Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giấy tái chế-nguyên liệu chính cho ngành giấy

Theo Hiệp hội giấy Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã lắp đặt dây chuyền hiện đại, đồng bộ sản xuất bột từ giấy phế liệu với tổng công suất 160.000 tấn/năm.

Năm 2009, ngành giấy sẽ đưa vào vận hành ít nhất 5 dây chuyền sản xuất mới với tổng công suất 190.000 tấn/năm. Những dây chuyền cũ sẽ được nâng cấp chủ yếu tăng cường khâu nghiền, sàng bột và tách xơ sợi, đem lại hiệu suất bột cao hơn và chất lượng bột tốt hơn.

Lợi ích sử dụng giấy nguyên liệu

Theo các doanh nghiệp sản xuất giấy, việc đầu tư mới, nâng cấp dây chuyền tái chế giấy phế liệu vừa nâng cao được chất lượng bột giấy, vừa kích thích thu gom trong nước phát triển, góp phần giảm lượng gỗ phải khai thác, giảm lượng nước cần dùng và năng lượng, giảm các chất thải gây ô nhiễm. Mỗi tấn giấy được tái chế tương đương giảm đi một tấn giấy phải chôn lấp hoặc đốt để hủy bỏ. Trong khi đó, giấy có thể tái chế từ 4 đến 6 lần trước khi xơ sợi ngắn để có thể làm thành tờ giấy.

Lãnh đạo Tập đoàn giấy Tân Mai cho biết, năng lực sản xuất giấy của Tân Mai khoảng 140.000 tấn/năm, năng lực sản xuất bột giấy 100.000 tấn/năm. Tập đoàn hiện có 3 dây chuyền sản xuất, trong đó 2 dây chuyền sản xuất từ phế liệu công suất 50.000 tấn bột giấy vụn/năm và 50% lượng giấy vụn tái chế dược sử dụng sản xuất giấy in báo.

Dự kiến sau năm 2010, Tập đoàn sẽ đầu tư thêm một dây chuyền sản suất giấy vụn nữa công suất khoảng 100.000 tấn/năm. Hiện nay, lượng giấy vụn Tân Mai sử dụng khoảng 3.000 tấn/tháng, chủ yếu nhập khẩu khoảng 70%, và thu gom trong nước là 30%. Dự kiến năm 2010, sẽ sử dụng khoảng 12.000 tấn giấy vụn/tháng.

Qua hạch toán chi phí của Tân Mai cho thấy, so với sản xuất giấy từ bột gỗ keo lai (bột nhiệt cơ), sản xuất 1 tấn bột từ giấy vụn sẽ giảm được 3 m3 khối gỗ, 1.500kW điện, 35 đến 45m3 nước, ô nhiễm môi trường giảm đáng kể. Hơn nữa sản xuất bột nhiệt cơ phải sử dụng hệ thống bóc vỏ và chặt dăm mảnh gây tiếng ồn và bụi rất nhiều, nhưng sử dụng nguồn giấy vụn thì không có vấn đề này. Về công nghệ sản xuất bột bằng giấy vụn đơn giản và dễ xử lý nguồn nước thải hơn so với bột nhiệt cơ. Nhờ đó, giá thành cho một tấn bột thành phẩm bằng giấy phế liệu thấp hơn 2 triệu đồng so bột nhiệt cơ. Với hiệu quả kinh tế trên, năm 2010 Tân Mai sẽ đưa lượng giấy tái chế từ 50% hiện tại lên 70%.

Cần có một cơ chế

Theo Hiệp hội Giấy Việt Nam, lượng giấy thải loại ở các văn phòng, trường học và hộ gia đình rất lớn nhưng không có tổ chức thu gom giấy, phân loại; các công ty thu gom rác cũng không phân loại mà đổ thẳng ra bãi chôn lấp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng ở nước ta rất thấp so với các nước trong khu vực, hiện chỉ đạt 25% trong khi Thái Lan là 65%. Tỷ lệ giấy thu hồi trong nước so với giấy thu hồi nhập khẩu hầu như không thay đổi từ 48% (năm1999) lên 50% (năm 2007).

Hoạt động thu gom giấy đã qua sử dụng nay vẫn theo phương thức cổ điển, hầu như hoàn toàn dựa vào hàng ngũ “đồng nát” mà vẫn chưa có công ty chuyên doanh giấy thu hồi. Đặc biệt, từ khi thực hiện thuế giá trị gia tăng yêu cầu bắt buộc phải có hóa đơn đỏ trong việc thu mua giấy loại lại càng gây trở ngại trong việc tiêu thụ giấy thu gom trong nước.

Đại diện Công ty cổ phần giấy Việt Trì cho biết, Công ty giấy Việt Trì có công suất 65.000 tấn giấy, trong đó, sử dụng khoảng 50 đến 55 .000  tấn giấy phế liệu. Năm 2008 Công ty sử dụng khoảng 50.000 tấn, trong đó nhập khẩu khoảng 20.000 tấn và thu mua trong nước 30.000 tấn. Tuy nhiên, quá trình thu mua trong nước gặp rất nhiều khó khăn vì phải có hóa đơn thuế giá trị gia tăng trong khi đó, việc thu mua lại chủ yếu qua lực lượng thu gom nhỏ.

Để khuyến khích việc sản xuất giấy đã qua sử dụng, hạn chế áp lực sử dụng gỗ vào sản xuất giấy, khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn bột giấy thế giới, tại hội nghị, các doanh nghiệp sản xuất giấy đã đề nghị Chính phủ nên miễn thuế thu gom giấy vụn, cần có chính sách, khuyến khích đầu tư dây chuyền tái chế giấy vụn, khuyến khích việc thu gom giấy đã qua sử dụng (kể cả thu gom trong nước và nhập khẩu); đồng thời có các biện pháp về thị trường; các công cụ kinh tế, tài chính, điều tiết, chương trình tuyên truyền đến người dân về việc sử dụng giấy tái chế./.

(Theo vietnamplus.vn)

  • Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam
  • Công nghiệp Việt Nam 6 tháng: Sản xuất và tồn kho đều tăng
  • Tranh cãi về chuyện nuôi chim yến
  • Người chăn nuôi đối mặt với lỗ
  • Ngành chăn nuôi lao đao
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container