![]() Chị Nguyễn thị Trưng (khối phố Ngọc Nam, phường An Phú, TP Tam Kỳ), đang ngồi bên đống lúa mọc mộng của mình đang phơi ở trường mẫu giáo, chứ không có nơi để phơi. |
Những ngày vừa qua, một số tỉnh ở Miền Trung chịu ảnh hưởng ấp thấp nhiệt đới, có nhiều nơi mưa vừa, nhiều nơi mưa rất to, dẫn đến lũ lụt, làm nhiều cánh đồng vụ Hè Thu đến mùa thu hoạch đã nhấn chìm trong biển nước. Nhiều nông dân ở tỉnh Quảng Nam đã bị thiệt hại rất lớn từ đợt mưa dầm liên tục nhiều ngày qua. Lúa ngã đỗ, ngập nước hàng loạt, không có sân phơi, không có lò sấy dẫn đến lúa bị lên mộng, rớt giá… Nỗi lo thua lỗ lại đang đè nặng tâm lý nhiều nông dân sau 3 tháng làm quần quật trên cánh đồng.
Người dân “méo mặt” vì mưa dầm
Ngày 7/9, mặc dù trời tiếp tục mưa dầm, nhưng trên những đồng, người nông dân vẫn gấp rút thu hoạch lúa hè thu đang chín rộ, nhiều diện tích bị ngã đổ, nước ngập.
Ông Dương Ngon (khối phố Ngọc Nam, phường An Phú, TP Tam Kỳ), cho biết:“ Hơn 4 sào nhà tôi vừa chín, chưa kịp thu hoạch thì bị mưa dầm, nên sáng nay tôi mới cho con và vợ ra gặt lúa, vì đa số diện tích bị ngập, ngã đổ, hiện gai đình đã gặt được hơn 2 sào nhưng không có nắng để phơi, đem lúa về đó chỉ hong máy quạt, khô chừng nào thì hay chừng đó, chứ để ngâm miết dưới nước thì mất trắng hết”.
Không những riêng gì anh Ngon mà 150 hộ dâ khối phố Ngọc Nam, đang “méo mặt” với trời mưa trong những ngày vừa qua, mưa dầm và gió xoáy làm ngã rạp xuống mặt ruộng nước ngập. Mấy ngày qua, người dân đua nhau gặt mà gặt không hết, phải thuê ghe, thuê xuồng mới gặt được.
Dù mưa dầm dề nhưng gia đình ông Phạm Bảy (thôn 2, xã Bình An, huyện Thăng Bình) vẫn đội nón ra đồng gặt lúa. Vụ hè thu này gia đình ông Bảy làm 6 sào lúa thì tất cả đều bị ngập úng nghiêm trọng. Ôm bó lúa ướt sũng nước, mầm mọc tua tủa, ông Bảy thở dài:“Nếu trời không hại thì vài ngày nữa là thu hoạch rộ. Lúa trúng lắm, có bèo mấy mỗi sào cũng 370kg lúa khô. Còn bây giờ, số thì cá ăn, số rơi rụng, nẩy mầm, cao tay lắm chỉ chừng 200kg khô. Khổ nỗi, trời cứ mưa suốt, cắt về nhà cũng chẳng biết phơi đâu.
Đâu riêng gì ông Bảy, đi đến đâu, gặp bất cứ người nông dân nào, tôi cũng đều thấy nét mặt họ buồn thiu, lê những bước nặng nề trên những ruộng lúa ngã rạp và còn mênh mông nước, bởi nếu cứ để lúa ngoài ruộng thì xem như mất trắng. Mấy ngày qua, nhiều nông nông dân vừa thu hoạch lúa xong, nhưng vẫn “ăn không ngon ngủ không yên” vì mưa dầm, không có nơi phơi lúa. Nếu để lúa ẩm ướt lâu ngày sẽ bị chuyển màu, rớt phẩm cấp, rớt giá, thương lái chê, nguy cơ thua lỗ rất lớn. Tuy nhiên nỗi lo lớn nhất là lúa bị lên mộng chỉ còn cách bán làm gạo tấm, làm thức ăn cho gia súc, gia cầm…
Lúa tươi... mọc mộng
Trên khắp các tuyến đường từ TP Tam Kỳ đi đến huyện lân cận của tỉnh Quảng Nam, nơi nào cũng có cảnh người dân phủ bạc ni lông che mưa cho những đống lúa vừa thu hoạch để ngay trước sân, trên đường diễn ra tràn lan, không có nơi phơi lúa người đành mượn trường mẫu giáo để phơi tạm.
