Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

TP Hồ Chí Minh vững tin hướng tới tương lai

Năm 2008, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng bức tranh kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh vẫn lấp lánh những sắc mầu tươi mới.

Kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng và đạt được những kết quả tích cực. Phần lớn các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra đều đạt và vượt. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn thành phố tăng 11%, đạt 290.905 tỷ đồng, thu ngân sách 110.388 tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm trước.
 
Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố lấy dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao làm nền tảng phát triển đã phát huy tác dụng.
 
Thương nghiệp bán lẻ và doanh thu dịch vụ chiếm tỷ trọng hơn 80% GDP của thành phố vẫn giữ mức tăng trưởng cao, đạt 234.800 tỷ đồng, tăng 39,8%.
 
Dịch vụ tăng 14,1% (đạt 156.107 tỷ đồng), ngày càng có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế thành phố.
 
Hàng loạt bạn hàng ở nước ngoài gặp khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 24,8 tỷ USD, tăng 35,4%, không tính dầu thô, xuất khẩu vẫn tăng 24,3% (12,214 tỷ USD).
 
Du lịch tăng 20% (gần 30 nghìn tỷ đồng). Năm 2008 đã có hơn ba triệu lượt khách du lịch quốc tế đến thăm thành phố.
 
Sản xuất, kinh doanh không thuận lợi, nhất là vào những tháng cuối năm, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố vẫn tăng 13%.
 
Ngành nông nghiệp tuy chỉ chiếm hơn 1% GDP, nhưng nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và đầu tư đúng hướng, nên vẫn đạt 3.158 tỷ đồng, tăng 7,1%. Nhiều mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, rau xanh, cây, cá cảnh, v.v. xuất hiện, mang lại hiệu quả cao, góp phần làm cho đời sống nông dân ngoại thành ổn định và ngày càng được cải thiện.
 
Thành phố tiếp tục khơi dậy nội lực cho đầu tư phát triển và đã mang lại kết quả đáng mừng. Tổng vốn đăng ký mới và vốn bổ sung năm 2008 đạt 209.380 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2007. Ðã có 17.850 doanh nghiệp dân doanh mới thành lập với số vốn gần 114 nghìn tỷ đồng. Ða số các doanh nghiệp dân doanh vừa và nhỏ này ngày càng chủ động hơn trong hội nhập, luôn tự tin, năng động trong sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ và giữ vị trí khá quan trọng trong kinh tế thành phố.
 
Thực hiện hội nhập kinh tế thế giới, với lợi thế là trung tâm kinh tế năng động và hiệu quả của khu vực phía nam, TP Hồ Chí Minh luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2008, thành phố đã thu hút tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,38 tỷ USD (kể cả tăng vốn), tăng gấp 4,22 lần so với năm trước, trong đó có 479 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đăng ký là 8,13 tỷ USD, tăng 19,5% về số dự án và 4,8 lần so với vốn đầu tư, nâng tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực trên địa bàn thành phố lên 3.115 dự án với tổng vốn đăng ký là 25 tỷ 360 triệu USD.
 
Nét nổi bật là năm 2008 TP Hồ Chí Minh đã thu hút được số vốn đầu tư nước ngoài cao hơn cả tổng vốn tính chung trong 5 năm, từ năm 2003 đến năm 2007 (7 tỷ 461 triệu USD). Ðáng chú ý là đầu tư nước ngoài đã hướng vào nhiều lĩnh vực chuyên sâu, chất lượng cao như lĩnh vực giáo dục - đào tạo có Dự án khu đô thị đại học quốc tế Berjaya (3,5 tỷ USD). Công nghệ thông tin có Dự án công viên phần mềm Teco (1,2 tỷ USD) và Dự án công viên Trí thức Việt - Nhật (605 triệu USD). Lĩnh vực y tế có Dự án khu y tế kỹ thuật cao (400,5 triệu USD). Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam đang khó khăn như hiện nay, thì kết quả trên là rất đáng phấn khởi, xuất phát từ sự cố gắng nỗ lực rất lớn của thành phố trong việc cải cách hành chính, đề ra cơ chế, chính sách đúng nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn, khuyến khích các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào những lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao.
 
Cùng với phát triển kinh tế, thành phố luôn quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, coi đây là mục tiêu quan trọng nhất và là động lực nội sinh để thành phố phát triển nên đã dành nhiều tiền của, công sức chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của thành phố (tính theo GDP) đạt 2.500 USD/người/năm, cao gấp hơn ba lần so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước (khoảng 800 USD/ người/năm).
 
Năm qua, thành phố đã giải quyết việc làm cho 270 nghìn  lao động, trong đó có 120 nghìn việc làm mới. Tính đến nay, Chương trình quốc gia giải quyết việc làm tại thành phố đã phê duyệt và cho 5.923 hộ gia đình vay 90,8 tỷ đồng để thực hiện 884 dự án, tạo việc làm mới cho hơn một nghìn lao động. Nhờ nguồn vốn vay, chăm chỉ lao động và tiết kiệm, nhiều hộ đã ổn định và từng bước cải thiện cuộc sống. Không ít hộ đã trở nên khá và giàu.
 
Năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại thành phố còn khoảng 0,6%. Là nơi đông dân nhất nước, hơn 7 triệu người, thành phố đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo (mức thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/năm) trước thời hạn hai năm so với Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 8 đề ra. Thành phố đang chuẩn bị triển khai đề án giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 2009-2015 với chuẩn nghèo mới: thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm, tính chung cho cả khu vực nội và ngoại thành. Sau hai năm thành phố phát động phong trào toàn dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị đã mang lại kết quả bước đầu, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, nội quy, quy định, trật tự kỷ cương của người dân được nâng lên.
 
Ðến với TP Hồ Chí Minh hôm nay, ai cũng nhận thấy thành phố đổi thay từng ngày. Từ nội thành, ra ngoại thành đâu đâu cũng thấy các công trình xây dựng cầu, đường, công viên, trường học, bệnh viện, nhà cao tầng, khách sạn... mới mọc lên. Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, khu Nam thành phố nay đã hiện rõ hình hài, làm thay đổi diện mạo, tạo điểm nhấn trên bức tranh toàn cảnh thành phố. Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, tọa lạc trên khu đất Nhà Bè sình lầy năm xưa, được coi là khu đô thị kiểu mẫu, hiện đại.
 
Tuy nhiên, trên bức tranh đậm mầu tươi mới ấy, vẫn còn những điểm xám đầy trăn trở. Ðó là tình trạng yếu kém trong quản lý đô thị, chậm trễ trong quy hoạch, lộn xộn trong xây dựng. Thành phố vẫn đang bề bộn, ngổn ngang, nhếch nhác vì những công trình rào chắn, đào đường kéo dài, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây ùn tắc, tai nạn giao thông. Tình trạng ngập lụt triền miên, ô nhiễm môi trường lan rộng, cuộc sống tạm cư nhiều năm chậm được giải quyết, v.v. ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân. Những yếu kém tồn tại đó đang rất cần phương thuốc hiệu nghiệm, chữa trị dứt điểm để thành phố phát triển bền vững hơn.
 
Năm 2009, được dự báo còn khó khăn, phức tạp. TP Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững, chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 10% trở lên, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 130 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 270 nghìn lao động, trong đó có 120 nghìn việc làm mới. Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới (thu nhập bình quân dưới 12 triệu đồng/người/năm) xuống 13,8% vào cuối năm 2009 và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 5,3%.
 
Xuân Kỷ Sửu - 2009 đang về, vững tin hướng tới tương lai, với tinh thần vì cả nước, cùng cả nước, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đang ngày đêm nỗ lực, phấn đấu, phát huy vai trò đầu tàu kinh tế vùng trọng điểm kinh tế phía nam. Từng bước xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành một thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại.

(Theo báo điện tử Nhân dan)

  • Công ty Công trình đô thị TP. Vũng Tàu: Đạt doanh thu hơn 55,7 tỷ đồng
  • Đà Nẵng vượt lên chính mình
  • TP Cần Thơ Làm gì để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh?
  • TPHCM kết thúc năm tài chính 2008: Thu ngân sách vượt 24%
  • Hà Nội năm 2009: Ðịnh hướng lớn và những mối quan tâm cụ thể
  • Hà Nội: Phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế giai đoạn 2009-2010
  • Năm 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế Yên Bái đạt 12,5%
  • TP Hồ Chí Minh: Sáu giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch 2009
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi