẩu suốt đời của cụ là cá chiên, đặc biệt là bộ lòng của nó. Còn cụ thọ như vậy có phải do ăn cá chiên nhiều hay không thì cụ cũng không biết. Nhưng quả thật, loài cá chiên khổng lồ có bộ da dày như da trâu, vừa giòn vừa ngậy, thịt vàng như nghệ, dai như thịt gà mà vừa bùi vừa thơm, khó có thịt loài cá nào sánh được. Đặc biệt, bộ lòng rất dày của nó vừa béo ngậy, vừa giòn, ăn một lần thì khó có thể quên…

(Theo Vtc/baoangiang)

  • Kiếm bạc tỷ nhờ bán cau
  • Dâu mới đau đầu sắm tết nhà chồng
  • Sắm tết tiết kiệm, chị em về quê mua chung
  • Tết buồn của các đại gia thời suy thoái
  • Tết buồn của người lao động
  • Săn “trâu mộng” dưới đáy sông Đà
  • Thiếu mà như thừa
  • “Vương quốc” của “quái vật” sông Đà
  • Mùa ủ mắm cá linh
  • Trước thông tin một số hàng hóa của Trung Quốc nhiễm hóa chất độc hại: Cần tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ khi mua hàng Trung Quốc
  • Khởi công khu KTX sinh viên bằng nguồn xã hội hóa
  • Dịch cúm A/H1N1 sắp bắt đầu vào mùa lây lan
  • Ai được khi Nhà nước mất?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi