Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khai thác tiềm năng miền tây Nghệ An

Sau bốn năm thực hiện Ðề án phát triển kinh tế - xã hội miền tây Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, miền đất này đang có những bước chuyển biến tương đối toàn diện, với tiềm năng, lợi thế từng bước được khai thác...

Miền tây Nghệ An có diện tích tự nhiên 13.709 km2, chiếm 83% tổng diện tích toàn tỉnh, gồm mười huyện và một thị xã, dân số khoảng 1.131.717 người, chiếm gần 37% số dân toàn tỉnh. Ðây cũng là nơi chung sống của nhiều dân tộc: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ðan Lai, Ơ Ðu và Kinh. Trên chiều dài 419 km đường biên giới có bốn cửa khẩu giao thương, kết nối thị trường với nước bạn Lào và đông bắc Thái-lan. Trên địa bàn có bốn tuyến quốc lộ nối hành lang kinh tế Ðông - Tây và đường Hồ Chí Minh. Miền tây Nghệ An giàu tài nguyên rừng, thuận lợi để xây dựng các công trình thủy điện, khai thác khoáng sản với trữ lượng lớn. Ðặc biệt, rừng quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Huống, Pu Hoạt là khu dự trữ sinh quyển lớn của thế giới. Về xây dựng thủy điện, có thể đạt tổng công suất 1.200 MW. Nhiều khoáng sản quý như vàng, đá quý, thiếc, man-gan, than,... và trữ lượng đá vôi (hơn bốn tỷ tấn), đá trắng, đá gra-nít (một tỷ tấn),... thuận lợi để phát triển công nghiệp xi-măng và tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp khác...

 

 Tiềm năng lớn, nhưng điểm xuất phát của miền tây Nghệ An thấp, đó là sản xuất thuần nông, đồi núi nhiều, đất lúa nước ít, trình độ canh tác lạc hậu, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm hơn 50% số dân của vùng. Hệ thống hạ tầng đường giao thông thấp kém, hiện toàn tỉnh còn 18 xã chưa có đường vào trung tâm xã, 25 xã chưa có điện, 53 xã chỉ có đường đất vào trung tâm xã, 28 xã chưa phủ sóng phát thanh - truyền hình, còn 66 bến đò chưa được xây dựng cầu treo, dân cư phân tán trên diện rộng và cuộc sống luôn bị đe dọa bởi thiên tai. Chất lượng giáo dục - đào tạo thấp, tệ nạn xã hội và di cư trái phép còn phức tạp. Tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan, gây thất thoát lãng phí nguồn tài nguyên quý giá, đồng thời phá vỡ môi trường sinh thái.

 

Ðược đánh giá là vùng giàu tiềm năng nhưng thời gian qua miền tây Nghệ An chưa được khai thác hiệu quả. Thực hiện Nghị quyết số 37/NQ - T.Ư của Bộ Chính trị, UBND tỉnh Nghệ An đã xây dựng Ðề án phát triển kinh tế - xã hội và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/2005/QÐ-TTg, ngày 15-6-2005. Sau bốn năm thực hiện, miền tây Nghệ An đã có bước chuyển biến tương đối toàn diện, tiềm năng lợi thế từng bước được khai thác, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

 

 Hiện nay, phía tây Nghệ An đã hình thành và phát triển được vùng cây nguyên liệu tập trung quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến, chăn nuôi phát triển theo hướng đa dạng ở các vùng Quỳ Hợp, Nghĩa Ðàn, Con Cuông... Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi phát triển nhanh, với hệ thống giao thông nối các địa bàn trọng điểm trong vùng như quốc lộ 7, quốc lộ 48, đường Hồ Chí Minh, năm tuyến đường ra biên giới, sáu tuyến đường tuần tra biên giới, đường giao thông vùng nguyên liệu và phục vụ du lịch, v.v.

 