Chạy dọc tuyến đường An Hà, TP Tam Kỳ ra đến đường quốc lộ, nơi nào cũng tràng ngập lúa, những đống lúa mới gặt của người dân chưa kịp sút thì đã mọc mộng, thiếu sân phơi, người dân chất lúa hàng km trên mặt đường. Tranh thủ những lúc trời nắng, người dân kéo bạc cào lúa ra phơi từ lề ra gần đến tim đường, nhưng mưa thu không kịp lúa lại ướt...
Những hộ làm lúa có diện tích lớn, nhưng không có sân phơi thì càng vất vả hơn. Như hộ của chị Nguyễn Thị Trưng (khối phố Ngọc Nam, phường An Phú, TP Tam Kỳ) là một ví dụ điển hình. Gia đình chị Trưng có đến 10 sào lúa, mới chỉ gặt được 4 sào, còn lại 6 sào còn nằm ngâm dưới nước chưa gặt được, 4 sào lúa mới gặt đã mọc mộng hết. "Từ khi gặt về cho đến nay, ngày nào tôi cũng hong máy quạt cho lúa khô, không có nơi phơi lúa chị mượn tạm ngôi trường mẫu giáo bỏ hoang gần nhà để phơi tạm, nhưng càng hong thì càng thấy mộng lên, nghe nhiều người nói lấy “muối” rải lên lúa thì mộng sẽ xoắn lại, không ra mộng nữa, tôi cũng làm như thế, nhưng đến 4 sào lúa, thì bỏ tiền ra mua “muối” cũng chẳng ăn thua gì, đành để vậy, được chừng nào hay chừng đó, nếu không được thì đành cho gia súc, gai cầm ăn thôi", chị Trưng nói trong nước mắt.
Khác với chị Trưng, anh Dương Văn Đồng đã gặt được 6 sào, nhưng không có nơi phơi, anh đành rải lúa khắp nơi trong nhà để phơi, từ nhà trên đến nhà dưới nơi nào cũng có lúa, nhưng lúa đã mọc mộng, cứu được bao nhiêu hay bấy nhiêu.“Mấy ngày vừa qua gia đình chúng tôi ăn chung với lúa, ngủ chung với lúa, gạo trong thùng cũng cạn rồi, chắc phải đi mua gạo ăn thôi, nhà làm lúa mà đi mua gạo",anh Đồng nói.
Tính đến ngày 7/9, toàn tỉnh Quảng Nam có đến 3.250 ha lúa Hè Thu đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch ở các khu vực trũng thấp bị ngập. Có khoảng 2.340 ha hoa màu bị ngập úng. Một số huyện bị thiệt hai nặng trong đợt mưa lũ vừa qua là: huyện Thăng Bình hứng chịu nặng nhất, có đến đến 600 ha lúa và 350 ha hoa màu bị ngập úng, Phú Ninh ngập 400 ha lúa và 200 hoa màu, Tam Kỳ; 200 ha lúa và 150 ha hoa màu, Duy Xuyên: 30 ha lúa, Quế Sơn: 100 ha, Núi Thành: 100 ha. Ông Nguyễn Minh Tuấn – chánh Văn phòng BCH phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam cho biết, ước tính thiệt hại do mưa bão đợt này thiệt hại gần 20 tỉ đồng. |
(Theo Bài và ảnh:Nguyên Khang // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com