Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đô thị năng động Vùng bán đảo Cà Mau

Một góc trung tâm Thành phố Cà Mau. Ảnh: Nhật Huy
Thành phố Cà Mau là một trong 4 động lực của vùng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đô thị trung tâm vùng bán đảo Cà Mau.
 
Theo quy hoạch vùng ĐBSCL, Cà Mau nằm trong vùng đối trọng phía Tây Nam gồm 4 tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Vị Thanh với các đô thị trung tâm: TP. Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu và Vị Thanh (xoay quanh vùng đô thị trung tâm là TP. Cần Thơ). Đây là vùng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đa dạng, công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, kinh tế biển, dịch vụ tàu biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và du lịch… Trung tâm của vùng đối trọng phía Tây Nam là TP. Cà Mau, phát triển trong sự gắn kết với Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau và các đô thị vệ tinh, để hình thành cụm đô thị lớn - một trung tâm kinh tế mạnh của vùng cực Nam đất nước.

TP. Cà Mau nằm về phía Đông của tỉnh Cà Mau, giáp với các huyện Thới Bình, Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Cái Nước (Cà Mau) và huyện Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu), gồm 10 phường, 7 xã, với diện tích 25.022 ha, dân số 300.627 người, là nơi giao hội của 2 tuyến quốc lộ quan trọng: Quốc lộ 1A trên địa phận Cà Mau dài gần 70 km, đi từ cửa ngõ phía Đông TP. Cà Mau về huyện Năm Căn và tuyến Quốc lộ 63 từ Cà Mau đi Kiên Giang (đường Hồ Chí Minh). Hiện trung ương đang đầu tư xây dựng tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, bổ sung cho tuyến Quốc lộ 1A về Cà Mau, khi hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách từ Cà Mau về Cần Thơ, TP.HCM và các tuyến tránh Quốc lộ 1A, Quốc lộ 63, vành đai 1 và vành đai 2. Đồng thời có hệ thống đường thủy cấp quốc gia đi qua: tuyến kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp - Sông ông Đốc, tuyến kênh Xáng - Chắc Băng - sông Đốc - Tắc Thủ (bến xếp dỡ hàng hóa phường 1 - tuyến TP. HCM - Cà Mau qua kênh xáng Xà No), góp phần tạo điều kiện thuận lợi về giao thông thủy bộ cho TP. Cà Mau với các tỉnh trong vùng và TP.HCM. Cùng với TP. Cà Mau là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, công nghiệp - dịch vụ - du lịch quan trọng của tỉnh và khu vực, nay được công nhận là đô thị loại II, sẽ là những tiền đề quan trọng để đô thị Cà Mau tăng tốc phát triển trong thời gian tới.

Là trung tâm kinh tế của tỉnh, TP. Cà Mau có gần 7.100 cơ sở thương mại - dịch vụ, với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động, kéo theo đó là các dịch vụ vận tải, tài chính, ngân hàng, bưu chính - viễn thông… đang mở rộng quy mô theo đà phát triển của Thành phố, nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân đô thị. Bên cạnh lợi thế có sân chim giữa lòng Thành phố (rộng 4,5 ha), mang nét đặc thù, quý giá của Thành phố để phát triển du lịch sinh thái, nơi đây còn là điểm kết nối, đầu mối các tuyến du lịch nổi tiếng trong tỉnh (Đất Mũi, Bãi Khai Long, Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc…). Ngoài ra, TP. Cà Mau còn là trung tâm công nghiệp của tỉnh - trung tâm chế biến thủy sản của vùng ĐBSCL (góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm của tỉnh đạt trên 700 triệu USD), có trung tâm công nghiệp Khí - Điện - Đạm, với Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau là một trong 3 dự án kinh tế lớn của cả nước giai đoạn 2000 - 2005 (nhà máy điện công suất 1.500 MW và nhà máy sản xuất phân đạm công suất 800.000 tấn/năm).

Chính sự phát triển của trung tâm này góp phần thúc đẩy thương mại - dịch vụ, dịch vụ hậu cần, công nghiệp phụ trợ, giải quyết việc làm lao động địa phương, kể cả thúc đẩy các dự án về giáo dục - đào tạo của Thành phố tăng tốc hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nhân công có tay nghề, chuyên gia, cán bộ, kỹ sư đáp ứng yêu cầu Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm, các khu công nghiệp, các trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp, thủy sản và các ngành kinh tế khác trong vùng. Đang có nhiều công trình, dự án triển khai trên địa bàn Thành phố như: Dự án xây dựng mới trung tâm dạy nghề TP. Cà Mau, Đại học Bình Dương, Bệnh viện Medic, Trường Đại học cộng đồng, cùng với 3 khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch xây dựng…

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cà Mau cho rằng, được xác định là một trong 12 đô thị lớn với vai trò là trung tâm cấp vùng và cả nước, TP. Cà Mau là một trong 4 động lực của Vùng kinh tế ĐBSCL, đô thị trung tâm vùng bán đảo Cà Mau. Với tầm quan trọng này, việc nâng tầm TP. Cà Mau lên đô thị loại II là tất yếu, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của chính quyền và nhân dân Cà Mau.

Với những thành tựu đạt được trong hơn 10 năm qua, truyền thống đoàn kết, phát huy nội lực, chung sức, chung lòng của người dân Thành phố, sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, trung ương, kinh tế - xã hội TP. Cà Mau sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, xứng đáng là đô thị năng động của tỉnh, của vùng, đô thị công nghiệp - dịch vụ - du lịch sinh thái của bán đảo Cà Mau.

(Theo Huy Tự // Báo đầu tư)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi