Chuyện đại lý cà phê vỡ nợ, bỏ trốn đã xảy ra nhiều năm trước đây. Trước tết Nguyên Đán 2010, ở xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ, gần 100 hộ nông dân trồng cà phê một phen lao đao vì “trót” mang hơn 160 tấn cà phê (khoảng 5,5 tỉ đồng) ký gửi cho đại lý Tám Loan (thôn 7 Bình Minh, xã Bình Thuận).
Không chỉ vậy, họ còn cho đại lý Tám Loan vay hơn 12 tỉ đồng. Đến khi nông dân tới rút tiền thì chỉ nhận được tuyên bố vỡ nợ.
Tiếp đó là đại lý cà phê của bà Phan Thị Kim Hoa (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc). Đại lý này nhận ký gửi hơn 231 tấn cà phê nhân và hơn 170 triệu đồng tiền mặt. Mỗi ngày, từ vài chục đến cả trăm người kéo đến đập phá, xiết nợ. Công an xã Ea Kênh phải vất vả lắm mới giải tán được đám đông.
Từ giữa tháng 3, huyện Ea H’leo cũng liên tiếp xảy ra 2 vụ vỡ nợ khác của DNTN Hai Thận (thôn 2, xã Ea Ral) và Công ty TNHH Hương Hiệp (tổ dân phố 12, thị trấn Ea Đrăng). Công ty TNHH An Tiến (thôn 10, xã Ea Đar, huyện Ea Kar) cũng tuyên bố phá sản.
Việc hàng loạt các doanh nghiệp, đại lý lớn, có uy tín lâu nay trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc bất ngờ phá sản làm rúng động cả một vùng quê, đẩy hàng ngàn gia đình nông dân vào tình cảnh điêu đứng. Các cơ sở thu mua cà phê còn lại cũng lao đao vì người trồng cà phê đồng loạt kéo chốt giá, đòi lại tiền, càng gia tăng hiện tượng vỡ nợ dây chuyền.
Điều đáng lo ngại là tình trạng vỡ nợ này lại xảy ra vào đúng thời điểm người nông dân cần tiền để phục vụ cho một mùa tưới tiêu mới. Hàng ngàn ha cà phê đang chống chọi với mùa hạn hán khác thường có nguy cơ không được tái đầu tư, chăm sóc kịp thời.
Cái sự đã rồi…
Sau khi các đại lý vỡ nợ, hàng ngàn hộ nông dân trồng cà phê cũng trở nên khánh kiệt. Sau những nỗ lực thu hồi tài sản không thành, họ đành coi việc mất tiền như một sự đã rồi… Nhiều đại lý, doanh nghiệp đã cố gắng thu gom tài sản còn lại để trả nợ, song so với số nợ khổng lồ thì chút tài sản cuối cùng kia chỉ như muối bỏ bể.
Chẳng hạn, ngày 11/3, bà Phan Thị Kim Hoa chỉ mang được… 300 triệu đồng đến UBND xã Ea Kênh để trả một phần nợ. Đó là tất cả những gì bà làm được so với số nợ hơn 4 tỷ đồng, bởi mọi nguồn vốn đã cạn kiệt.
Sau nửa tháng gồng mình đối phó với các chủ nợ, ông Nguyễn Văn Thận (Giám đốc DNTN Hai Thận) quyết định bán toàn bộ kho xưởng, nhà cửa, đất rẫy cà phê đang thế chấp ở ngân hàng. Thế nhưng, tất cả số tài sản còn lại của doanh nghiệp chẳng thấm vào đâu so với số nợ ngót ngét 14 tỷ đồng.
Cùng cảnh ngộ với DNTN Hai Thận, giám đốc Công ty Hương Hiệp đã “bặt tăm”. Còn ông Nguyễn Duy Nhâm (Phó giám đốc Công ty An Tiến) đã làm đơn xin tạm thời vắng mặt tại địa phương với cam kết bất cứ khi nào cơ quan điều tra có yêu cầu, ông Nhân sẽ có mặt.
Trước tình trạng quá nhiều doanh nghiệp, đại lý tuyên bố phá sản trong thời gian ngắn, tỉnh Đắc Lắc yêu cầu công an các huyện sớm vào cuộc để ổn định tình hình ANTT, xác định xem các DN có sử dụng thủ đoạn gian dối để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay không.
Trường hợp các DN này thực sự làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản thì sẽ áp dụng theo Luật phá sản doanh nghiệp và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có quyền lợi khởi kiện đến tòa án theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng, “đợi được vạ thì má đã sưng” và có chắc rằng người nông dân sẽ thu hồi được tài sản? Chuyện đại lý “xù” nợ nông dân giờ đây đã thành cái sự đã rồi. Cần lắm những giải pháp lâu dài để bảo vệ người nông dân trước những nguy cơ và biến động.
(Dân trí)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com