Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quảng Nam: Tơi tả những bờ kè không sắt

Hàng trăm tấm lợp được đúc bằng bê tông cốt thép đổ ào xuống lòng sông, trơ ra những nền đất thịt lồi lõm
Hàng trăm tấm lợp được đúc bằng bê tông cốt thép đổ ào xuống lòng sông, trơ ra những nền đất thịt lồi lõm

Những ngày bão vừa đi qua, hàng trăm hộ dân sống tại các tuyến đê và bờ kè bảo vệ ở các xã thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam đang ngày đêm phải đối mặt với nạn sạt lở và có nguy cơ sóng nuốt mất nhà bất cứ lúc nào.

Những công trình tiền tỉ ra sông 

Chỉ sau cơn bão số 9 và một trận lũ đi qua mà tuyến kè biển chống xói lở và ngăn sóng nối liền 2 xã biển của vùng đông Duy Xuyên là Duy Hải và Duy Nghĩa đã không còn nguyên vẹn. Tuyến kè dài hơn 1.000 mét được hoàn thành vào năm 2007, bề mặt rộng 5 mét với vốn đầu tư hơn 10 tỉ đồng đã bị sóng đánh cho tan nát nhiều đoạn. Có đoạn bị sụp xuống tạo thành hố sâu từ 1-1,5m, rất nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông vì đây là tuyến đường trọng điểm phục vụ nghề cá của hàng ngàn hộ dân của 2 xã.

“Mới đây đã có 2 vụ tai nạn xảy ra, một người bị thương nặng bất tỉnh phải đưa đi cấp cứu, còn người kia may mắn chỉ bị xây xướt nhẹ. Đoạn kè bị gãy, sụt lún thế này rất nguy hiểm cho người đi đường, nhất là đối với những người ở xa tới, vì không biết được hiện trạng kè bị lún sụt nên cứ chạy xe bình thường, đến đây không thắng kịp thì nhào đầu xuống hố kè”– chị Đỗ Thị Huệ người bán nước bên đường bức xúc nói.
 

Đoạn kè biển thôn An Lương (xã Duy Hải) nối với thôn Thuận An (xã Duy Nghĩa) bị sạt lở nặng

Một điều làm cho chúng tôi ngỡ ngàng nhất là trong ruột bờ kè không có lấy một cây sắt. Ai cũng tưởng chỉ có đường bê tông nông thôn mới không có sắt nhưng đây là bờ kè biển, chống chọi với khí hậu khắc nghiệt mà không có lấy một que sắt, chứ đừng nói đến một cây sắt. Kể cũng lạ!

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Dũng - Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên cho biết: Trước đây, trong những cơn lụt lớn, nước cũng chỉ dâng lên đến mặt đường. Nhưng năm nay, nước dâng cao trên 1m kết hợp với sóng lớn nên gây sạt lở bờ kè này. 

Bờ kè không sắt, tắc trách từ đâu?

Đầu năm 2004, Ban Quản lý Dự án nông nghiệp - phát triển nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT Quảng Nam) được giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến kè có kết cấu bằng bê tông với tổng chiều dài 800m, kinh phí trên 3 tỉ đồng để bảo vệ cho hơn 120ha đất đai và 450 hộ dân. Sau 15 tháng khẩn trương thi công, đến giữa năm 2005, tuyến kè trọng yếu này hoàn thành.
 

Từng mảng bê tông mặt kè bị gãy đứt nên người dân mới biết tuyến kè quan trọng này không có “ruột” bên trong

Tuy nhiên, ngày 26/10/2009, khi đi thị sát tận nơi, chúng tôi thấy 5 đoạn trên tuyến kè này đã bị lũ phá tan với tổng chiều dài lên đến hơn 140m. Nhiều người dân ở đây cho biết, trong sáng ngày 30/9, do dòng nước chảy xiết, cộng với gió to, sóng lớn đánh ầm ầm làm cho chân kè nhiều đoạn bị đứt hoàn toàn, hàng trăm tấm lợp được đúc bằng bê tông cốt thép đổ ào xuống lòng sông, trơ ra những nền đất thịt lồi lõm. Ngoài ra, trong đợt lũ vừa qua, nhiều khối bê tông khác cũng bị dồn thành từng đống, nằm ngổn ngang ngay mép sông mà không có một cơ quan nào xử lý.“Chỉ cần một cơn lũ trên báo động 2 nữa thôi là đoạn kè này “đi tong”- ông Hồ Văn Tống, nhà ngay mép kè lở cho biết.

Nhiều người dân ở đây cũng cho biết, một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt lở trên là do tuyến kè này không được xây thêm phần đuôi kè khoảng 100 mét. Chính sự "thiếu hụt" này đã làm “mồi” gây lở nhiều đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, chân kè lại ít đá, không sắt nên không đủ sức giữ lại khi gặp nước mạnh, gây tụt đất và lở kè.

Người dân ở các xã có kè bị sạt lở không khỏi thắc mắc: Vì sao cả hai công trình đều mới đưa vào sử dụng cách đây không lâu mà“tuổi thọ”lại kém chất lượng đến vậy? Lý giải băn khoăn này, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó giám đốc sở NN&PTHT Quảng Nam cho biết:“Đây là công trình do một đơn vị chuyên ngành thuộc Bộ NN&PTNT thiết kế, địa phương chỉ theo đó mà làm”.

Khi chúng tôi hỏi vì sao công trình mới xây dựng được vài năm mà đã bị lũ cuốn trôi. Cả ông Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên - Nguyễn Công Dũng và ông Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam Nguyễn Văn Tiến đều cho rằng do bão và lũ năm nay khác thường hơn mọi năm. Khác thường ở chỗ, mọi năm bão tan thì mưa lũ mới kéo về, còn năm nay bão và lũ cùng xảy ra một lúc, do đó nước dâng cao cộng với gió to nên “đánh” kè chịu không nổi.

Với tình trạng kè bị sạt lở như thế này, nếu không có biện pháp cấp bách chống xói lở thì tương lai đất đai, nhà cửa... và tính mạng người dân nơi đây sẽ bị đe dọa bất cứ lúc nào.

(Theo Bài và ảnh:Nguyên Khang // Diễn đàn doanh nghiệp)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi