Sau bài Lòng tự trọng của doanh nghiệp, Sài Gòn Tiếp Thị xin giới thiệu ý kiến của tổng giám đốc công ty Bita’s Đỗ Long
Làm gì để người Việt dùng hàng Việt? Đó là câu hỏi nhức nhối đối với lòng tự trọng của từng doanh nghiệp. Phải chăng đã quá lâu chúng ta không còn tự tin rằng “ta phải là chính ta”? Chính tâm lý này đã giết chết mọi ý tưởng sáng tạo. Phải thành thật mà nói rằng hàng Việt Nam quá đơn điệu, ta không ra ta. Rất nhiều ngành hàng, nhiều nhà sản xuất, nhưng mỗi ngành hàng không đa dạng về chủng loại, thiếu đặc trưng riêng để người tiêu dùng chọn lựa.
Xây dựng một nền kinh doanh mới chính là phải sản xuất hàng chất lượng cao phục vụ cho người tiêu dùng trong nước trước đã, thì mới mong cạnh tranh với toàn cầu, chứ không phải là sản xuất hàng giá rẻ. Tại sao người Hàn Quốc, người Nhật ăn mặc, tiêu dùng toàn hàng nội địa, mà giá hàng nội địa của họ vẫn cao ngất trời? Đó là do họ có chiến lược dài hơi tôn trọng người tiêu dùng trong nước. Còn lỗi lớn của chúng ta là bỏ quên người tiêu dùng trong nước quá lâu, thiếu hiểu biết về người tiêu dùng. Các chính sách về phân phối, bán hàng, hậu mãi của chúng ta còn kém xa các thương hiệu bạn ngay tại sân nhà, trong khi chúng ta có con người, hiểu biết về văn hoá bản địa. Mua một món đồ giá trị, người tiêu dùng phải cân nhắc rất nhiều giữa hàng Việt và hàng ngoại không vì giá cả, mà vì sợ trục trặc không biết kêu ai? Tôi còn nhớ ngày 13.6.2006 khi sang Hàn Quốc, đã tận mắt chứng kiến cả Seoul ăn mừng chuỗi tám cửa hàng của Wal-Mart bị đóng cửa, buộc phải bán lại cho một tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc là Tân Thế Giới. Tại sao Wat-Mart thua Tân Thế Giới? Vì chỉ người Hàn Quốc hiểu tâm lý mua hàng của người Hàn Quốc. Tân Thế Giới đã phát hiện ra những “lỗi” rất cơ bản của Wat-Mart, đó là thiết kế các kệ hàng quá cao không phù hợp với vóc dáng của người châu Á, khi khách hàng cần gì không có người đến chỉ dẫn cụ thể…
Kinh nghiệm nhiều năm cạnh tranh với hàng Thái Lan, hàng Trung Quốc ngay tại sân nhà, và đang chiếm lĩnh thị phần tại Trung Quốc và các nước khu vực cho chúng tôi thấy rằng khó nhất là điều tra nghiên cứu thị trường. Với ngành giày dép, sản xuất đại trà là thua, vì ở mỗi địa phương có những đặc thù khác nhau về mẫu mã, kích cỡ, màu sắc. Có những kích cỡ hợp với chân người Sài Gòn, nhưng ra Đà Nẵng thì… thua! Vào nhà máy sản xuất giày dép, chỉ cần nhìn các bộ khuôn, là biết thành công hay thất bại. Muốn duy trì bán hàng trong nước, nhà sản xuất phải cực kỳ tính toán về vận chuyển, tạo được kênh phân phối theo từng phân khúc yêu cầu. Bita’s, Biti’s mở tới đâu cũng tự sắm xe vận chuyển phân phối hàng tới đó, để bảo đảm cam kết với khách hàng. Chúng ta hoàn toàn có thể xuất hàng sang nước bạn. Đặc biệt, nếu sản phẩm nào có thể làm ở Trung Quốc rồi bán luôn tại thị trường này, sẽ lợi hơn. Muốn trụ được ở thị trường Trung Quốc, phải kiên trì, xây dựng thương hiệu uy tín, khi đã có thương hiệu thì việc bán buôn tại đây khá dễ dàng. Công ty Bita’s, sau một thời gian dài chỉ hoạt động ở vùng biên giới, hiện đã có mặt tại 12 tỉnh thành Trung Quốc. Đặt một chân bên này cũng là cách để có thêm thông tin cho mình. Tháng 7 – 9 là mùa cao điểm của hàng tồn Trung Quốc xả qua Việt Nam, phải có chính sách biên mậu cụ thể, hàng rào kỹ thuật chi tiết và mốc chất lượng để ràng buộc nhau chứ không còn cách nào khác.
Để hàng hoá Trung Quốc không thể “làm mưa làm gió” trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải biết liên kết với nhau. Tại sao doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản đi làm ăn xa gắn kết chặt chẽ với nhau, ở khách sạn của mình, ăn đồ ăn của mình, chọn người mình? Đó là do ý thức dân tộc đã ăn sâu bắt rễ vào mỗi doanh nhân. Liên kết nhau trong một chuyến đi xa để tham gia hội chợ hay làm ăn cũng cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa văn hoá, nghệ thuật, ẩm thực… và hàng hoá. Không có sự tham gia bền bỉ của văn hoá nghệ thuật vào việc tiếp thị hàng hoá thì rất khó chinh phục được trái tim người tiêu dùng. Với các thương hiệu thuộc về “đặc sản” của người nông dân, việc tư vấn xây dựng chuẩn là rất cần thiết.
Với doanh nghiệp, đã đến lúc xem chuyện chất lượng là vấn đề sinh tồn, quyết định, tiêu chí bắt buộc. Chính sách “Người Việt dùng hàng Việt” không chỉ là chính sách ba năm, năm năm, mà phải là 50 năm, 100 năm. Phải có lộ trình và cách thức liên tục để khảo sát, điều chỉnh các hàng rào kinh tế, kiên quyết chống đồ dỏm, đồ giả, chứ không chỉ là kêu gọi suông. Trách nhiệm ấy thuộc về Nhà nước.
(Theo Đỗ Long/SGTT)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com