Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cần Thơ: Xuất khẩu đứng trước nhiều thách thức

Theo thống kê của ngành công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP Cần Thơ 2 tháng gần đây đã khởi sắc trở lại và có chiều hướng tăng. Song, cầu ở thị trường nhập khẩu cải thiện cũng đồng thời rào cản kỹ thuật, thương mại khắt khe hơn cho các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là gạo và thủy sản. Trong khi đây là 2 mặt hàng chiếm giữ vị trí quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Mặc dù xét về lượng, một số mặt hàng xuất khẩu có tăng, nhưng giá trị lại giảm mạnh và khả năng đạt tăng trưởng dương về kim ngạch xuất khẩu năm 2009 là rất khó.

Tăng về lượng, nhưng giá trị giảm

Các chuyên gia kinh tế nhận định khả năng phục hồi của các nền kinh tế lớn trên thế giới đang theo chiều thuận lợi, nhưng nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với rào cản thương mại, nguy cơ chống bán phá giá từ thị trường nhập khẩu. Đây là thách thức lớn cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong việc chuẩn bị cho những hợp đồng thương mại vào đầu năm 2010. Mặt khác, trong 2 tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu của thành phố đang phục hồi và tăng trưởng so với các tháng trước. Song, nhiều nhận định của các ngành chức năng, xuất khẩu dù đang phục hồi vẫn không thể cứu vãn cả năm và khả năng xuất khẩu của thành phố sẽ tăng trưởng âm trong năm 2009.

Thủy sản là mặt hàng chiếm 50% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của TP Cần Thơ.

Theo thống kê của Sở Công thương TP Cần Thơ, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2009 của thành phố hơn 667 triệu USD, đạt 74,1% kế hoạch năm và giảm 8,07% so cùng kỳ. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố đều giảm so với cùng kỳ. Dù một số mặt hàng tăng về lượng, nhưng giảm về giá trị do giá xuất bình quân trên thế giới giảm so với năm 2008. Cụ thể như mặt hàng gạo, 10 tháng các DN thành phố đã xuất 516.000 tấn gạo các loại (đạt 97,4% kế hoạch năm và tăng 30,5% so cùng kỳ); về giá trị đạt gần 210 triệu USD (đạt 67% kế hoạch năm và giảm 7,6% so cùng kỳ). Còn mặt hàng thủy sản, 10 tháng các DN đã xuất 122.000 tấn, đạt 73,7% kế hoạch và giảm 16,6% so cùng kỳ, về giá trị chỉ đạt gần 330 triệu USD, giảm 15,5% so cùng kỳ. Gần đây, thị trường nhập khẩu (gạo và thủy sản) có nhu cầu trở lại và giá xuất khẩu cũng đã nhích lên so với thời điểm giữa năm 2009, nhưng vẫn không cải thiện được giá trị xuất khẩu của mặt hàng này do đà giảm giá đã kéo dài thời gian khá lâu. Theo thống kê của ngành công thương, giá lúa hàng hóa đã nhích lên 100-200 đồng/kg nhưng lúa còn tồn trong dân không nhiều; giá tôm nguyên liệu trong nước hiện đã tăng 30- 50.000 đồng/kg so với giữa tháng 9-2009, tôm loại 20 con/kg ở mức 180.000 đồng/kg. Riêng cá tra nguyên liệu ổn định ở mức 14.500- 15.200 đồng/kg tùy loại, với mức giá này, người nuôi cá được hỗ trợ lãi suất trong gói kích cầu có khả năng huề vốn, nhưng đa phần là thua lỗ, do giá thành sản xuất đã lên mức 14.500- 15.000 đồng/kg...

Ngoài ra, sản phẩm may mặc, giày- dép, da thuộc, thủ công mỹ nghệ trong 10 tháng năm 2009 cũng giảm đáng kể. Như may mặc giảm 6,1% so cùng kỳ (chỉ đạt 3,2 triệu sản phẩm, giá trị 33,3 triệu USD); giày- dép chỉ đạt 2,6 triệu USD và giảm 31%; da thuộc đạt 7,6 triệu USD, giảm 15%; hàng thủ công mỹ nghệ thực hiện 2,3% triệu USD, giảm đến 42% so cùng kỳ.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Lê Văn Hừng cho biết: “Hiện tại, việc phấn đấu vượt kế hoạch về kim ngạch xuất khẩu của năm 2009 là rất khó, do tình hình khó khăn chung của cả nước. Kim ngạch từ đầu năm đến nay, phần lớn các mặt hàng chủ lực đều giảm so với cùng kỳ. Gần đây, thị trường nhập khẩu đang có nhu cầu trở lại, kim ngạch cũng tăng, nhưng chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm, dù tăng vẫn không kéo được cả năm, bởi kim ngạch xuất khẩu bình quân hằng tháng của thành phố chỉ khoảng 70 triệu USD”. Theo ông Hừng, mặt hàng gạo dù DN có thị trường, nhưng không thể xuất ồ ạt vì phải tuân thủ theo cơ chế điều hành của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Hay mặt hàng thủy sản, ngoài rào cản thương mại từ nước sở tại, DN còn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo qui định, đồng thời giá xuất khẩu cũng không tăng nhiều so với trước, trong khi nguồn nguyên liệu trong nước đang giảm, do người nuôi cá gặp khó khăn đầu ra.

