![]() |
Cà phê trong kho của một doanh nghiệp ở Lâm Đồng-Ảnh: Hồng Văn |
Thông tin mà nông dân trồng cà phê quan tâm nhất trong hai tháng qua là các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội cà phê Việt Nam mua tạm trữ giá bao nhiêu, khi mà hiệp hội này chính thức phát động đợt mua tạm trữ bắt đầu từ ngày 15-3 với giá 23.000 đồng/kg cà phê nhân tiêu chuẩn phổ biến là R2.
Thế nhưng dường như việc triển khai mua tạm trữ cà phê của nông dân lần đầu tiên trong vòng chục năm qua của các doanh nghiệp đã vấp phải những ý kiến khác nhau về giá mua và thời gian mua. Lãi 30% hay lỗ? Trong phương án đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình Chính phủ phê duyệt chương trình mua cà phê tạm trữ đầu năm nay, Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) cho rằng giá mua tạm trữ tối thiểu phải đảm bảo cho nông dân bán cà phê có lãi 30%, tương tự cách tạm trữ mà Hiệp hội lương thực Việt Nam đang làm với lúa gạo mà Chính phủ đã thông qua 2 năm nay. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho rằng cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam; và nếu người trồng lúa được nhà nước đảm bảo lợi nhuận 30% thì cũng có thể làm điều tương tự với cà phê, khi mặt hàng này hiện đang rớt giá xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.Niên vụ cà phê 2000-2001, sau khi giá cà phê xuống thấp còn 5.000-6.000 đồng/kg, lúc đó Chính phủ cũng cho phép các doanh nghiệp mua tạm trữ cà phê nhưng sau đó không thấy ai đề cập việc tạm trữ lúc đó hiệu quả tới đâu, hay chỉ mang tính hỗ trợ doanh nghiệp là chính.
Hiện tại, giá cà phê nhân ở các tỉnh Tây Nguyên rớt xuống còn 22.700 đồng/kg và khó có khả năng dừng lại, càng làm cho nông dân sốt ruột với thông tin mua tạm trữ cà phê ở mức giá nào?
Hồi cuối tháng 2, khi Vicofa chưa xác định giá sàn mua cà phê tạm trữ, ông Nguyễn Công Hoàng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), nói với TBKTSG Online, rằng cách đây vài năm khi giá nhân công, phân bón còn thấp thì Vinacafe đã mua cà phê của người dân 25.000 đồng/kg. Hiện tại, để người dân có lãi 30%, theo ông Hoàng, các doanh nghiệp phải mua ở mức giá tối thiểu 26.500- 27.000 đồng/kg, như vậy giá thành cà phê là 18.900 đồng/kg. Với mức giá sàn mua cà phê tạm trữ 23.000 đồng/kg như đang triển khai thì quy ra giá thành cà phê nhân robusta loại R2 chỉ có 16.100 đồng/kg. Với lúa gạo, việc tính toán giá thành khá bài bản. Bộ Tài chính ban hành phương pháp tính, chính quyền địa phương căn cứ theo đó mà tính ra giá thành của địa bàn mình; hoặc chí ít thì lâu nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có tính toán sơ bộ giá thành sản xuất lúa từng vụ ở ĐBSCL. Riêng cà phê thì hầu như lâu nay chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra tính toán giá thành, nếu có chỉ ở cấp độ doanh nghiệp có trồng cà phê hoặc nông dân tự tính toán công sức, vốn liếng, lời lãi cho riêng mình. Với giá nhân công, tiền phân thuốc, xăng dầu bơm tưới như hiện nay thì một số chủ trang trại cà phê ở Dak Lak mà người viết liên lạc qua điện thoại đều khẳng định giá thành cà phê, nếu hạch toán đầy đủ, phải là 25.000 đồng/kg. Cũng theo bà con nông dân, giá thành cà phê 16.100 đồng/kg như cách tính để mua tạm trữ hiện nay thì năng suất cà phê Việt Nam bình quân phải trên 6 tấn nhân/héc ta là điều không tưởng. Thực tế thì Việt Nam có 500.000 héc ta cà phê và sản lượng thu được 1 triệu tấn mỗi năm, có nghĩa năng suất bình quân 2 tấn/héc ta. Tạm trữ cho ai?Cà phê bạt ngàn ở Tây Nguyên. Việt Nam có 500.000 héc ta cà phê, phần lớn là cà phê robusta với sản lượng mỗi năm hơn 1 triệu tấn nhân, đứng đầu thế giới về robusta-Ảnh: Hồng Văn
Mục đích của tạm trữ cà phê nhân là nâng đỡ giá trong nước, vậy mà khi hay tin Vicofa triển khai mua tạm trữ cho doanh nghiệp hội viên, một cán bộ ngành nông nghiệp Dak Lak, cho rằng không đúng thời điểm, khi mà nông dân thu hoạch cà phê chính vụ tập trung vào tháng 11 và tháng 12. Do đa phần nông dân trồng cà phê thiếu vốn, nên trong sản xuất, phải ứng trước vốn của đại lý phân thuốc, xăng dầu hoặc vay ngân hàng, nên sau khi thu hoạch, phần lớn bán ngay cho các đại lý để trả nợ phân thuốc, tiền công thu hái.
