Ông Hồ Xuân Hùng-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, cách đây chừng 10 năm, giá chè xuất khẩu của Việt Nam đạt mức 2.000 USD/tấn, nhưng hiện nay giá xuất khẩu bình quân chỉ khoảng 1.100 USD/tấn. “Điều này quả thực là một nghịch lý và cũng là mâu thuẫn của ngành chè, trong khi nhu cầu về chè của thế giới không ngừng tăng lên, thì sản lượng của chúng ta chỉ tăng nhẹ”- ông Hùng chia sẻ.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Kim Phong - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas) cho rằng, để mở rộng thị trường nên trong thời gian qua, sản phẩm chè của Việt Nam đã phải “xuống giá” để tiếp cận bạn hàng. Ngoài ra, người trồng chè vì lợi nhuận đã tăng cường sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hoá học để tăng năng suất. Do đó dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, kéo giá bán xuống thấp.
Hiện cả nước có tới 635 nhà máy chế biến chè. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu có nơi chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của các nhà máy nên đã dẫn tới tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu. Bên cạnh đó, có tới hơn 131 nghìn ha chè, nhưng diện tích trồng những giống chè tốt có năng suất cao chỉ chiếm chưa tới 50%. “Để dẫn tới thực trạng trên, lỗi ở cả cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và những người nông dân trực tiếp sản xuất” - ông Hùng thừa nhận.
Liên kết lỏng lẻo, người dân bị ép giá
Việt Nam là nước sản xuất chè lớn thứ 5 trên thế giới, với diện tích trồng chè khoảng 130 nghìn ha. Có khoảng 675 doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế và khoảng 400.000 hộ gia đình sản xuất chè. Tuy nhiên có một nghịch lý là chè đang bị người thu mua ép giá.
Theo ông Lại Thế Hưng - Trưởng phòng trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng thì, nguyên nhân sâu xa dẫn tới thực trạng trên là do vẫn thiếu sự liên kết giữa nhà máy và người trồng chè. Khi nhà máy không có sự liên kết với người nông dân sẽ không thể quản lý được chất lượng đầu vào của nguyên liệu, điều này khiến cho chất lượng sản phẩm không đồng đều. Ngoài ra, sự liên hệ lỏng lẻo này còn tạo cơ hội cho tư thương thu lời, trong khi cả nhà máy và nông dân đều bị thiệt.
Ông Phong thì cho rằng, diện tích các giống chè năng suất và chất cao còn ít, người trồng chè vẫn mang ý thức sản xuất thủ công manh mún, chưa có khả năng cung ứng nguyên liệu ổn định cho các cơ sở chế biến... Đây chính là những hạn chế khiến dòng vốn đầu tư vào ngành này trong thời gian qua còn thấp. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chưa có kỹ năng về xây dựng và quảng bá hình ảnh thương hiệu sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế. “Ở những vùng trồng chè, rất cần có những hợp tác xã đứng ra hỗ trợ người nông dân về giống, vốn, kỹ thuật cũng như liên hệ với các nhà máy để bao tiêu sản phẩm với mức giá phù hợp. Khi đó, người trồng chè mới có thể yên tâm với sản xuất và cung ứng ra những sản phẩm đáp ứng với các yêu cầu ngày càng cao của tiêu dùng và xuất khẩu” - ông Hưng đề xuất.
(Theo Gia Huy // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com