Kỳ vọng đạt kế hoạch năm

Theo thống kê của VFA, giá lúa gạo nội địa ở ĐBSCL cuối tháng 10-2009 dao động ở mức 4.200 – 4.300 đồng/kg, lúa chất lượng cao 4.800 – 5.000 đồng/kg tùy theo chất lượng; gạo nguyên liệu loại 1 hiện khoảng 5.700 - 5.800 đồng/kg, loại 2 ở mức 5.400 – 5.500 đồng/kg. Còn giá xuất, gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn khoảng 7.250 – 7.350 đồng/kg, gạo 15% tấm 6.500 – 6.600 đồng/kg, gạo 25% tấm 6.000 – 6.300 đồng/kg tùy chất lượng. Tính đến ngày 23-10-2009, đã xuất khẩu hơn 5,21 triệu tấn gạo, trị giá 2,11 tỉ USD. Còn thống kê của ngành công thương TP Cần Thơ, tình hình xuất khẩu gạo của các DN thành phố tháng 10-2009 khá sôi động, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng so với tháng trước, giá gạo cũng tăng 10- 30 USD/tấn so với giữa tháng 9. Riêng tháng 10-2009, các DN đã xuất 50.000 tấn gạo, tăng gần 19% so với tháng trước, giá trị 21,5 triệu USD (tăng 14,6% so tháng trước). Hiện nay, các DN và thương lái đang đẩy mạnh thu mua lúa hàng hóa, nhưng nguồn cung đang hạn chế đã đẩy giá tăng. DN xuất khẩu gạo đang chuẩn bị cho những hợp đồng thương mại đầu năm 2010, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng sẽ tăng vào cuối năm, các ngành chức năng dự báo, giá lúa, gạo có khả năng tiếp tục tăng nhẹ.

Còn đối với mặt hàng thủy sản, thời vụ nhập khẩu chỉ còn hơn 1 tháng nữa (từ giữa tháng 11 đến cuối năm), do vậy, hiện DN chỉ mua dự trữ và chờ hợp đồng đầu năm 2010. Tuy nhiên, theo dự báo của chuyên gia, các ngành chức năng, tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến thủy sản có khả năng xảy ra vào đầu năm 2010, do nguồn cung đang hạn chế. Đây là hệ quả của việc đầu tư thiếu đồng bộ, rủi ro trong nuôi trồng thủy sản ngày càng nhiều (nhất là con cá tra), người nuôi cá tra thua lỗ từ giữa năm 2008 đến nay vẫn chưa “gượng” dậy được. Trong khi đó, gạo và thủy sản là 2 mặt hàng chiếm đến 82% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của thành phố (gạo 32%, thủy sản 50%).

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Lê Văn Hừng cho biết: “Tình hình khó khăn về thị trường xuất khẩu kéo dài khá lâu, trong khi giá xuất lại giảm mạnh so với năm 2008 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến giá trị kim ngạch cả năm. Hiện nay, thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng, trong đó có ngành công thương, tập trung tháo gỡ khó khăn của DN xuất khẩu, nhằm đạt mục tiêu đề ra trong năm. Khả năng hoàn thành hơn 90% kế hoạch năm là sự nỗ lực rất lớn của thành phố và của DN. Hơn nữa, thị trường trong nước cuối năm đang sôi động, hy vọng sẽ giải quyết phần nào sản phẩm của DN xuất khẩu”. Vừa qua, Sở Công thương đã làm việc với các DN xuất khẩu gạo, thủy sản thông tin một số vấn đề liên quan đến thị trường nhập khẩu, đồng thời góp ý về qui chế, cơ chế điều hành xuất khẩu gạo gửi Bộ Công thương. Theo ông Lê Văn Hừng, DN xuất khẩu gạo nêu rất nhiều đề xuất xung quanh việc phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo cho DN, tạo cơ chế thoáng trong điều hành để DN dễ dàng tiếp cận thị trường. Hiện tại, một số DN xuất khẩu gạo của thành phố đủ khả năng tự tìm thị trường, nhưng phải tuân thủ cơ chế điều hành chung của VFA mới có thể ký hợp đồng xuất.

Có ý kiến cho rằng, các DN cần mở rộng thị trường mới để giải quyết khó khăn khi thị trường truyền thống phục hồi chậm. Tuy nhiên, theo một số DN xuất khẩu gạo và thủy sản trên địa bàn thành phố, hiện tại thị trường nhập khẩu đang phục hồi, nhưng việc giữ ổn định và duy trì kim ngạch ở những thị trường này rất khó khăn. Đó là chưa nói đến rào cản thương mại ở các nước sở tại đang đặt các DN xuất khẩu vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Do vậy, việc mở rộng thị trường mới là rất phiêu lưu, DN sẽ bị tổn thất nên nhiều DN chọn phương án bảo toàn thị trường truyền thống để chờ thời cơ. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, các DN xuất khẩu phải thận trọng, cân nhắc khả năng phục hồi của nền kinh tế các nước nhập khẩu chủ lực để có quyết định hợp lý trước hợp đồng thương mại mới, vì hiện DN Việt Nam mới phục hồi sau cơn suy thoái.

(Theo Gia Bảo // Cần Thơ Online)

  • Cần Thơ: "Trải thảm đỏ" mời gọi đầu tư các khu tái định cư
  • Giá đất nông nghiệp Kiên Giang tăng 26%
  • Đà Nẵng cho nợ tiền sử dụng đất quy ra vàng không tính lãi
  • SÓC TRĂNG: Trên 50% diện tích tôm trái vụ bị thiệt hại
  • Dành 1.000 tỉ đồng để phát triển thị trấn Sông Đốc thành trung tâm kinh tế biển
  • Giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng của tỉnh Hải Dương ước đạt 92,3% kế hoạch năm
  • Hà Nội: Công nghiệp tăng trưởng khả quan
  • Điện Biên: tăng trưởng kinh tế đạt trên 12% năm 2009
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi