Tính tới nay, có 16 tỉnh, thành phố trong cả nước đã phát hiện dịch tai xanh trên lợn. Đặc biệt, dịch đã xảy ra nặng ở một số tỉnh phía Nam như Tiền Giang, Sóc Trăng, Long An, Bạc Liêu và có những diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh khác.
![]() |
Cần công khai chính sách hỗ trợ tiêu hủy gia súc mắc bệnh để người dân biết và phối hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh |
Theo báo cáo của Cục Thú y, tính tới ngày 9/8/2010, cả nước có 16 tỉnh, thành đã công bố có dịch tai xanh trên lợn chưa qua 21 ngày là Nghệ An, Cao Bằng, Sóc Trăng, Tiền Giang, Lào Cai, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Phước, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Đắk Lắk và Hậu Giang. Riêng tỉnh Quảng Trị tính đến nay đã qua 21 ngày không có thêm lợn mắc bệnh tai xanh.
Ở một số địa phương có diễn biến dịch phức tạp như tỉnh Tiền Giang, trong ngày 8/8/2010, dịch tai xanh tiếp tục phát sinh thêm ở 2 xã mới là xã Mỹ Trung (huyện Cái Bè) và xã Bình Đông (thị xã Gò Công). Như vậy, từ ngày 20/6/2010 đến nay, dịch tai xanh đã xảy ra tại 121 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị của tỉnh Tiền Giang. Tổng số lợn mắc bệnh là 28.356 con trong tổng đàn 48.796 con; trong đó có 13.799 con bị chết và tiêu hủy.
Tại Đà Nẵng, đến ngày 7/8/2010, dịch vẫn tiếp tục xảy ra ở các xã đang có dịch làm 325 con lợn mắc bệnh, tiêu hủy 40 con. Như vậy, từ ngày 29/7/2010 đến nay, dịch tai xanh đã xảy ra tại 6 xã của huyện Hòa Vang làm 1.339 con lợn mắc bệnh; trong đó có 71 con bị chết và tiêu hủy.
Ở Quảng Nam, ngày 7/8/2010, dịch phát sinh thêm tại 5 xã Đại Nghĩa, Đại Chánh, Đại An, Đại Hòa, Đại Quang của huyện Đại Lộc làm 1.672 con lợn mắc bệnh. Tổng số lợn đang mắc bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 9.681 con (1.669 lợn nái, 4.880 lợn thịt và 3.132 lợn choai).
Tại Hậu Giang, ngày 7/8/2010, Cơ quan Thú y Vùng VII cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm lợn của 1 hộ chăn nuôi ở ấp 1, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp dương tính với vi rút gây bệnh tai xanh. Và theo nhận định, dịch đã xuất hiện từ ngày 28/7/2010 trên đàn lợn 19 con làm 10 con mắc bệnh và 7 con chết.
Không để dịch lây lan, dây dưa kéo dài gây thiệt hại kinh tế
Trước tình hình dịch bệnh tai xanh diễn biến phức tạp và lan rộng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã có chỉ thị 2507/CT-BNN-TY yêu cầu UBND các tỉnh kiện toàn và tổ chức hoạt động Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tai xanh tại các địa phương, thực hiện các biện pháp ngăn chặn không để dịch lây lan, dây dưa kéo dài gây thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến các sinh hoạt của xã hội. Bộ cũng chỉ đạo tuyến địa phương thực hiện công khai chính sách hỗ trợ tiêu hủy gia súc mắc bệnh để người dân biết và phối hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình dịch tai xanh đến từng hộ chăn nuôi, phát hiện sớm các ổ dịch mới xảy ra để thực hiện các biện pháp xử lý cần thiết.
Ngoài ra, cần thiết lập các chốt kiểm dịch tạm thời ở các trục giao thông của các xã có dịch nhằm cấm vận chuyển gia súc bệnh ra ngoài ổ dịch. Tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc, kiểm soát vận chuyển, không để dịch lây lan. Đồng thời, thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại nơi có dịch và vệ sinh tiêu độc định kỳ với các hộ, cơ sở chăn nuôi.
(Theo Ngọc Hà // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com