Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Số hoá không gian di tích: Không dễ!

Một ảnh số hoá 3D về phố cổ Hà Nội do nhóm 3D Hà Nội thực hiện. Ảnh: X.T 

Bắt đầu từ năm 2010, trung tâm Công nghệ thông tin (thuộc bộ Văn hoá, thể thao và du lịch) sẽ triển khai dự án hệ thống thông tin điện tử văn hóa - xã hội. Dự kiến kéo dài tới năm 2015, một trong những mục tiêu quan trọng của dự án này là hiển thị các di sản văn hóa của quốc gia trong không gian ảo theo hình mẫu cổng thông tin quốc gia về văn hoá. Chính vì thế, một cuộc hội thảo với tên gọi Di sản văn hoá và giải pháp số hóa không gian di tích đã được tổ chức tại Hà Nội như cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa hai đối tượng quan trọng: các chuyên gia về công nghệ 3D và các nhà văn hóa.

Tất nhiên, cuộc gặp gỡ đầu tiên chưa thể có kết quả gì cụ thể. Ít nhiều, họ mới chỉ biết được mỗi bên có gì và đang cần gì. “Số hóa một hiện vật cụ thể không khó. Nhưng tái hiện cả một không gian di tích, một công trình kiến trúc thì đòi hỏi rất nhiều công sức và đặc biệt cần sự cố vấn của các nhà khoa học”, Tiến sĩ Trần Đức Minh, thuộc viện Công nghệ thông tin, đại học quốc gia Hà Nội phát biểu.

Viện Công nghệ thông tin hiện nay là đơn vị được trang bị những thiết bị tối tân nhất về công nghệ 3D tại Việt Nam. Đây cũng sẽ là nơi triển khai các công đoạn kỹ thuật số hóa của dự án của bộ Thông tin và truyền thông. Đây cũng là lần đầu tiên họ được gặp các chuyên gia về khoa học xã hội. “Để chuẩn bị cho dự án này, chúng tôi không chỉ được đầu tư về thiết bị mà cả con người”, tiến sĩ Minh cho biết. Ông nói thêm: “Ngoài đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực, các chuyên gia của nước ngoài có kinh nghiệm trong công tác số hóa không gian di tích của Nhật Bản, Thái Lan cũng đã chia sẻ với chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi cho rằng tiềm năng ứng dụng của công nghệ 3D với lĩnh vực này là rất lớn và cần thiết”.

Ứng dụng công nghệ 3D trong các ngành khoa học xã hội đã quá quen thuộc trên thế giới. Hiện nay có hàng trăm bảo tàng, công trình kiến trúc, di tích ảo được đưa lên internet, và người dùng có thể ngồi một chỗ vẫn tìm hiểu được mọi thông tin về đối tượng mình quan tâm chỉ qua những cái click chuột. “Ứng dụng công nghệ 3 chiều đem lại hai lợi ích: chúng ta vừa áp dụng được nó cho công tác bảo tồn và nghiên cứu, ngược lại chúng ta quảng bá được di sản văn hóa dân tộc với thế giới”, ông Mai Linh, giám đốc trung tâm Công nghệ thông tin (bộ Văn hoá, thể thao và du lịch) phát biểu.

Trước đây đã có một số dự án thử nghiệm ứng dụng công nghệ 3D để tái hiện lịch sử được thực hiện tại Việt Nam. Mới nhất là hai dự án “Phục dựng phố cổ Hà Nội bằng kỹ thuật 3D” và “Tái hiện Di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội bằng công nghệ 3D ” của nhóm 3D Hà Nội từng được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái. Nhưng theo ông Linh, hình mẫu cổng thông tin quốc gia về văn hóa sẽ đem lại những trải nghiệm thực sự về một không gian văn hóa. “Chúng tôi muốn xây dựng những không gian tương tác tối đa với người sử dụng. Chẳng hạn khi bạn bước vào Quốc tử giám “ảo”, bạn sẽ không chỉ nhìn thấy các hình ảnh mà còn cảm nhận được không khí của mùa hay thậm chí chiếc lá rơi, ánh nắng vàng qua các hiệu ứng về âm thanh. Ngoài ra khi bạn muốn tìm hiểu về bất cứ thứ gì, từ viên gạch tới tấm bia đá, chỉ cần nhấp chuột là mọi thông tin sẽ được trình diễn”, ông Mai Linh cho biết.

Mặc dù những ý tưởng của “phía” kỹ thuật khá hấp dẫn, nhưng “phe” nghiên cứu vẫn chưa thực sự được thuyết phục. “Ứng dụng 3D thì hay và thiết thực đấy. Nhưng theo tôi làm được không dễ đâu…”, PGS-TS Đinh Khắc Thuân (viện nghiên cứu Hán Nôm) nhận xét. Ông Thuân có một bài báo cáo dài về thực trạng bia và văn bia ở Việt Nam. Và chính ông cũng là người có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng 3D. “Từng có nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài như Nhật Bản tới nhờ chúng tôi hỗ trợ để số hóa văn bia. Nhưng đến khi làm thì mới thấy nhiều vấn đề”, ông Thuân cho biết. “Tới chụp văn bia gốc thì không thể chụp nổi do vị trí đặt bia hoặc điều kiện bảo tồn. Cuối cùng chúng tôi lại phải kết hợp với bản dập mới dựng được lên một bản văn bia nhưng mất nhiều công lắm”.

PGS-TS Tống Trung Tín, viện trưởng viện Khảo cổ học cũng tỏ ra lo ngại về vấn đề này. “Khi viện chúng tôi thực hiện khai quật khu hoàng thành Thăng Long, cũng có nhiều nhóm chuyên gia đề xuất vấn đề số hóa. Nhưng cuối cùng chúng tôi quyết định là chưa làm vì việc nghiên cứu và phác họa di tích còn chưa hoàn thành, còn rất nhiều những chồng chéo phức tạp trong di chỉ nên chưa thể làm nổi”.

Số đông các nhà văn hóa tham dự hội thảo chưa có nhiều trải nghiệm về vấn đề số hóa. Nhưng họ lo lắng rằng công tác bảo tồn thực địa còn chưa làm tốt thì việc ứng dụng số hóa chưa biết sẽ đi tới đâu. Nhà nghiên cứu Inrasara Phú Trạm, người vừa nhận giải thưởng Phan Chu Trinh về nghiên cứu, cho rằng chỉ riêng với kiến trúc tôn giáo Chăm mà ông nghiên cứu nhiều năm nay, vấn đề bảo tồn và phát huy môi trường “sống” cho nó đáng báo động. Ông Inrasara kể rằng tại trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm – Ninh Thuận, bia trụ có khắc chữ Chăm cổ đang được các cán bộ ở đây dùng làm bậc tam cấp bước lên văn phòng mỗi ngày trong suốt bốn năm! “Chưa biết ứng dụng số hóa ra sao, nhưng ý thức của người làm công tác nghiên cứu và bảo tồn như vậy thì…”.

Ông Inrasara cũng đưa ra nhiều ví dụ về thực trạng các ngọn tháp đang bị xuống cấp, thậm chí có nguy cơ đổ sụp như Po Rome hay Chiên Đàn. “Không phải không gian đã mất nào cũng tái dựng được. Nếu không bảo tồn, giữ gìn sự “sống” cho không gian di tích thì chưa nên nói chuyện gì xa xôi".

Nhà văn Nguyên Ngọc, người nhiều năm trăn trở với văn hóa Tây Nguyên thậm chí cho rằng nếu công tác bảo tồn trực tiếp làm không tốt thì có thể dẫn đến tái dựng không gian… giả! “Môi trường sống của cồng chiêng Tây Nguyên là núi rừng, là không gian Tây Nguyên. Anh đặt nó vào chỗ khác mà bảo đó là không gian của nó thì thế là sai. Chính vì thế, muốn tái dựng cái gì thì trước hết phải đảm bảo cái mình dựng lại là đúng. Hình ảnh di tích đó phải đúng”, nhà văn Nguyên Ngọc nói.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên, “phe” khoa học có vẻ vẫn hoài nghi…

(Theo X.Thi // SGTT Online)

  • Kiếm bạc tỷ nhờ bán cau
  • Dâu mới đau đầu sắm tết nhà chồng
  • Sắm tết tiết kiệm, chị em về quê mua chung
  • Tết buồn của các đại gia thời suy thoái
  • Tết buồn của người lao động
  • Đến 2012, xây dựng hơn 1,3 triệu m2 nhà công vụ cho giáo viên
  • Xả nước hồ Đồng Mô tiết kiệm để bảo vệ “cụ rùa”
  • Thác Prenn thơ mộng sắp trở thành "thác bùn"
  • Tìm giải pháp trợ giúp “osin”
  • Sinh viên chóng mặt vì giá nhà trọ "leo thang"
  • Giới trẻ ngày càng "lơ đãng" với văn hóa chào hỏi
  • Thi nhau "chặt chém" quanh Bệnh viện Bạch Mai
  • Hơn 2.000 tấn trái cây cho lễ hội trái cây Tiền Giang
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi