Hôm nay, ngày 9-9-2009, là một ngày đặc biệt: các đôi nam nữ đua nhau làm đám cưới, các công ty tiến hành các dự án mới hoặc phát động chương trình khuyến mãi.
Tại Trung Quốc hàng chục ngàn đôi uyên ương đợi đến sáng nay mới làm lễ kết hôn; tại Florida, Mỹ, chính quyền còn dành nguyên một ngày để “khuyến mãi” bằng cách giảm chi phí đăng ký kết hôn xuống 99,99 đô la Mỹ/trường hợp.
Trong giới kinh doanh, đáng chú ý nhất là tập đoàn Apple đã quyết định dời ngày phát hành sản phẩm iPod mới, theo truyền thống vẫn là ngày thứ Ba, sang hôm nay thứ Tư 9-9 để tận dụng ý nghĩa đặc biệt của ngày này. Hãng phim Focus Features cũng chọn ngày hôm nay để công chiếu bộ phim hoạt hình có nhan đề “9”, nói về một ngày tận thế diễn ra vào ngày thứ 9.
Nhưng vì sao 09-09-09 lại là ngày đặc biệt?
Sự kiện các con số hàng đơn vị chỉ ngày, tháng, năm đều là số 9, xếp thành một dãy như trên là một chuyện chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ hay một thiên niên kỷ. Chúng ta chỉ có thể gặp lại hiện tượng tương tự vào ngày 1-1-2101 hoặc ngày 1-1-3001.
Sự đặc biệt còn nằm ở con số 9 – một con số có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa. Trong một số nền văn hóa, số 9 tượng trưng cho sự may mắn, hoặc ngược lại, cho rủi ro.
Trong lĩnh vực “số học” (không phải toán học), các nhà nghiên cứu lý số cho rằng mỗi con số từ 0 đến 9 có một ý nghĩa, một rung động thần bí – như những nốt nhạc - mà khi kết hợp với nhau theo một trật tự nào đó có thể gây ra những kết quả khác nhau trong đời sống. Trong các con số này, số 9, số cuối cùng, có một đẳng cấp riêng. Ở phương diện tích cực, nó biểu thị lòng vị tha, nhân từ và thành công về mặt tích cực, và ở mặt tiêu cực, nó biểu thị sự ngu tối và tự mãn.
Ngay từ thời trước Công nguyên, nhà toán học vĩ đại người Hy Lạp Pythagoras đã bỏ nhiều tâm sức để nghiên cứu các ý nghĩa đặc biệt, có phần siêu hình, của các con số. Và cũng như nhiều nhà toán học trước và sau ông, Pythagoras nhận ra số 9 có nhiều đặc tính kỳ lạ.
Ngay từ thời Pythagoras, người ta đã nhận ra rằng, bất kỳ con số nào nhân với số 9 cũng cho ra một kết quả gồm hai chữ số mà tổng của chúng là 9. Ví dụ 3x9 = 27; 2+7=9. Tương tự, bất kỳ con số nào có hai, ba, hoặc bốn chữ số nhân với 9 cũng cho ra kết quả mà cộng các chữ số là 9. Ví dụ 62x9 = 558; 5+5+8 = 18; 1+8 = 9. Ngày 9-9 cũng là ngày thứ 252 của một năm; 2+5+2 = 9 v.v…
Yêu ghét số 9
Ở phương Đông, cả người Nhật và người Trung Quốc đều coi trọng con số 9 nhưng với những ý niệm trái ngược nhau.
Người Trung Quốc đọc số 9 là “cửu”, đồng âm với chữ “cửu” trong từ trường cửu, vĩnh cửu – nghĩa là sự tồn tại dài lâu, sống lâu. (Tương tự, số 8 được đọc là “bát”, gần âm với chữ “phát” trong phát đạt, phát tài có nghĩa là thịnh vượng, giàu có. Năm ngoái người Trung Quốc đã nỗ lực tối đa để khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008 đúng vào lúc 8 giờ 8 phút ngày 08-08-08).
Ngoài ra, người Trung Quốc còn gắn số 9 với những gì “tối thượng”, “tối cao”. Hoàng đế Trung Hoa thường được ví là “đấng cửu trùng”, “chín tầng gươm báu tao tay” (Chinh Phụ Ngâm). Cung điện, trang phục của hoàng đế cũng được thiết kế theo thế vờn mây cuộn gió của 9 con rồng. Người ta đồn rằng, Tử Cấm Thành của hoàng đế nhà Thanh bên Trung Quốc lúc đầu có 9.999 phòng v.v…
Trái lại, hoàng đế Nhật không bao giờ mặc áo có thêu 9 con rồng như hoàng đế Trung Quốc. Trong tiếng Nhật, số 9 đọc lên có âm na ná với từ đau khổ, mất mát vì thế con số này được coi là rất xui xẻo, chỉ tốt hơn số 4 (tứ) đồng âm với “tử” (chết).
Các doanh nhân và khách du lịch Nhật Bản khi ra nước ngoài thường tránh cư trú ở các phòng khách sạn có số 9 và khi xây dựng công trình họ luôn tránh dùng số 9 để đánh số tầng hoặc số phòng… Người làm ăn nên để ý điểm này khi giao tiếp với người Nhật...
(Theo Thái Bình // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com