Ðến nay, ở miền tây Nghệ An có 10 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 804,5 MW đã được triển khai thi công, như Thủy điện Bản Vẽ, Hủa Na và Thủy điện Khe Bố... Các dự án thủy lợi cũng được triển khai, phục vụ sản xuất và sinh hoạt, trong đó lớn nhất là hồ chứa nước Bản Mồng, tổng mức đầu tư 4.200 tỷ đồng.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hồ Ðức Phớc,  muốn phát triển toàn diện, ngoài tám nhóm giải pháp theo Ðề án được duyệt, cần tập trung điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền tây Nghệ An, chú trọng quy hoạch giao thông, đường điện, thủy điện, vùng nguyên liệu, công nghiệp và quy hoạch đô thị. Bảo đảm quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn xa phục vụ phát triển hiệu quả, lâu dài và bền vững. Tập trung huy động mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường giao thông. Cần triển khai xây dựng thêm một số tuyến đường trọng yếu để phục vụ phát triển kinh tế kết hợp bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trước mắt, tập trung đầu tư xây dựng đường từ Tân Kỳ - Ðô Lương - Nam Cấm dài 73 km để nối tây Nghệ An với cảng Cửa Lò. Ðây là tuyến đường vận chuyển nguyên liệu quan trọng phục vụ công nghiệp xi-măng và công nghiệp khai khoáng. Xây dựng đường Thái Hòa nối Hoàng Mai là đường nhánh của đường Hồ Chí Minh để nối miền tây Nghệ An với cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa). Hoàn thành 18 tuyến đường và thảm nhựa 53 tuyến đường vào trung tâm xã, đồng thời xây dựng nhiều tuyến đường khác.

 

Xây dựng hệ thống điện đến 27 xã chưa có điện và đến các khu công nghiệp phục vụ chế biến và sản xuất xi-măng. Làm mới 66 cầu treo thay thế bến đò qua sông và đầu tư làm hạ tầng các khu công nghiệp để thu hút đầu tư. Tích cực thu hút đầu tư vào các công trình thủy điện theo quy hoạch được duyệt; đẩy nhanh tiến độ các công trình đang triển khai. Kiên quyết thu hồi đất đối với các công trình không triển khai để giao cho các nhà đầu tư mới, phấn đấu đến năm 2015 đạt sản lượng điện 1.200 MW.

 

Tăng cường thu hút đầu tư phát triển công nghiệp xi-măng. Chấn chỉnh công tác khai thác khoáng sản, kiên quyết không cho khai thác tự do, khai thác thủ công, công nghệ lạc hậu, xuất thô sản phẩm. Cần quy định gắn khai thác khoáng sản với chế biến, phải xây dựng nhà máy chế biến mới được cấp mỏ khai thác. Rà soát lại các mỏ đã cấp, trường hợp cấp nhưng không khai thác hoặc khai thác không đúng quy định phải thu hồi để thu hút các nhà đầu tư có năng lực vào đầu tư khai thác hiệu quả hơn.

 

Triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị miền tây và hạ tầng các cửa khẩu nhằm tạo vùng kinh tế động lực phát triển. Ðẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư gắn với quy hoạch và bảo vệ vùng nguyên liệu, nhất là nguyên liệu mía, chè, sắn, cà-phê.

 

Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và các loại rừng. Thận trọng trong việc cho thuê đất, đặc biệt là chuyển rừng phòng hộ và quỹ đất công để cho thuê thời gian dài, hiệu quả không cao. Xác định an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng yếu để xây dựng xã hội ổn định, vì vậy cần triển khai chương trình chuỗi các dự án nhỏ như phát triển nghề mới, chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật nuôi trồng, hỗ trợ nông dân, tín dụng nông dân, xóa đói, giảm nghèo, tăng cường công tác khuyến nông, xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả. Quan tâm chương trình nước sạch, xóa nhà tạm. Chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng các trường nghề vùng và bệnh viện vùng ở miền tây...

 

MIỀN tây Nghệ An được xác định là một trong ba trung tâm kinh tế động lực của tỉnh. Với sự hỗ trợ có hiệu quả của Trung ương, sự nỗ lực phấn đấu của Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, miền tây sẽ được khai thác hết tiềm năng, phát triển đúng tầm và góp phần sớm đưa Nghệ An thoát khỏi tốp tỉnh nghèo.

(Theo Minh Thư // Báo Nhân dân điện tử)

  • Hướng đi nào để ĐBSCL phát triển bền vững ?
  • Hà Nội: Vật tư nguyên liệu nhập khẩu giảm mạnh
  • Tháng 9, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Hà Nội tăng
  • Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tăng 0,92% so với cùng kỳ
  • ĐBSCL: Kim ngạch xuất khẩu giảm 9,7%
  • Quy hoạch đô thị ở Ngũ Hành Sơn : Cần một cách nhìn tổng thể cho tương lai
  • Quảng Ngãi: Kỳ họp lần thứ 21 HĐND tỉnh khoá X: Giai đoạn 2011- 2015, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân 14%
  • Lần đầu tiên TT-Huế và Đà Nẵng bàn cách hợp tác phát triển
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi