Từ năm 2002, các sản phẩm chủ lực ở thành phố Hồ Chí Minh được tuyển chọn theo năm tiêu chí: chất lượng, chi phí sản xuất, tuân thủ chặt chẽ Luật Môi trường và Luật Lao động, có sức cạnh tranh cao. Theo kế hoạch đến năm 2010, sẽ có 60 đến 100 sản phẩm công nghiệp chủ lực đóng góp hơn 20% GDP của thành phố.
![]() |
Dây chuyền sản xuất sữa đặc của Vinamilk. |
Còn ít sản phẩm trụ hạng
Từ năm 2002 đến năm 2007, TP đề ra một loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế như: kích cầu, ISO, hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa công nghiệp thiết bị, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu… nhằm chọn một số mặt hàng có yếu tố cạnh tranh cao, đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thế tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước và cả thị trường ngoài nước.
Sau gần 20 cuộc bình chọn với 150 doanh nghiệp tham gia bao gồm 70 sản phẩm các loại được vinh danh “chủ lực”, đến nay năm 2010 còn lại không nhiều.
Có thể lấy một vài doanh nghiệp từng ở trong nhóm chủ lực nay ít thấy có mặt ở thị trường thành phố như: TRIBECO, Tấn Hưng, COFIDEC… Theo các nhà quản lý ở các doanh nghiêp này, chỉ cần tính sai phương án thị trường, thay đổi quản lý ở thời điểm không thích hợp, đầu tư không đúng hướng… thì chỉ cần ba đến sáu tháng thua lỗ là xóa mất thành quả mười năm xây dựng. Ở TRIBECO do đánh giá sai thị trường tiêu thụ nhất là không hiểu rõ đối thủ cạnh tranh nên doanh nghiệp vừa nhập thiết bị mới vừa phải trả lãi mẹ (vay cho sản xuất) chồng lãi con (vay đầu tư nhập thiết bị) dẫn đến làm ăn thua lỗ khiến cổ phiếu ở thị trường chứng khoán liên tục rớt giá. Công ty Tấn Hưng chuyên sản xuất, chế biến gạo, cà-phê, tiêu nhảy sang kinh doanh địa ốc, xây trung tâm thương mại khiến đứt vốn làm ăn. Còn Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE do đầu tư tài chính quá lớn vào các lĩnh vực trái ngành cùng với thay đổi lãnh đạo đột xuất, làm cho việc sản xuất kinh doanh “xính vính” mất một vài năm. Công ty cổ phần Giấy Vĩnh Huê trước sức ép của thị trường giấy ngoại cũng đang cố “bươn trải” để tồn tại. Doanh nghiệp COFIDEC một thời khá nổi tiếng về xuất khẩu thủy hải sản mải lo đầu tư “sân sau” của gia đình nên thua lỗ triền miên. Đến nay người kế nhiệm phải cố tìm cách trả nợ và tìm cách ổn định thu nhập của cán bộ công nhân. Ngành sản xuất xe đạp do bị áp mức thuế chống phá giá đến nay các Công ty Xe đạp Cửu Long, Thống Nhất chỉ còn vài chục công nhân.
Các ngành dệt may, da giày, nhựa, cao-su, ngành chế biến thực phẩm ở TP Hồ Chí Minh được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do các đối thủ mạnh đến từ các nước ASEAN, châu Âu và Hoa Kỳ. Song trong thực tế, chế biến thực phẩm vẫn đạt mức tăng trưởng cao nhờ coi trọng thị trường nội địa. Đứng đầu là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VINAMILK), liên tục giữ mức tăng trưởng từ 10 đến 30%/năm. Năm 2007 đạt 7.300 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận 900 tỷ đồng. Năm 2008 là 8.407 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận 1.300 tỷ đồng. Năm 2009 gần 11.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận 2.300 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2010 đạt 7.300 tỷ đồng doanh thu (bằng cả năm 2007), lợi nhuận tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Mới đây tạp chí FORBES ASIA (khu vực châu Á - Thái Bình Dương) đã bình chọn VINAMILK đứng thứ 16 về doanh thu, thứ 18 về lợi nhuận, thứ 31 về thị trường trong số 200 doanh nghiệp châu Á xuất sắc năm 2010 do lợi nhuận tăng, tăng trưởng cao, nợ thấp và triển vọng làm ăn lớn. VINAMILK hiện đang phấn đấu đến năm 2012 đạt doanh thu hơn một tỷ USD lọt vào danh sách 50 doanh nghiệp lớn về mặt hàng sữa trên thế giới. Với Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) không chỉ cung ứng các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, trâu bò, gà, rau củ quả, quanh năm cho người thành phố và các tỉnh. Các Tổng giám đốc Mai Kiều Liên (VINAMILK) và Văn Đức Mười (VISSAN) đều cho biết, các sản phẩm của hai doanh nghiệp đều giữ mức giá ổn định từ nhiều năm nay (có tăng giảm theo quy định của Nhà nước). Từ đầu năm 2010 đến nay, các mặt hàng chế biến của hai doanh nghiệp cũng đều giữ mức giá ổn định, trong đó nhiều mặt hàng chế biến chất lượng cao được người tiêu dùng tín nhiệm. Đáng chú ý là cả hai doanh nghiệp này đều rất tích cực tham gia các phong trào xã hội từ thiện với trị giá hàng chục tỷ đồng.
Làm gì để giữ ngôi vị?
Ba năm gần đây, danh hiệu “Sản phẩm chủ lực” dường như bị lãng quên do thành phố có quá nhiều lĩnh vực “nóng” cần phải quan tâm. Đến nay số doanh nghiệp chủ lực còn “trụ hạng” ở thành phố còn không nhiều. Nguyên nhân chính do 90% doanh nghiệp trên địa bàn trong đó có doanh nghiệp chủ lực đều sử dụng nguyên liệu nhập khẩu hoặc có nguồn gốc nước ngoài nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Nhiều doanh nghiệp vẫn ở thế bị động do phụ thuộc vốn vay ngân hàng hoặc chỉ “quen” gia công cho nước ngoài, bỏ trống thị trường nội địa để doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường.
Đội ngũ cán bộ quản lý chủ yếu dựa vào kinh nghiệm phán đoán hơn là phân tích thị trường, chưa coi yếu tố khách hàng, thị trường, đối thủ cạnh tranh, lợi thế cạnh tranh, tiếp thị… là những yếu tố quyết định thành bại của doanh nghiệp. Việc phối hợp giữa doanh nghiệp – khoa học – thương mại – thành phố còn lỏng lẻo. Nhiều thủ tục hành chính trong việc thành lập doanh nghiệp, vay vốn, kinh doanh ngoài nước, phá sản… vẫn còn phức tạp. Thông tin dự báo thị trường, giá cả ở thành phố được coi là “nhạy” nhất nước vẫn còn nặng tính bao cấp, thiên về hình thức. Nguồn nhân lực vốn là thế mạnh của thành phố song do đòn bẩy tài chính chưa phù hợp nên chưa đủ sức giữ người giỏi làm ở các cơ sở Việt Nam. Việc ưu tiên hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp chủ lực, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả chưa được quan tâm đúng mức khiến cho doanh nghiệp chủ lực chưa cảm thấy “vinh dự” để vươn lên làm ăn.
(Theo BĂNG TÂM – ĐỨC THẮNG // Nhandan Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com