Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bức xúc nhà ở cho công nhân lao động Đồng Nai

Nhiều công nhân đã phải thuê những phòng trọ lụp xụp, chật chội để ở. (Ảnh: Internet)
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai, hiện có khoảng gần 700.000 công nhân đang lao động làm việc tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, đó là chưa kể số lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất nhỏ do cấp huyện quản lý.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện chỉ có khoảng 5% trong số đó ở tại các khu nhà do các đơn vị sử dụng lao động xây (khoảng 13.000 người), 3% ở tại các khu nhà do các công ty kinh doanh nhà và xây dựng hạ tầng quản lý cho công nhân thuê với khoảng 7.500 người. Số còn lại phần lớn ở trọ tại các nhà ở do các hộ cá thể tự xây cho thuê với hơn 100.000 phòng trọ.

Công nhân ở trọ tại các nhà tư nhân cho thuê ở gần các khu công nghiệp của tỉnh cho biết, mỗi căn phòng rộng khoảng 10m2 được cho thuê với giá 350.000 đồng/tháng, chưa kể tiền điện nước, chỉ đủ cho 2 người thuê, nhưng vì tiền thu nhập thấp nên có phòng đến 4 người ở chung.

Tại một khu phòng trọ ở khu phố 5, phường Long Bình ở thành phố Biên Hoà có tất cả 4 dãy, mỗi dãy 10 phòng nhưng chỉ có 2 dãy có nước máy sử dụng, còn lại dùng nước giếng khoan. Các công nhân ở đây đều trong hoàn cảnh bất đắc dĩ vì nếu sử dụng nước máy, chủ trọ lấy 4.000 đồng/m3, còn nước giếng thì chỉ có 2.000 đồng.

Qua tìm hiểu những khu nhà trọ ở các phường Long Bình, Bình Đa... hiện còn rất nhiều chủ phòng trọ không tính giá theo quy định khi Nhà nước hỗ trợ giá điện, nước cho người ở trọ, như lấy giá 1.500 đồng kwh đối với 20kwh đầu tiên cho mỗi phòng, từ 20kwh trở lên lấy giá 2.000 đồng, cao hơn nhiều so với giá được Nhà nước hỗ trợ.

Ông Tống Thanh Đa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Long Bình cho biết, phường hiện có hơn 20.000 phòng trọ do người dân đầu tư nên cũng gây không ít khó khăn cho công tác quản lý của địa phương. Ngoài việc các chủ nhà trọ không thu đúng giá điện, nước theo quy định, còn nảy sinh nhiều vấn đề xã hội khác như tệ nạn cờ bạc, uống rượu say đánh nhau gây mất trật tự.

Trước thực tế trên, một trong những nỗ lực của phường là thành lập các câu lạc bộ nhà trọ, qua đó tăng cường hiệu quả công tác quản lý, tuyên truyền pháp luật cho công nhân lao động ở trọ trên địa bàn.

Thời gian qua, có một số đơn vị, công ty đầu tư xây phòng ở cho công nhân thuê nhưng nhiều công nhân không chịu vào ở. Điển hình như khu ký túc xá công nhân của tập đoàn Phong Thái ở huyện Trảng Bom có hơn 2.000 chỗ ở với đầy đủ tiện nghi như có nơi nấu ăn, khu vui chơi thể thao, thư viện đọc sách báo..., với giá thuê phòng chỉ 480.000 đồng và có thể ở được tối đa 6 người/phòng.

Nhưng hiện tại chỉ có 500 người vào đây ở, tỷ lệ sử dụng đạt khoảng 20%. Nguyên nhân các công nhân không mặn mà với các khu nhà ở này là do họ cảm thấy bị "gò bó" bởi các nội quy, chẳng hạn như việc quản lý giờ giấc, không tiếp khách tại phòng.

Nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động ngày càng tăng và việc xây nhà ở cho các đối tượng này được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, đến hết năm 2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt thỏa thuận địa điểm cho 34 dự án nhà ở công nhân và nhà ở cho người thu nhập thấp, với tổng diện tích đất 315 ha. Nhưng cho đến nay, trong tổng số 34 dự án, chỉ mới có 8 dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động và 2 dự án khác còn đang thi công. Trong 8 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, có thể kể đến nhà ở do các doanh nghiệp sử dụng lao động xây, như khu ký túc xá của Tập đoàn Phong Thái, khu nhà ở cho công nhân của Công ty Formosa, Công ty Sonadezi, Công ty Pouchen...

Cũng theo Sở Xây dựng Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp đăng ký xây nhà ở thương mại kết hợp với nhà ở xã hội, nhà cho công nhân và người thu nhập thấp nhưng chỉ chú trọng đầu tư xây nhà ở thương mại, còn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp thì chưa được triển khai.

Ngoài 34 dự án đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt, còn có 24 doanh nghiệp, đơn vị đăng ký đầu tư nhà ở công nhân, nhưng do quỹ đất sạch của tỉnh hầu như không còn nên các ngành của tỉnh đề nghị doanh nghiệp xem xét lựa chọn đầu tư trong các dự án thương mại.

Bên cạnh đó, theo một số doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở thu nhập thấp và nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh, nếu được Ngân hàng Phát triển Việt Nam xét duyệt cho vay thì lãi suất sẽ là 9,6%. Mức lãi suất này được xem là cao, vì đây là các dự án xây nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp. Vì vậy, nếu lãi suất cao sẽ kéo giá bán, giá cho thuê căn hộ, phòng ở cho công nhân sẽ cao theo. Nếu giá cao thì công nhân không ở, còn nếu giá thấp thì doanh nghiệp sẽ bị lỗ vốn.

Với những khó khăn, hạn chế trên đã khiến các nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân còn e ngại. Nhà ở cho công nhân vẫn còn là vấn đề bức xúc hiện nay ở Đồng Nai, nơi có 21 khu công nghiệp tập trung với gần 1.000 dự án FDI đầu tư đang tiếp tục phát triển./.
 
Minh Hưng (TTXVN/Vietnam+)

  • TP.HCM: Sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng 14%
  • Tỉnh Vĩnh Phúc thu hồi và dừng nhiều dự án đầu tư
  • Miền Trung: Khẩn cấp đối phó ngập lụt
  • Hà Nội quyết “ghìm” giá hàng tiêu dùng
  • Quảng Bình: giá lương thực tăng, rau xanh khan hiếm
  • Phú Thọ thực hiện ba khâu đột phá, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp
  • Lào Cai: Hơn 6.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ kỹ thuật trồng và chế biến, tiêu thụ thảo quả
  • Yên Bái trên đường hội nhập và phát triển
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi