Nạn khai thác cát lậu đang trở thành căn bệnh trầm kha trên tuyến sông Tiền, bất chấp nạn sạt lở bờ sông và cạn kiệt tài nguyên cát, nhưng các cơ quan hữu trách gần như bó tay.
![]() Mỗi khi có lực lượng kiểm tra, ghe bơm hút cát lậu chui vào các con rạch nhỏ ẩn núp. |
Nước sông vừa lớn, Nguyễn Chí Thành nổ máy chiếc ghe trọng tải 80m3 từ trong một con rạch nhỏ phía bờ Tân Thạch, Bến Tre lao ra sông Tiền. Cách chân cầu Rạch Miễu chừng 300m, Thành và đàn em neo ghe, nhanh chóng quăng những vòi cao su xuống lòng sông, cho máy bơm hút cát ào ào chảy lên ghe. Đang làm ăn ngon trớn, một đàn em của Thành la lớn: “Có ca nô cảnh sát!” Lập tức, Thành rút vòi hút cát, quay đầu ghe tẩu thoát.
Ồ ạt khai thác cát
Chỉ trong một buổi trưa, ngoài chiếc ghe của Nguyễn Chí Thành, lực lượng cảnh sát giao thông đường thuỷ (CSGTĐT) và thanh tra sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) Tiền Giang còn lập biên bản bắt giữ năm chiếc ghe bơm hút cát lậu khác đang hoạt động ở khu vực cấm khai thác cát gần chân cầu Rạch Miễu. Ông Trần Thanh Bá, chánh thanh tra sở TN&MT Tiền Giang cho biết, cách 500m tính từ phía thượng lưu, hạ lưu cầu Rạch Miễu là khu vực nghiêm cấm khai thác cát để bảo vệ cầu, nhưng do nơi đây cát nhiều và tốt, nên những ghe bơm hút cát lậu tranh thủ đánh nhanh, rút lẹ.
Ở khu vực ngã ba sông Tiền – sông Cổ Chiên đến chân cầu Mỹ Thuận (một bên là xã Hoà Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang; một bên là thành phố Vĩnh Long), lâu nay, hoạt động khai thác cát diễn ra nhộn nhịp với hàng chục chiếc xáng cạp làm việc ngày đêm. Đây là một mỏ cát được hai tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác.
Theo sở TN&MT hai tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, khu vực giới hạn khai thác cát ở mỏ cát này cách chân cầu Mỹ Thuận khoảng 1km, nhưng ông Nguyễn Văn Út, cư dân xã Hoà Hưng, huyện Cái Bè cho biết, vào ban đêm, những chiếc xáng cạp vẫn tiến sát chân cầu Mỹ Thuận để cạp cát; khi có đoàn kiểm tra, các xáng cạp của doanh nghiệp trở về vị trí mỏ được phép để cạp cát, khi đoàn kiểm tra đi khỏi, họ lại lấn lên phía cầu Mỹ Thuận. Còn những ghe bơm hút cát lậu, khi Tiền Giang kiểm tra, họ cho ghe chạy qua phía bờ Vĩnh Long; khi Vĩnh Long kiểm tra, họ chạy qua bờ Tiền Giang.
Bắt cóc bỏ dĩa
Hút cát lậu phát triển do siêu lợi nhuận Ông Trần Thanh Bá, chánh thanh tra sở Tài nguyên và môi trường Tiền Giang cho biết, khai thác 1m3 cát bán với giá từ 40.000 – 70.000 đồng, nên “sa tặc” sẵn sàng khai thác cát bất cứ chỗ nào, bất chấp những vùng cấm. “Trước đây khai thác cát lậu bằng ghe trọng tải vài chục tấn, nhưng do đạt siêu lợi nhuận, nên hiện nay các “sa tặc” đóng ghe hơn 100 tấn để khai thác cát. Một vụ khai thác cát lậu bị bắt, chúng tôi chỉ có thể xử phạt 10 triệu đồng rồi…thả ghe về, nên không đủ sức răn đe, bởi “sa tặc” đóng phạt xong, lấy ghe về hoạt động chừng ba đêm là thu hồi vốn”, ông Bá nói. |
Ông Nguyễn Văn Đấu, phó giám đốc sở TN&MT Vĩnh Long cho biết, thời gian gần đây, những ghe khai thác cát lậu có nhiều cách đối phó với lực lượng kiểm tra: khi hay tin có lực lượng kiểm tra, các chủ ghe cho tài công chạy ghe vào các con rạch nhỏ để ẩn núp. “Nếu bị bắt giữ khi đang hoạt động, chủ ghe cho tài công đâm ghe vô bờ rồi bỏ đi, không ký biên bản. Bản thân tôi đã nhiều lần bị ghe khai thác cát lậu bỏ mặc giữa đêm khuya, phải gọi điện kêu lực lượng cảnh sát đến tiếp cứu”, ông Bá nói.
Trong khi đó, trung tá Nguyễn Văn Dũng, phó trưởng phòng CSGTĐT, công an Tiền Giang cho biết, nhiều lần, lực lượng tuần tra kéo ghe bơm hút cát lậu về bãi tạm giữ của CSGTĐT xử phạt, nhưng chủ ghe hút cát chây ì, không đến đóng phạt, trong khi bãi tạm giữ rất chật chội, nên lực lượng kiểm tra đành mời chủ ghe đến đóng phạt ở mức vừa phải để họ mang ghe về, giải phóng luồng bãi. “Hiện nay, nạn khai thác cát lậu rất phức tạp, cơ quan chức năng không đủ lực lượng để kiểm tra xử lý. Ở Tiền Giang, thanh tra sở TN&MT chỉ có bảy người mà phải quản lý một đoạn sông dài hơn 100km, trong khi ghe bơm hút cát lậu thì nhiều vô kể, xử phạt lại không đủ sức răn đe”, ông Bá nói.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, phó trưởng khoa Quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên đại học Cần Thơ, nếu các địa phương không ngăn chặn nạn khai thác cát sông phát triển như hiện nay, nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên cát là rất rõ. Hậu quả nhãn tiền của nạn khai thác cát sông là hiện nay dòng chảy lòng sông đã bị thay đổi, những điểm sạt lở bờ sông xuất hiện ngày càng nhiều trên tuyến sông Tiền.
(bài và ảnh: Hùng Anh // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com