“Giờ đây, người giữ cà phê là những chủ trang trại trường vốn, các đại lý và các doanh nghiệp xuất khẩu, còn nông dân nhỏ lẻ thì đâu còn giữ cà phê để Chính phủ hỗ trợ. Điều này đồng nghĩa với việc chính sách hỗ trợ qua mua tạm trữ không đến được đối tượng khó khăn nhất, mà rơi vào túi doanh nghiệp”, vị này cho hay. Ông Đặng Văn Huy, một nông dân trồng cà phê ở thôn 3, xã Cư Suê – huyện CưM’gar, Dak Lak, cho rằng Chính phủ nếu hỗ trợ ngành cà phê thì có chủ trương để các ngân hàng cho vay hỗ trợ lãi suất hoặc khoanh nợ cho người trồng cà phê thì sẽ thiết thực hơn là hỗ trợ vốn để các doanh nghiệp mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê. “Hiệu quả của việc hỗ trợ doanh nghiệp mua tạm trữ chủ yếu là các doanh nghiệp được hưởng, còn nông dân trồng cà phê thì tiếp tục đối mặt với việc các mặt hàng đầu tư cho sản xuất tiếp tục tăng và giá cà phê tiếp tục giảm, nếu ai còn giữ cà phê trong nhà mà bán cho doanh nghiệp mua tạm trữ 23.000 đồng/kg, cũng bị thua lỗ”, ông Huy cho hay. Ông Cao Đăng Dũng, một nông dân trồng cà phê, cho rằng nông dân chẳng được lợi gì khi nhà nước hỗ trợ nguồn vốn này. Vì rằng chính sách là đúng nhưng quá muộn, khi mà những hạt cà phê của nông dân lần lượt được quy ra phân bón, xăng dầu, nhân công… ngay sau thu hoạch thì làm gì còn cà phê để bán cho tới lúc này. Thậm chí có chuyên gia cà phê còn nghi ngờ chủ trương mua tạm trữ với giá 23.000 đồng/kg, phải chăng là hợp pháp hóa cho lượng cà phê tồn trong kho của các doanh nghiệp lớn đã mua cà phê để hưởng lãi suất ưu đãi của Chính phủ. Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa phát biểu với báo chí rằng thông tin Việt Nam mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê, chiếm 20% sản lượng cà phê của quốc gia xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, sẽ tác động tích cực tới giá cà phê thế giới trong vài ngày tới. Một doanh nghiệp cà phê nhỏ, bức xúc: “Tại sao một công ty lớn trong câu lạc bộ các doanh nghiệp cà phê hàng đầu Việt Nam đã ký biên bản thỏa thuận hay hợp đồng gì đó để bán cho 2 tập đoàn của Anh trong năm nay 200.000 tấn cà phê, sao không xuất tiền ra mua của nông dân mà lại nhờ hỗ trợ qua tạm trữ”.Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, tháng 10-2009, tháp tùng chuyến thăm Vương quốc Anh của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Intimex TP HCM (ông Nam cũng là Phó chủ tịch Vicofa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam) đã ký biên bản ghi nhớ về việc bán tổng cộng 200.000 tấn cà phê nhân trong mùa vụ 2009-2010 cho 2 đối tác lớn của công ty là Armajaro Trading Limited và Louis Dreyfus Trading Limited.
(Theo Hồng Văn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com