Ngành dệt may đang vừa phải tìm cách duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu, vừa phải cố gắng giữ việc làm cho hơn 2 triệu lao động.
Theo báo cáo sơ bộ của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), đến thời điểm này, toàn ngành dệt may đã có trên 10.000 lao động bị mất việc làm. Do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng giảm, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may chưa ký kết được đơn hàng xuất khẩu, nên khả năng cắt giảm nhân công được dự báo còn tiếp tục tăng.
Thực tế này đang là sức ép lớn với ngành khi vừa phải tìm cách duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế suy thoái, vừa cố gắng giữ việc làm cho hơn 2 triệu lao động.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, ngành dệt may trong năm 2009 phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tổng cầu hàng dệt may trên thế giới dự kiến giảm 15%, do đó, các DN sẽ phải nỗ lực rất lớn mới có thể hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 9,2 đến 9,5 tỷ USD.
Như thông lệ, vào quý III và quý IV hàng năm, các DN đã nhận được đơn hàng cho quý I và II năm sau. Song năm nay tình hình đã khác, khi đến giữa quý I/2009, chỉ DN có thương hiệu như May 10, Scavy, Việt Tiến, Phương Đông, Phong Phú... có quan hệ truyền thống với khách hàng lớn còn có đủ đơn hàng.
Nhiều DN nhỏ và vừa không ký được các đơn hàng mới, buộc phải tạm dừng sản xuất. Đặc biệt, một số DN có 100% vốn của Hàn Quốc, Đài Loan và DN nhỏ và vừa tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đã đóng cửa và bỏ nhà máy khiến cho VITAS đang phải cùng với các tỉnh này giải quyết số lao động mất việc do các DN này bỏ lại.
Tình hình trở nên đáng ngại hơn với một số DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài chuyên xuất khẩu hàng sang thị trường Mỹ, vốn chiếm đến 55% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Do nhu cầu tiêu dùng của thị trường Mỹ giảm, nên các DN này buộc phải giảm giờ làm. Nhiều nhà máy dệt và kéo sợi chỉ còn làm 2 ca hoặc 2 ca rưỡi, một bộ phận nhỏ công nhân phải nghỉ việc, 30% DN đã phải giảm giờ làm, giảm thu nhập...
Những thị trường nhập khẩu phần lớn hàng dệt may Việt Nam đang giảm sút nhu cầu nhập khẩu, có khách hàng giảm tới 30-50% đơn hàng so với năm trước. Tình hình này nếu không được cải thiện, dự báo, trong thời gian tới sẽ có một số DN nhỏ và vừa phải giảm năng lực sản xuất từ 30% đến 50%, thậm chí đóng cửa nhà máy.
Đại diện một DN (xin giấu tên) tại Hải Phòng chuyên sản xuất và xuất khẩu hàng đi Mỹ và EU cho biết, do không ký được đơn hàng, DN này đã phải dừng một dây chuyền sản xuất và cho 300 công nhân nghỉ việc. Điều đáng nói là, dây chuyền sản xuất này vừa được đầu tư mới cách đây hơn 2 năm với số tiền vài chục tỷ đồng. Nếu trong thời gian tới, tình hình không được cải thiện, nhà máy sẽ phải dừng tiếp dây chuyền còn lại.
Những diễn biến không thuận trên thị trường thế giới đã tác động trực tiếp tới các DN dệt may vốn có đặc thù sử dụng nhiều lao động. Ông Trường cho biết, trong năm 2009, ngành dệt may phải đóng vai trò trọng tâm về giải quyết việc làm, giảm thiểu tối đa tình trạng thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội...
Tuy nhiên, để hoàn thành trọng trách này là điều hoàn toàn không đơn giản, đòi hỏi sự liên kết mạnh mẽ giữa các DN trong ngành. Bởi vậy, để duy trì hoạt động của các DN trong giai đoạn này, Vinatex khuyến cáo các DN, trong ngắn hạn chấp nhận làm đơn hàng gia công, hạn chế làm hàng theo phương thức FOB để bảo toàn DN.
“Trong hình thức gia công thì bản thân khách hàng nước ngoài bỏ vốn vào để mua nguyên phụ liệu, DN Việt Nam chỉ làm gia công, vừa tạo được công ăn việc làm cho người lao động. Cũng bằng cách tính toán này mà trong khi các quốc gia xuất khẩu dệt may trong năm 2008 đều tăng trưởng âm, thì ngành dệt may Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 17%”, ông Trường nói.
Hy vọng, trong khó khăn, ngành dệt may sẽ tìm được những giải pháp căn cơ để giải bài toán hóc búa trên.
(Theo báo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com