Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Săn “trường ngư”

Một chú lươn béo ngậy vừa săn được. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vùng đất miền Tây vẫn trù phú sản vật, kể cả khi không vào mùa nước nổi. Cận Tết, nước trên đồng xuống dần, cũng là lúc nhiều người lao vào cuộc “săn” lươn, loại đặc sản mà có người còn gọi là “trường ngư”.

Mỗi ngày, cứ độ hơn 2 giờ chiều, khi nắng ngoài cánh đồng sau nhà vẫn còn gay gắt, anh Trần Văn Suông đã cởi trần, lủng củng xô, móc... lên đường. Đích đến của anh là những cánh đồng ít ỏi còn sót lại của phường ven quận Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ) này. Đô thị hóa càng nhanh, vùng đất “kiếm ăn” của anh càng hẹp lại. Nhưng may, vẫn còn đó những cánh đồng...

Nhưng giờ chưa phải là lúc bắt lươn, mà là tìm mồi để bẫy chúng. Anh Suông hì hục ở mấy bờ đê, tìm moi từng chú cua đồng đen rộm, từng con ốc ruột vàng ngậy... Chừng hơn tiếng đồng hồ, cái xô mang theo đã kha khá chiến lợi phẩm.

Xách vội về nhà, chẳng cần rửa ráy qua loa, anh Suông bắt ngay từng chú cua tách mai, đập càng cho bể. Ốc thì bỏ vỏ... Gần 20 cái trúm, được anh Suông lần lượt nạp mồi vào. “Mùi cua, ốc... hấp dẫn lươn dữ lắm”, anh nói. Có người thì xài mồi thuốc, một hỗn hợp bán sẵn ở mấy tiệm thuốc Bắc, trộn với cá hấp... Mỗi lần bỏ mồi, người ta phải lấy mấy mảnh vải mùng nhỏ, bóp mồi vào để đặt xuống nước không rã. “Nhưng hiệu quả cũng vậy, mà lại tốn thêm vài chục ngàn đồng. Bởi vậy, tui lâu nay vẫn xài mồi cua, ốc...”, anh Suông cho biết.

Hồi trước, người ta làm trúm bằng những đoạn tre chừng một mét, đục thông mắt, một đầu gắn thêm cái hom, đục mấy lỗ nhỏ để lươn vào trúm không bị chết ngộp. Nhưng giờ, cứ lấy mấy đoạn ống nước bằng nhựa mà làm, vừa không lo mục, vừa nhẹ nên dễ mang vác. Mồi, trúm chuẩn bị xong, anh Suông lại tất bật vác ra đồng...

Đặt trúm lươn không phải tay mơ là làm được. Phải biết chọn mé mương nào lươn hay kiếm ăn, hướng nào mồi dễ lan tỏa để dụ lươn... Như mấy anh hàng xóm của anh Suông tưởng dễ ăn, cũng sắm trúm về đặt. Mấy chục cái trúm, mỗi bữa chỉ bắt được 1-2 con lươn, riết rồi nản, bỏ luôn...

Lội hẳn xuống cái mương rộng, anh Suông lựa chỗ đặt từng cái trúm một. Hết mương này, lại sang mương khác, rồi lại ra mấy cái mương ruộng còn xâm xấp nước. Lươn có đặc tính ăn đêm, nên cứ chiều xuống đặt trúm, sáng ra “thu hoạch” là đúng sách. Mùa nước nổi, đồng ruộng bao la nước, dân đặt trúm không ham. Bởi lúc ấy, lươn tha hồ “tung tăng” khắp chốn, biết đường nào mà đặt. Nhưng mùa khô, nước teo tóp dần, những cái mương cạn, rạch xâm xấp nước... là nơi lươn co cụm lại, tha hồ đặt trúm.

5 giờ sáng hôm sau, trời se lạnh. Anh Suông vẫn cởi trần trùng trục, rảo bước, thẳng hướng mấy con mương, rạch... mà chiều hôm qua đã đặt mớ trúm. “Đi dỡ trễ, lươn hay bị ngộp chết, bán không có giá!”, anh nói vậy. Cái đầu tiên dỡ lên, nước rỏ ào, chảy long tong. “Không có rồi”, anh Suông lắc đầu. Đến cái trúm thứ hai, đặt sát dề lục bình, hai chú lươn vàng úm co mình dưới đáy trúm... Cứ thế, sáng đó anh Suông thu mớ chiến lợi phẩm hơn 2 ki lô gam. “Lươn lớn, cỡ 300 gam/con bán khoảng 120.000 đồng/ki lô gam. Còn lươn nhỏ, cũng được 80.000 đồng/ki lô gam. Hôm nay vậy là khỏe!”, anh hớn hở.

“Đặt trúm cực hơn câu!”, anh Nguyễn Văn Thống, ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) nói vậy. Đặt trúm thì phải làm trúm, bắt mồi, thức hôm dậy sớm. Còn anh Thống, chỉ cần một đoạn nhợ ngắn, cột cái lưỡi câu, đầu kia cột vào một đoạn tre nhỏ là đủ đồ nghề. Mồi câu, có người nói anh xài mồi thuốc, nhưng anh thì khẳng định chỉ là những con trùn đất. “Những cái hang sâu trên bờ mương, dưới mực nước chừng một gang tay, cứ cái nào thấy tròn lẳn miệng hang là có lươn trú trong đó”, anh kể. Cứ chọn hang nào đoán có lươn trú, thả ngay mồi nhử nhử trước miệng hang, chút là nghe táp phập. Kéo lên, có ngay chú lươn vàng ngậy, béo tròn... Có lúc, anh Thống câu được cả con lươn nặng đến 600 gam, đầu to trùi trũi. Nói thì nói vậy, chứ chuyện nhìn hang đoán biết có lươn, không phải ai cũng làm được. Mà giờ, mương ruộng cũng ít dần, lươn cũng chẳng còn nhiều.

Lươn còn gọi là “trường ngư”, một trong “bốn món tươi ngon dưới sông” và cũng là “sâm động vật dưới nước”. Lươn tính ôn, vị ngọt, có công hiệu bổ khí dưỡng huyết, làm mạnh gân cốt. Theo Đông y, lươn giúp bổ khí huyết, thích hợp với những người bị chứng lao lực, ho hen, phong thấp. Y học hiện đại chứng minh rằng lươn vàng còn có thể trị được bệnh tiểu đường và tăng cường trí nhớ, là thức ăn bồi bổ rất tốt cho người có lượng đường trong máu cao và người lao động trí óc. Đầu lươn tính ôn, bổ não...

Những chú lươn vàng ươm, cứ thêm mớ lá cách, lá lốt, dừa nạo, củ sắn... là có món lươn um thơm nức. Lươn nhỏ thì đem chặt khúc kho sả, ăn cơm hết hồi nào không hay. Không thể kể xiết những món ăn được chế biến từ nguyên liệu chính là lươn. Từ lâu, lươn cũng đã có mặt trong thực đơn nhiều nhà hàng lớn.

Lươn sống nhiều ở mương, rạch, nơi đồng lầy, ruộng lúa. Lươn ngày càng hấp dẫn thực khách, khiến lượng đánh bắt trong thiên nhiên không đủ để cung cấp. Do đó, ở nhiều vùng như Trường Long Tây (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang)... nhiều nông dân đã tự mày mò tìm cách nuôi và khá thành công. Nhiều nơi đã chuyển sang nuôi với quy mô lớn. Sau hơn bốn tháng nuôi, lươn đạt trọng lượng khoảng 200 gam/con là đã có thể thu hoạch.

Nhưng người sành ăn cho rằng lươn nuôi thịt bở, vị tanh hơn lươn thiên nhiên. Có người thì nhìn màu da lươn để phân biệt, nhưng có người thì cho rằng cứ nhìn đoạn đuôi lươn là chính xác. Con lươn nào có đuôi tròn lẳn, mập tròn là lươn nuôi, còn đuôi nhỏ, gầy mới là lươn tự nhiên. Không chắc cách phân biệt nào là chính xác.

Chỉ biết, gần đây có một số người, cứ sáng sớm cũng xách mớ trúm rỏ nước đi dọc mấy con lộ xã. Ai hỏi mua, họ bán ngay với giá lươn thiên nhiên, cao hơn lươn nuôi khoảng 30.000- 40.000 đồng/ki lô gam. Nhưng nhiều người trong số họ, trước đó nào có ra đồng dỡ trúm mà mua lươn từ mấy trại nuôi, sau đó xách theo mớ trúm để lừa những người qua đường. Cứ 3 ki lô gam lươn nuôi, lừa bán với giá lươn thiên nhiên, họ bỏ túi khoản chênh lệch gọn hơ, trên dưới 100.000 đồng! 

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Năm 2010, công nghiệp và thương mại tỉnh Long An đạt mức tăng trưởng khá cao
  • Hà Nội tăng mức chuẩn nghèo gấp rưỡi
  • TP HCM: Đẩy mạnh phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ trong năm 2011
  • Ninh Thuận đề ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2001
  • Bảo Yên từng bước xóa đói, giảm nghèo
  • Xóa nghèo ở Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản ở Nam Ðịnh phát huy hiệu quả cao
  • Lâm Ðồng nuôi cá nước lạnh đạt giá trị cao
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi