Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

2010: Dệt may vẫn chưa thể lạc quan!

Các doanh nghiệp dệt may vẫn chưa thể lạc quan về nền công nghiệp phụ trợ trong vài ba năm tới - tinkinhte.com
Các doanh nghiệp dệt may vẫn chưa thể lạc quan về nền công nghiệp phụ trợ trong vài ba năm tới - Ảnh: TL

Theo thống kê, trong vòng bốn năm qua, giá trị xuất khẩu của ngành dệt may luôn đạt từ 5-9 tỉ đô la Mỹ/năm. Tổng giá trị cao như vậy, nhưng trên thực tế các doanh nghiệp Việt Nam chỉ thu được khoảng 25-30%. Vì sao?

Đã thiếu lại còn đơn điệu

Mặc dù có khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng thích hợp để phát triển cây bông, nhưng sản phẩm bông thành phẩm trong nước vẫn không đủ cung cấp cho nhu cầu ngành dệt. Đã thế, các nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành may cũng yếu kém nên mỗi năm ngành dệt may trong nước vẫn phải nhập tới 70% nguyên liệu từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan...

Cụ thể, hiện nay để bảo đảm sản xuất, các doanh nghiệp cần nhập khẩu đến 95% xơ bông, 70% sợi tổng hợp, 40% sợi xơ ngắn, 40% vải dệt kim và 60% vải dệt thoi. Tính về giá trị, mỗi năm các doanh nghiệp dệt may phải nhập khẩu nguồn nguyên phụ liệu lên tới 2,5-4 tỉ đô la.

Chẳng hạn năm 2009, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt khoảng 9 tỉ đô la, nhưng giá trị nhập khẩu bông đã gần 400 triệu đô la, sợi cỡ 800 triệu đô la, vải 4,2 tỉ đô la. Đó là chưa kể gần 2 tỉ đô la phụ liệu nhập khẩu được tính chung cho cả hai ngành dệt may và da giày cũng như 2,8 tỉ đô la chất dẻo nguyên liệu để làm nguyên liệu sản xuất xơ, sợi tổng hợp.

Theo một số doanh nghiệp, không chỉ thiếu mà chất lượng nguyên phụ liệu trong nước cũng rất kém, mẫu mã thì đơn điệu. Một số doanh nghiệp như Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) do muốn đảm bảo chất lượng hàng may xuất khẩu nên đã đầu tư làm hàng dệt, song do chất lượng bông trong nước quá kém nên phần lớn sợi bông vẫn phải nhập từ Thái Lan, Nhật.

Còn theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dù các doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực sản xuất nguyên phụ liệu, nhưng do mẫu mã quá đơn điệu nên sản phẩm làm ra bị lép vế hoàn toàn so với hàng nhập khẩu. Ông Ân kể, có lần qua Hồng Kông thấy dù chỉ là sợi ruy băng viền đồ lót thôi mà đã có đến hàng ngàn loại, còn ở trong nước chỉ có vài ba loại.

Mục tiêu không dễ

Để phát triển ngành dệt may Việt Nam, đầu năm 2008  Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, toàn ngành sẽ phấn đấu đạt doanh thu khoảng 14,8 tỉ đô la vào năm 2010, tăng lên 22,5 tỉ đô la vào năm 2015 và đạt mức 31 tỉ đô la vào năm 2020. Giai đoạn 2008-2010, ngành dệt may đặt ra mức tăng trưởng sản xuất hàng năm 16-18%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 20%. Giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng sản xuất hàng năm ở mức 12-14%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 15%. 

Để thực hiện mục tiêu nói trên, Bộ Công Thương và tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự kiến tăng diện tích trồng bông lên 150.000 héc ta để có được 80.000 tấn bông xơ, đáp ứng 50% nhu cầu công nghiệp dệt may trong nước vào năm 2010 và 60% vào năm 2015. Muốn vậy, trong thời gian tới, bản thân Vinatex và các doanh nghiệp phải đầu tư khoảng 6.500 tỉ đồng để trồng bông vải và sản xuất xơ sợi tổng hợp.

Mục tiêu đề ra là vậy, nhưng nhìn vào thực tế mới thấy không dễ dàng chút nào. Bởi theo các chuyên gia, đầu tư sản xuất nguyên liệu, dệt vải, nhuộm, hoàn tất cần số vốn rất lớn nên khó có thể trông chờ vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước mà chỉ có thể do các doanh nghiệp lớn hoặc các nhà đầu tư nước ngoài đảm trách.

Tuy nhiên, một lãnh đạo của Vinatex cho biết, chỉ riêng lĩnh vực nhuộm hoàn tất vải cũng không dễ tìm đối tác liên doanh bởi các nước không muốn mang công nghệ này ra nước ngoài, nếu có thì họ cũng chỉ đầu tư theo phương thức 100% vốn của họ. Vì vậy, sẽ khó có nhà máy nhuộm hoàn tất nào được khởi công ở Việt Nam trong năm 2010.

Trong khi đó, để đầu tư nhà máy nhuộm, vấn đề nan giải hiện nay là việc xử lý nước thải. Các nhà máy xử lý nước thải ở các khu công nghiệp dệt may hiện có không kiếm đâu ra đủ đất để mở rộng công suất. Trong khi đó, việc tìm kiếm địa điểm mới cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên do là nhiều địa phương sợ ô nhiễm môi trường nên không chịu cấp phép đầu tư.

Đơn cử tại Đồng Nai, cho dù nhà máy xử lý nước thải trị giá khoảng 45 tỉ đồng tại khu công nghiệp Nhơn Trạch của Vinatex sắp đi vào hoạt động nhưng khi Công ty Dệt Đông Á, thành viên của Vinatex, xin đầu tư nhà máy nhuộm cũng ngay tại khu công nghiệp này thì chính quyền tỉnh từ chối...

Về phía mình, nhằm khắc phục khó khăn nói trên, bên cạnh việc xây dựng trung tâm sản xuất nguyên phụ liệu tại Hưng Yên, tháng 4-2009 Vinatex đã phối hợp với tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xây dựng nhà máy sản xuất xơ, sợi tổng hợp tại Đình Vũ (Hải Phòng) với tổng mức đầu tư 324,85 triệu đô la, công suất 500 tấn xơ sợi/ngày. Tuy nhiên, khi dự án đang tiến hành thì gặp trục trặc về chuyện góp vốn giữa hai bên.

Vì những nguyên nhân đó, các doanh nghiệp dệt may vẫn chưa thể lạc quan về nền công nghiệp phụ trợ trong vài ba năm tới.

(Theo Lê Hà // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Xuất khẩu da giày: đơn hàng không thiếu nhưng giá thấp
  • Gía bông sẽ tiếp tục tăng trong năm 2010
  • Phát triển thời trang nội địa: Liên kết mở rộng kênh bán lẻ
  • Phần Lan ủng hộ giày mũ da của Việt Nam
  • Đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng tạo đột phá cho dệt may
  • Xuất khẩu cá tra hồi phục
  • Ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 5 tỷ USD năm 2010
  • Năm 2010, ngành dệt - may phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container