![]() |
Người dân xã giáp biển Thới Thuận, huyện Bình Đại đang lấy nước ở vùng cửa biển để tưới cho vườn xoài cát vì nước ngọt khan hiếm. Ảnh: Thái Hằng |
Tình trạng mặn xâm nhập sớm và sâu vào đất liền ngay từ những tháng đầu năm đang gây nhiều khó khăn cho nghề nuôi tôm, cá tra, nhuyễn thể của tỉnh Bến Tre.
Ông Nguyễn Thành Công, Trưởng ban quản lý vùng nuôi tôm ở xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại - một trong ba huyện chịu nhiều tác động mạnh nhất của xâm nhập mặn của tỉnh - cho biết, đến nay các hộ nuôi tôm vẫn chưa thể thực hiện được việc thả tôm giống mặc dù đã trễ gần một tháng so với lịch do Uỷ ban nhân dân tỉnh đề ra là ngày 16-2. Nguyên nhân là do tình trạng nước mặn xâm nhập. Độ mặn trong nước đã lên cao đến 40 phần ngàn, gấp đôi độ mặn thích hợp cho tôm, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, làm tôm chậm lớn, và làm tăng gánh nặng chi phí cho người nuôi mặc dù giá tôm đã tăng trung bình 15-20% trong năm qua.
“Cách đây vài năm, người nuôi quảng canh chỉ mất tối đa 4 tháng để tôm lớn đạt cỡ 30-40 con/kg, nhưng nay phải mất đến 6 tháng do mặn xâm nhập. Với nuôi tôm công nghiệp, tình trạng cũng tương tự, thời gian nuôi kéo dài và giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh đã trở thành gánh nặng của người nuôi.” ông Công nói.
Theo người dân địa phương, cùng với độ mặn tăng rất rõ, mực nước biển cũng đã cao hơn trung bình năm trước khoảng 10cm.
Còn theo ông Phạm Văn Lành, trưởng Trại thực nghiệm CADET Bình Đại thuộc Trung tâm khuyến ngư Bến Tre, lần đầu tiên trong năm qua có những người nuôi tôm công nghiệp không chịu nổi chi phí, đã phải bỏ bớt vụ tôm chính vụ để chuyển sang nuôi nghịch vụ, có nước ngọt nhiều hơn, để giảm thiểu chi phí do tác động của nước biển dâng, mặn xâm nhập và thời tiết khắc nghiệt hơn so với sức chịu đựng của sinh vật.
Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, trong năm 2010 mặn xâm nhập đã gây thiệt hại khá nặng nề cho ngành thuỷ sản của tỉnh.
Cụ thể, đối với nuôi tôm biển, tổng diện tích bị ảnh hưởng lên tới 3.000 hecta. Trong khi đó, mặn xâm nhập cũng gây thiệt hại cho các vùng nuôi cá tra của doanh nghiệp và nông dân trong tỉnh. Lượng cá tra bị chậm phát triển, chậm lớn, thậm chí chết do nước mặn lên tới trên 7.7 tỉ đồng.
Còn đối với vùng nuôi nghêu xuất khẩu của hợp tác xã Rạng Đông, Bảo Thuận, Tân Thuỷ, nắng nóng, nhiệt độ nước biển cao, độ mặn tăng nhanh … được cho là đã gây ra hiện tượng nghêu chết hàng loạt, có nơi tỷ lệ nghêu chết chiếm đến 80%, thiệt hại trong năm 2010 ước tính lên đến 65 tỉ đồng.
“ Tình hình dự báo sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới”, ông Dũng lo lắng.
Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn tỉnh Bến Tre, nước mặn sẽ tràn vào hệ thống sông rạch cách cửa sông 70km, sâu hơn các năm trước 20 km. Tỉnh Bến Tre là nơi có nhiều sông đổ ra biển Đông như Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai...
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com