Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

"Chợ di động” vùng biên

"Chợ di động” là nét đặc trưng của tiểu thương vùng biên giới. Ảnh: Đức Khánh

Do địa thế xa xôi, hẻo lánh nên việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày của cư dân ở những vùng giáp biên giới tỉnh An Giang gặp rất nhiều khó khăn. Hoàn cảnh tạo ra nhu cầu, ngày càng xuất hiện nhiều "chợ di động” len lỏi vào đến tận phum, sóc bán hàng.

Những cái "chợ di động” này góp phần giải quyết nhu cầu mua sắm, cung ứng thực phẩm cho người dân nơi đây. Có thể nói những cái chợ nho nhỏ này là nét văn hóa, hình ảnh đặc trưng cuộc sống của người dân vùng biên phía Tây Nam.

Không ồn ào, náo nhiệt như những khu "chợ nổi” của đồng bằng sông Cửu Long, những cái "chợ di động” vùng biên thường khá im ắng. Điều thú vị nhất của những cái "chợ di động” này là phục vụ tận nơi, thuận mua vừa bán, giao hàng tận tay.

Đó là những chiếc xe được đóng bằng gỗ, chỉ cần một người đẩy hoặc kéo bằng tay. Trên xe chất đủ thứ, từ cá, mắm, thịt, đậu, tương, cà... cho đến quần, áo, giày dép, nồi, niêu, xoong, chảo… như một cái chợ thu nhỏ. Nói chung, chợ đồng bằng có gì là những "chợ di động” vùng biên cũng có, dù không phong phú, đa dạng bằng.

Vào các xã của vùng rốn lũ tứ giác Long Xuyên (An Giang) như Vọng Đông (huyện Thoại Sơn), Vĩnh Bình (huyện Châu Thành), Cô Tô (huyện Tri Tôn),.. đi đến đâu cũng đều thấy nhan nhản "chợ di động”. Theo tập tính những cái chợ này cứ ì à, ì ạch, muốn bán được một món hàng họ phải đẩy xe di chuyển từ nơi này, sang nơi khác từ sáng cho đến tối.

Những người chủ của "chợ di động” hầu hết là phụ nữ, đa phần đều có gia cảnh nghèo, không ruộng, không vườn. Trên gương mặt họ lúc nào cũng hằn lên vẻ khắc khổ, đầu thì đội chiếc nón lá rách, luôn khoác bên ngoài chiếc áo sơ mi cũ mèm phủ dài tay. Bất kể nắng mưa họ phải oằn vai đẩy khắp các ngõ ngách để mưu sinh từng ngày.

Vốn liếng "đầu tư" chỉ vỏn vẹn vài trăm ngàn, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. Không rao bán ỏm tỏi, những người bán hàng cứ miệt mài di chuyển từ xã này qua xã khác, rồi chỉ dừng lại khi nào có người hỏi mua hàng.

Chị Nguyễn Thị Cúc - chủ của một "chợ di động” (ngụ xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn), buôn bán đã hơn mười năm than vãn: “Nhà nghèo, không ruộng vườn, vợ chồng lại thất học ai thuê gì làm nấy. Để kiếm tiền nuôi con ăn học, từ sáng sớm tôi phải đẩy xe hàng chục cây số bán cho đến khi nào hết đồ trên xe mới về, gặp hôm nào mưa dầm thì coi như ế. Biết sao được, mình nghèo thì phải chịu thôi chú ơi, chứ ngoài công việc này không biết làm gì mà ăn”.

Hai xã Vĩnh Hội Đông và Nhơn Hội thuộc huyện An Phú cũng đầy rẫy "chợ di động” đủ loại. Nào là "chợ” phế liệu, chợ bún riêu, chợ muối, chợ gạo, chợ nhang…. Qua phà Châu Giang đến hai huyện Tân Châu và Phú Tân, loại "chợ di động" tập trung nơi đây rất nhiều.

Thị trấn Tân Châu nằm chỉ cách cửa khẩu Vĩnh Xương chưa đầy 30 cây số, nhưng nơi đây có đến gần hàng trăm cái "chợ di động”. Thứ gì cũng được chất lên chiếc xe gỗ để bán. Có người thì chỉ chuyên bán vải vóc, giày, dép, kim, chỉ… người thì bán đủ thứ trái cây.

Trên đường đến huyện Phú Tân, chúng tôi ghé vào "chợ di động” của chị Lâm Thị Mến (ngụ xã Long Sơn, huyện Phú Tân). Chị Mến cho biết mình chỉ chuyên bán quần, áo, giày, dép... Chị thổ lộ: “Do ngày càng xuất hiện nhiều "chợ di động” nên việc buôn bán ngày càng khó khăn hơn lúc trước rất nhiều. Ngày nay, để bán được một đôi dép, hay một bộ quần áo phải chuyển qua hình thức bán trả góp từng ngày, có như vậy mới dễ bán”.

Cứ thế, những cái "chợ di động” len lỏi vào từng xã nghèo của vùng biên để cung ứng hàng hóa, lương thực cho những người dân nơi đây. Vì miếng cơm, manh áo, những đôi tay, đôi chân không mệt mỏi những người lao động nghèo vẫn cố bám lấy lối bán hàng cực nhọc này để mưu sinh.

(Theo Đức Khánh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi