Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển thời trang nội địa: Liên kết mở rộng kênh bán lẻ

Xây dựng và mở rộng kênh phân phối, bán lẻ là con đường tất yếu để tiếp cận người tiêu dùng. Trước sức ép cạnh tranh toàn cầu, khi mà các tập đoàn đa quốc gia dường như đã xây dựng và định hình xong kênh phân phối tại thị trường Việt Nam thì các doanh nghiệp (DN) trong nước mới nhận thấy mối lo và bắt đầu xây dựng. Tuy nhiên, trễ còn hơn không! Động thái liên kết tham gia vào chuỗi cửa hàng bán lẻ của một nhóm DN đang được đánh giá là xu hướng tích cực hiện nay. Ngay cả những DN là “đối thủ” cạnh tranh của nhau cũng nhận ra lợi thế này và cùng hợp tác. Sự liên kết này không chỉ nhằm chia sẻ “gánh nặng” thuê mặt bằng mà còn là quyết tâm phát triển ngành thời trang trong nước.

Bài toán mặt bằng!

Có thể nói, chưa bao giờ giá thuê mặt bằng nhà tại TPHCM lại tăng chóng mặt như hiện nay. Đây là một gánh nặng chi phí đầu vào đối với các DN kinh doanh dịch vụ và có hệ thống cửa hàng bán lẻ như mặt hàng thời trang. Nhiều DN còn cho rằng, chỉ có những DN lớn mới đủ sức để “đua” trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về mặt bằng hiện nay. Một mặt bằng đủ rộng để tạo bắt mắt như một showroom nho nhỏ, giá thuê không dưới 3.000 USD/tháng.

Khách chọn mua hàng tại chuỗi cửa hàng liên kết bán lẻ thời trang đầu tiên của 2 nhãn hàng Sanding và Gidini. Ảnh: MỸ HẠNH

Với mặt bằng nhà phố, thấp nhất cũng mất 15 triệu đồng/tháng. Đây là một trong những lý do làm DN thời trang ngại, không dám mạo hiểm mở rộng hệ thống bán lẻ của mình. Bà Dương Thị Ngọc Dung, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Nhà Bè (NBC) chia sẻ, chi phí mặt bằng, phát triển thương hiệu là khá lớn, vì thế việc phát triển thời trang nội địa sẽ không dễ như nhiều DN nghĩ.

Một trong những khó khăn lớn của DN kinh doanh hàng thời trang là phải chấp nhận việc tồn kho. Nếu không tính cho đường dài thì “lời giả - lỗ thật” là điều chắc chắn! Với lợi thế của thương hiệu May Nhà Bè đã mạnh dạn đầu tư 20 tỷ đồng để xây dựng thương hiệu NBC (thương hiệu chuẩn, được bảo hộ và đăng ký toàn cầu thay Nhabeco trước đây). May Nhà Bè đã và đang đầu tư mở rộng hệ thống phân phối, bán lẻ trên toàn quốc và XK các nhãn hiệu thời trang NBC.

Cùng với xu hướng này, các DN chủ yếu làm hàng xuất khẩu trong hệ thống của Tổng Công ty Dệt may Gia Định (Giditex) cũng từng bước quay về thị trường nội địa, phát triển hệ thống bán lẻ thời trang trong nước. Giditex vừa đưa vào hoạt động chuỗi cửa hàng liên kết bán lẻ hàng thời trang, dệt may đầu tiên tại quận Bình Thạnh, với 2 nhãn hiệu thời trang Sanding của Công ty CP May Sài Gòn 2 và Gidini của Công ty Dệt may Gia Định.

Việc liên kết này sẽ giúp DN bớt chi phí mặt bằng trong việc mở rộng mạng lưới bán lẻ, xây dựng thương hiệu của mình. Thật sự, DN không sợ cạnh tranh khi cùng tham gia vào một cửa hàng, mỗi nhãn hiệu phục vụ một phân khúc khách hàng. Hơn nữa, nhiều mặt hàng của nhiều DN sẽ tạo ra sự đa dạng, phong phú mẫu mã, kiểu dáng, phục vụ được nhiều đối tượng, lứa tuổi. Cả gia đình, bố mẹ và con cái đều có thể tìm mua được sản phẩm thời trang ở một nơi, đây là một ưu điểm, ông Nguyễn Hữu Toàn, Giám đốc hãng thời trang Sanding, nhận định.

Để thực hiện tốt chương trình quốc gia “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển thời trang nội địa và tiếp tục triển khai chương trình phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ phục vụ người tiêu dùng trong nước, ông Lê Đông Triều, Tổng Giám đốc Giditex cho biết, thời gian tới Giditex sẽ phát triển thêm nhiều cửa hàng bán lẻ sản phẩm dệt may với sự tham gia, liên kết của nhiều đơn vị trong và ngoài hệ thống như Gidini, Sanding, Garmex, Phong Phú…

Làm chủ thị trường nội địa?

Trước sự lấn sân ồ ạt của hàng từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, thì việc đẩy mạnh phát triển thời trang nội địa là điều không thể chậm trễ! Sự lo lắng không thừa, vì thực tế hiện nay, hàng giá rẻ từ Trung Quốc mới chỉ đi qua bằng đường “tiểu ngạch” mà dường như đã thao túng cả thị trường tiêu thụ hàng thời trang tại Việt Nam. Nhiều người lo rằng, nếu đi bằng đường chính ngạch thì tác động của nó sẽ như thế nào.

Nhất là khi hiệp định tự do thương mại giữa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) vừa có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Việt Nam và các nước Lào, Campuchia, Myanmar sẽ tham gia vào năm 2015. Dù Việt Nam chưa tham gia thực hiện hiệp định trên nhưng không vì thế mà hàng Trung Quốc hạn chế cơ hội vào Việt Nam. Nhiều khả năng, hàng Trung Quốc sẽ vào Việt Nam qua “mác” của Thái Lan.

Nói như vậy để thấy rằng, ngành thời trang Việt Nam sẽ có thêm 5 năm  để định hướng phát triển và tìm được chỗ đứng tại thị trường nội địa. Đây là một khoảng thời gian tương đối, đủ để các DN xây dựng được thương hiệu và mở rộng thêm hệ thống phân phối trong nước. Vì hệ thống phân phối, bán lẻ là 1 trong 4 khâu quan trọng để hình thành và phát triển một thương hiệu thời trang, cùng với thiết kế sản phẩm, marketing - quảng bá sản phẩm, tổ chức sản xuất.

Có được thương hiệu trong và ngoài nước thì chắn chắn giá trị mang lại của hàng dệt may Việt Nam không còn là vài cent/sản phẩm như việc gia công cho các nhãn hiệu thời trang của nước ngoài hiện nay. Hơn ai hết, các DN chuyên sản xuất hàng dệt may xuất khẩu nhận thấy giá trị này. Việc quay trở về làm hàng thời trang nội địa vẫn còn lắm gian nan.

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của thị trường với 86 triệu dân đang là cơ hội rất lớn. Cùng với đó, xu hướng liên kết, hợp lực của từng nhóm DN trong việc mở rộng chuỗi cửa hàng là một dấu hiệu tích cực để hàng thời trang Việt Nam tiếp cận sâu hơn tới người tiêu dùng. Hàng dệt may Việt Nam – một nước xuất khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới, sẽ làm chủ thị trường nội địa?

(Theo MỸ HẠNH // SGGP online)

  • Phần Lan ủng hộ giày mũ da của Việt Nam
  • Đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng tạo đột phá cho dệt may
  • Xuất khẩu cá tra hồi phục
  • Ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 5 tỷ USD năm 2010
  • Năm 2010, ngành dệt - may phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD
  • Ông Lê Quốc Ân: “Cần quyết liệt dựng chuẩn với sản phẩm nhập khẩu”
  • Năm 2010: vẫn còn cơ hội cho ngành dệt may xuất khẩu
  • Thách thức mới cho ngành da giày Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container