Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

TPHCM: Nhiều tuyến xe buýt có thể ngừng hoạt động

Nhiều tuyến xe buýt không trợ giá đang gặp khó khăn do giá xăng, dầu liên tục biến động - Ảnh: TL.

Xăng, dầu tăng giá khiến các doanh nghiệp xe buýt tại TPHCM phải đối đầu với nhiều khó khăn, không chỉ chi phí nhiên liệu mà các chi phí khác như nhân công, phụ tùng xe cũng tăng giá...

Đối với các tuyến xe buýt được trợ giá thì đã có tiền ngân sách bù vào, còn đối với các tuyến không có trợ giá, doanh nghiệp đang tính đến chuyện ngừng hoạt động vì thua lỗ.

Tăng thêm 348 tỉ đồng các tuyến xe buýt có trợ giá

Theo Trung tâm Quản lý và Ðiều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, số tiền trợ giá cho hoạt động của xe buýt trong năm 2011 được thành phố duyệt là hơn 835 tỉ đồng. Thế nhưng, trước việc giá xăng, dầu liên tục biến động, thành phố đã chấp thuận tăng thêm 348 tỉ đồng bổ sung cho chi phí hoạt động của xe buýt.

Ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Ðiều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, cho biết do giá xăng, dầu tiếp tục tăng vào cuối tháng 3 vừa qua nên trung tâm đang đề xuất thành phố cấp bổ sung thêm 94 tỉ đồng nữa để hỗ trợ chi phí nhiên liệu mà các doanh nghiệp đang phải bù lỗ hiện nay.

Còn ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm HTX vận tải 19-5, cho biết trung bình mỗi ngày doanh nghiệp phải bù thêm 200.000 đồng tiền chênh lệch nhiên liệu.

Tuyến không trợ giá có nguy cơ ngưng hoạt động

Hiện nay, TPHCM có 37 tuyến xe buýt không trợ giá và 111 tuyến xe buýt trợ giá. Đối với các tuyến xe buýt được trợ giá, khi giá nhiên liệu tăng doanh nghiệp còn có thể trông chờ vào tiền ngân sách hỗ trợ, nhưng đối với các tuyến không được trợ giá doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã vận tải xe buýt TPHCM, cho biết đợt xăng, dầu tăng giá ngày 25-2, doanh nghiệp mới tăng giá vé thêm 10% các tuyến không trợ giá, đến cuối tháng 3 giá xăng tiếp tục tăng nếu đề xuất tăng giá vé nữa thì sẽ rất khó. "Nếu tăng giá vé, doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm hành khách và doanh thu", ông Hải nói.

Sau khi các doanh nghiệp tăng giá vé thêm 10% vào giữa tháng 3 thì lượng hành khách đi trên các tuyến xe buýt không trợ giá đã giảm đáng kể, nếu tiếp tục tăng giá vé chắc chắn lượng hành khách sẽ sụt giảm nữa. Còn nếu không tăng giá vé doanh nghiệp cũng không có nguồn thu nào để bù vào giá nhiên liệu.

Ông Nguyễn Văn Triệu cho biết trong lúc này doanh nghiệp phải tính toán để san sẻ các chi phí. "Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài doanh nghiệp đang tính đến việc ngừng hoạt động một số tuyến không trợ giá vì không thể tiếp tục bù đắp chi phí nhiên liệu", ông Triệu cho biết.

Qua thống kê của Trung tâm Quản lý và Ðiều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, đợt điều chỉnh giá vé đối với các tuyến không trợ giá ngày 15-3 vừa qua là đợt điều chỉnh cao nhất, mức điều chỉnh giá mới dao động trung bình từ 6.000 đồng đến 24.000 đồng/hành khách/lượt, tùy thuộc vào từng tuyến và chặng đường đi xa hoặc gần.

Một số tuyến có mức tăng cao như: tuyến Bến Thành - Mộc Bài (Tây Ninh), từ 10.000 đến 35.000 đồng/lượt; tuyến Bến xe Chợ Lớn - Thanh Vĩnh Đông (Long An), từ 8.000 đến 24.000 đồng/lượt; tuyến Bến xe Chợ Lớn - Bến xe Tân An (Long An) dao động từ 5.000 đồng đến 14.000 đồng/lượt (tùy theo lộ trình)...

Ông Phạm Đình Đức, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải TPHCM, cho biết các tuyến xe buýt không trợ giá đều là của tư nhân đầu tư, chạy các tuyến từ TPHCM đi các tỉnh lân cận. Do vậy, với tình hình nhiên liệu tăng như hiện nay, họ buộc phải tăng giá vé để bù lỗ và cân đối nguồn thu chi. Còn trong trường hợp giá nhiên liệu tăng mà giá vé không tăng thì doanh nghiệp khó mà hoạt động được.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi