Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Việt Nam có đòi được nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột?

Một Công ty ở Quảng Đông (Trung Quốc) đã được bảo hộ độc quyền 2 nhãn hiệu "Buon Ma Thuot Coffee, 1896 và hình" và "Buon Ma Thuot và 3 chữ Trung Quốc" trên lãnh thổ nước này trong vòng 10 năm.

Chỉ dẫn địa lý Việt Nam được bảo hộ tại... Trung Quốc

Theo kết quả kiểm tra từ đối tác Trung Quốc của Công ty TNHH Tư vấn SPVN (Hà Nội), hai nhãn hiệu cà phê có chỉ dẫn địa lý Việt Nam này được cơ quan thẩm quyền Trung Quốc bảo hộ độc quyền cho một công ty có tên Công ty TNHH Buôn Ma Thuột Quảng Đông (Công ty BMT Quảng Đông).
 

Nhãn hiệu "Buôn Ma Thuot Coffee, 1896 và hình" được bảo hộ tại Trung Quốc
 
Theo đó, nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee, 1896 và hình” được công ty này nộp đơn đăng ký bảo hộ ngày 5/1/2010 và được cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu trong vòng 10 năm tính từ 14/06/2011. Nhãn hiệu “Buon Ma Thuot và 3 chữ Trung Quốc” được nộp đơn ngày 11/08/2009 và được cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu số 7611987, có hiệu lực từ ngày 14/11/2010.
 
Nhãn hiệu "Buon Ma Thuot và 3 chữ Trung Quốc"

Tại Việt Nam, chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý. Giấy chứng nhận (GCN) này có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp. Theo quy định, trên cơ sở GCN này, chủ sở hữu - UBND tỉnh Đắk Lắk - có quyền ngăn chặn các hành vi sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý này tại lãnh thổ Việt Nam đồng thời có thể ngăn chặn hành vi nhập khẩu hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý này.

Theo ông Nguyễn Phước Đại - Phó Giám đốc SPVN, điều này cũng có nghĩa Công ty BMT Quảng Đông có những quyền tương tự trên lãnh thổ Trung Quốc. Điều đáng nói, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam.

"Việc này nhiều khả năng sẽ khiến người tiêu dùng tại Trung Quốc và trên thế giới cho rằng sản phẩm mà công ty này cung cấp và mang nhãn hiệu trên bao bì là có nguồn gốc từ cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam. Khả năng nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa như vậy chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột vốn đã được biết đến rộng rãi từ lâu", ông Đại cho biết.

Cũng theo ông Đại, tác hại sẽ còn sâu rộng hơn nữa nếu Công ty này quyết định tiến hành đăng ký các nhãn hiệu trên tại nhiều nước khác, đặc biệt là các thị trường tiềm năng của Cà phê Việt Nam.

Đòi dễ hay khó?

Theo đại diện Hiệp hội Cà phê Việt Nam, việc DN Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cà phê Buôn ma Thuột, dù trên lãnh thổ Trung Quốc, là sai và chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý này (tỉnh Đắk Lắk) có thể khởi kiện để yêu cầu Công ty BMT Quảng Đông hủy bỏ việc sử dụng các nhãn hiệu này.
 
Ông Nguyễn Phước Đại thì cho rằng: căn cứ vào điều 10 Luật Nhãn hiệu Trung Quốc, các tên địa danh nước ngoài được coi là nổi tiếng, được biết đến rộng rãi trong cộng đồng thì sẽ không được sử dụng làm nhãn hiệu. Và theo điều 41 cũng của bộ luật này, các nhãn hiệu đã được đăng ký vi phạm quy định tại điều 10 sẽ bị cơ quan thẩm quyền hủy bỏ. Ngoài ra, bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào cũng có quyền yêu cầu hủy nhãn hiệu đó.
 
Theo ông Đại, việc chứng minh địa danh "Buôn Ma Thuột" được biết đến rộng rãi tại thị trường Trung Quốc, thông qua các sản phẩm cà phê mang địa danh này là rất phức tạp, tốn kém về thời gian và tiền bạc.
 
Một quy định khác được giới làm luật dẫn ra về khả năng hủy bỏ đăng ký bảo hộ này là chứng minh việc Công ty BMT Quảng Đông không sử dụng nhãn hiệu này trong thời gian 3 năm liên tiếp. Để làm theo cách này, cần phải... đợi vì đến nay các nhãn hiệu nói trên mới được bảo hộ trong ít tháng đến 1 năm.
 
Theo ông Đại, đây là một giả thiết để ngỏ trong trường hợp Công ty BMT Quảng Đông Quảng Đông đăng ký độc quyền để làm khó phía VN chứ không thực sự đưa ra sử dụng một cách nghiêm túc và lâu dài.
 
Ông Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty luật S&B thì lạc quan hơn, bởi theo ông nếu căn cứ vào điều 16 của Luật Nhãn hiệu Trung Quốc thì "việc đòi lại chỉ dẫn địa lý chỉ là vấn đề thời gian mà thôi". Cụ thể, điều 16 luật này ghi rõ (tam dịch): "Với các nhãn hiệu mang chỉ dẫn địa lý liên quan tới hàng hóa không có nguồn gốc từ địa danh được nhắc tới, gây nhầm lẫn trong công chúng về nguồn gốc thật thì đăng ký bảo hộ sẽ bị từ chối và việc sử dụng chỉ dẫn này sẽ bị cấm".
 
Mặc dù vậy, hiện khả năng khởi kiện hoặc đàm phán để hủy bỏ bảo hộ này đều chỉ là giả thiết, bởi theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) thì chưa có doanh nghiệp cà phê nào của Buôn Ma Thuột  báo cáo bị ảnh hưởng bởi việc này.
 
Tuy nhiên, Cục cũng như giới làm luật đều khuyến cáo để tránh việc quyền lợi đối với chỉ dẫn này bị thu hẹp hơn nữa xét về mặt thị trường quốc tế, các tổ chức cá nhân có liên quan nên chủ động nghiên cứu việc đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cho thương hiệu Cà phê Buôn Mê Thuột tại các quốc gia khác, đặc biệt là các thị trường lớn. Đồng thời, nên xem xét nghiêm túc khả năng khởi kiện để tránh ảnh hưởng lâu dài và sự việc phức tạp hơn như đã xảy ra đối với cà phê Trung Nguyên hay kẹo dừa Bến Tre.
 
Theo Dân trí

-------------------------------------------------------------------------

Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã về tay Trung Quốc

Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đăk Lăk đã bị đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc.
 
Hai nhãn hiệu "BUON MA THUOT & chữ Tàu" và "BUON MA THUOT COFFEE 1896 & logo" gắn liền với nhiều sản phẩm trong đó có cà phê, đã được Trung Quốc cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền cho công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd lần lượt vào ngày 14/11/2010 và 14/6/2011, tại tỉnh Quảng Đông.

Một thương hiệu khác nổi tiếng về cà phê ở Việt Nam là Đăk Lăk cũng đã bị công ty Itm Entreprises (Société Anonyme) ở Pháp đăng ký độc quyền nhãn hiệu dưới tên của mình. Chứng nhận do cơ quan Sở hữu trí tuệ Pháp cấp từ ngày 25/9/1997, được đăng ký bảo hộ ở hơn 10 quốc gia khác.

Hai nhãn hiệu "BUON MA THUOT & chữ Tàu" và "BUON MA THUOT COFFEE 1896 & logo"
được Trung Quốc cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền cho
công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd.


Giám đốc Bộ phận Sở hữu trí tuệ công ty Luật Bross & Partners, ông Lê Quang Vinh cho biết, BUON MA THUOT (hoặc DAK LAK) đều là chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và là tài sản của nhà nước, việc chủ thể nước ngoài sở hữu nó đồng nghĩa với việc tài sản của nhà nước bị rơi vào tay người khác.

Theo luật sư Vinh, việc này sẽ làm xuất hiện nguy cơ cà phê Việt Nam bị kiện hoặc bị ngăn chặn xuất khẩu ngay tại cửa khẩu biên giới các nước do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu. Về lâu dài, niềm tin của khách hàng nước ngoài đối với cà phê Việt Nam có thể suy giảm nghiêm trọng do không thể phân biệt được đâu là cà phê Buôn Ma Thuột thật và đâu là cà phê Buôn Ma Thuột giả.

“Chúng tôi đã tư vấn cho Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đăk Lăk, đánh giá khả năng thành công khá cao nếu tiến hành vụ kiện yêu cầu bỏ bảo hộ độc quyền nhãn hiệu BUON MA THUOT Trung Quốc”, ông Vinh cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam Lương Văn Tự cũng cho rằng việc doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột là sai, bởi lẽ thuộc chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Vì vậy tỉnh Đăk Lăk quản lý thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột phải kiện để yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc từ bỏ quyền sử dụng nhãn hiệu này.

Ông Tự cho rằng, vụ việc này sẽ tác động lâu dài đến xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Cục trưởng cục sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học công nghệ, Trần Việt Hùng nhận định, đây không phải là lần đầu tiên thương hiệu Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu. Trước đây kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên.... cũng gặp tình trạng tương tự và đã khởi kiện dành được phần thắng ngay tại Trung Quốc.

 
Theo VnExpress

 

  • Chấn chỉnh việc thu mua nguyên liệu
  • Cà phê Việt Nam “nhất thế giới”
  • Ngành điều nơm nớp lo thua lỗ
  • Sản lượng cà phê Việt Nam có thể rớt xuống đáy 8 năm
  • Người trồng cà phê găm hàng trước Tết
  • Cà phê VN thua trên sân nhà
  • Ngành điều ngồi chơi 3 tháng
  • Điều chỉnh giảm dự báo nhiều loại nông sản xuất khẩu
  • Phát triển càphê: Cải tạo cây giống là cấp thiết
  • Nestle rót 270 triệu USD xây nhà máy càphê ở VN
  • Tuyên Quang chấm dứt tình trạng sản xuất “chè bẩn”
  • Cà phê Việt Nam sắp có quỹ bảo hiểm xuất khẩu
  • Rùng mình chè bẩn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container