Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những “nhà đầu tư” áo trắng

Nhiều sinh viên đăng ký mở tài khoản ảo trong buổi giới thiệu chương trình "nhà đầu tư Sacombank" và "dự đoán VN-Index. Ảnh: Việt Nga.

 Một buổi chiều tháng 7 ở căn tin trường Đại học Kinh tế TPHCM, một nhóm bạn sinh viên đang tụm quanh bàn nước bình luận khá sôi nổi về phiên đảo chiều của chứng khoán ban sáng. Thời gian này, dù đang là giai đoạn thi cuối kỳ, nhưng có vẻ như không khí thi cử không tác động mấy đến những “nhà đầu tư” sinh viên, vẫn dành phần nào thời gian theo dõi diễn biến thị trường, vui buồn cùng cổ phiếu.

 
Chứng khoán và giảng đường


Nhóm của Minh Tân gồm 5 bạn nam đều cùng là sinh viên năm 3, khoá 32 khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TPHCM, đến với thị trường chứng khoán vừa như một cách để thực hành ngành học tài chính ở trường vừa cũng muốn thử sức mình trong một lĩnh vực đầu tư được cho là lý thú nhưng không kém phần rủi ro. Mỗi thành viên được giao theo dõi cổ phiếu của một mảng khác nhau, như cổ phiếu tài chính, cổ phiếu năng lượng, dịch vụ… Riêng Hải, được nhóm giao nhiệm vụ phân tích kỹ thuật vì khả năng đọc và phân tích rất tốt các loại biểu đồ (chart) phản ánh sự biến động về giá các loại cổ phiếu trên thị trường.


Với nhiều nhóm sinh viên đầu tư chứng khoán, thường sau khi đã chơi được một thời gian trở nên khá rành rẽ thì sẽ tách ra chơi theo cá nhân, tuy nhiên, Tân cho biết nhóm của mình vẫn duy trì hình thức đầu tư nhóm. Tân nói: “Thị trường vốn phức tạp, chơi nhóm vừa giúp mình tỉnh táo, vì muốn làm gì thì còn trao đổi với các bạn, vừa không dễ bị “trắng tay” mỗi khi cổ phiếu rớt giá liên miên như vài tháng trước, vừa nếu có thua thì cũng chia ra chứ không “ôm” một mình”.

 


Thực tế từ khi có thị trường chứng khoán đến nay, ở một số trường chuyên ngành kinh tế, để giúp cho sinh viên của mình có điều kiện “cọ xát” với thực tế thị trường mà lại trong hoàn cảnh sinh viên không có tiền đầu tư, các trường đã tổ chức ra các sàn chứng khoán ảo. Sinh viên đầu tư thật trên một sàn chứng khoán ảo, và tất nhiên “được” hay “mất” tiền đều là ảo, chỉ để giúp bổ sung cho kiến thức, kinh nghiệm.


Nhưng cũng từ sàn chứng khoán ảo, nhiều sinh viên có điều kiện đã quyết định đầu tư trên sàn thật, muốn "mua" kinh nghiệm qua những “bài học xương máu” thực sự. Nhóm của Q. gồm bốn bạn nam, nữ, học ngành quản trị kinh doanh, năm trước còn chơi trên sàn chứng khoán ảo SCUE của Đại học Kinh tế TPHCM, năm nay chuyển sang đầu tư cổ phiếu các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM. Đợt tháng 3 vừa rồi, 5 mã cổ phiếu mà nhóm Q. đang giữ thì có đến 3 mã rớt giá hơn 30%, mất cả 26 triệu đồng đợt đó. May mà chơi theo nhóm nên khi lỗ thì cùng chia nhau chịu.

 

Phúc Như, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chứng khoán SCUE chia sẻ, những nhóm sinh viên “đàn anh” thì hầu như không còn tham gia sàn ảo mà chỉ chơi thật. Góp mặt trên sàn ảo chủ yếu là những nhóm sinh viên mới làm quen với chứng khoán, các nhóm này ngoài giờ học cùng ngồi lại để chia sẻ ý kiến, tranh luận, tích lũy thêm kỹ năng, kiến thức, hoặc để học cách... cùng nhau “làm giá” trên sàn ảo.


Riêng Phúc Như cũng là một nhà đầu tư "áo trắng" trên sàn chứng khoán thật. Như hiện thời đang có trong tay 3 mã cổ phiếu với số lượng hơn 500 cổ phiếu, với số tiền bỏ ra chỉ hơn 10 triệu đồng. Số tiền Như đầu tư vào cổ phiếu là tiền nhàn rỗi, tích cóp được từ đi dạy thêm, kết hợp với một ít tiền gia đình cho để đầu tư vào chứng khoán, vừa để thoả đam mê vừa để thực tế hoá kiến thức trên giảng đường.


Như chia sẻ, kiến thức trên giảng đường tuy không đủ để giúp sinh viên ứng dụng ngay vào giao dịch trên sàn thật, ví dụ như với 75 tiết học môn phân tích và đầu tư chứng khoán thậm chí không đủ giúp sinh viên định giá cổ phiếu, nhưng đấy là những kiến thức nền cho những gì các bạn sẽ thực hành khi ra trường. Tuy nhiên, vì là nơi tập trung đông đảo “sinh viên chứng khoán” nên ở khoa có không ít các bạn xem nhẹ các môn học này vì cho rằng thực tế mua bán trên sàn thật mới giúp ích.


Ở khoa Kế toán-Tài chính-Ngân hàng của trường Đại học Mở TPHCM, các giáo trình đều được giảng viên, đồng thời cũng là những người nghiên cứu thị trường chứng khoán, cập nhật những thay đổi và điều lệ mới nhất trong lĩnh vực này. Riêng phần thực hành, nếu như trước đây, sinh viên phải tự ra sàn niêm yết để theo dõi, tìm hiểu quy luật chứng khoán thì hiện nay các bạn sẽ thực hành giao dịch với phần mềm ISK ngay tại trường, ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán-Tài chính-Ngân hàng, cho biết.    


Cổ phiếu kiểu sinh viên  


Sinh viên chơi cổ phiếu nói rằng học hỏi là chính nhưng có lẽ một lý do thực tế hơn là vì ít tiền nên các bạn đầu tư một cách khá cẩn thận, chắt bóp. Tuy nhiên, cũng bởi chơi sao cho “đảm bảo” đừng mất vốn nên nhiều sinh viên lại nhè  mã cổ phiếu blue-chip mà chọn, tức những cổ phiếu giá tương đối cao so với các mã cổ phiếu còn lại, Phúc Như cho biết. Số lượng cổ phiếu tùy theo tiền túi mỗi người nhưng nhìn chung sinh viên thường chơi chỉ chừng một vài trăm cổ phiếu, tức là không quá quyết tâm “ăn thua”, “lấy kinh nghiệm làm lời”, Như hóm hỉnh.  


Cũng có những sinh viên không đi theo xu hướng chung mà lựa chọn mua vào bán ra theo những đánh giá riêng. Mạnh Hoàng, sinh viên năm cuối khoa Chứng khoán trường Đại học Ngân hàng, giải thích cho lựa chọn mua vào của mình là  “chỉ cần rẻ là mua”. Hoàng đang nắm trong tay một mớ cổ phiếu thuộc loại “penny stock” tức những cổ phiếu được xem là “hạng ruồi”. Nhưng theo Hoàng, nếu theo dõi kỹ và biết phân tích, đánh giá được triển vọng thì những cổ phiếu này vẫn có khả năng sinh lời. Hoàng nói có vẻ chắc ăn: “Tôi đang nắm một cổ phiếu mà quí vừa rồi công ty lỗ, nhưng cổ phiếu này thuộc nhóm ngành vận tải biển, khi khủng hoảng đi qua, xuất nhập khẩu tăng trở lại thì lợi nhuận cũng sẽ tăng theo”.  


Và sinh viên chơi chứng khoán thì cũng thích “lướt sóng” ào ào như ai (có lẽ để lấy kinh nghiệm?). Vào cái đợt VN-Index cứ liên tục giảm điểm, Mạnh Hoàng than “bán ra để cắt lỗ thì cũng dở, nhưng không lẽ cứ tiếp tục “ôm” tiếp trong khi chẳng biết đến khi nào thị trường hồi phục”.


Ở các sàn giao dịch của các công ty chứng khoán, ít khi tìm thấy những bạn sinh viên mặc đồ của trường, lưng đeo ba-lô, mắt dõi vào bảng niêm yết và tay ghi chép, đặt lệnh như cách đây 2 năm. Các sàn giao dịch trực tuyến như iTrade của Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt, STrade của Công ty chứng khoán Sacombank, EPS của Công ty cổ phần chứng khoán Gia Quyền,… mới là địa chỉ quen thuộc của giới sinh viên.  


Chơi “ảo” vẫn là chính  


Nếu như sàn “thật” chỉ có các sinh viên đã có ít nhiều kinh nghiệm và vốn liếng mới tham gia thì sàn “ảo” lại là nơi dành cho đa số sinh viên. Không chỉ có sàn chứng khoán ảo mà còn có sàn ngoại hối, sàn vàng… ảo; từ các sân chơi của  trường cho đến sân chơi của các ngân hàng, công ty chứng khoán.


Sàn chứng khoán ảo ISK của Đại học Mở TPHCM tổ chức năm 2008 có 1.200 sinh viên thì qua đến tháng 5-2009 tăng lên gần 2.000, thu hút cả sinh viên nhiều trường ở TPHCM. Sàn vàng ảo do câu lạc bộ SCUE của Đại học Kinh tế TPHCM mới tổ chức lần đầu cũng vào tháng 5-2009, thu hút đến 1.700 sinh viên tham gia đặt lệnh. Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán-Tài chính-Ngân hàng của trường Đại học Mở TPHCM nói: “Mỗi học kỳ tổ chức một sàn ảo nhưng dường như vẫn không đáp ứng được nhu cầu của sinh viên, có nhiều em cách vài tháng mà không thấy chuẩn bị mở sàn là lại nhắc”.


Theo Phúc Như, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chứng khoán SCUE, việc chơi trên sàn ảo “tập cho sinh viên tâm lý đánh đổi, biết sử dụng nợ để làm lời, hay làm quen với phương pháp đòn bẩy tài chính, những kỹ năng đòi hỏi phải có khi giao dịch thực tế”.

 

(Theo Thái Hằng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Kiếm bạc tỷ nhờ bán cau
  • Dâu mới đau đầu sắm tết nhà chồng
  • Sắm tết tiết kiệm, chị em về quê mua chung
  • Tết buồn của các đại gia thời suy thoái
  • Tết buồn của người lao động
  • Xã hội hóa giáo dục và vai trò của Nhà nước
  • Làm rõ việc cá sấu "nhởn nhơ" ngoài tự nhiên
  • Cán bộ y tế ở vùng khó khăn được hưởng ưu đãi
  • Cách phát hiện và chống cúm A/H1N1 hiệu quả
  • Đề án Phát triển giáo dục các dân tộc rất ít người
  • "Sớm trở thành trung tâm giáo dục đào tạo tầm quốc tế"
  • Thịt, thực phẩm đối mặt với áp lực tăng giá
  • Vẫn canh cánh nỗi lo tăng giá sữa
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi