Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Công nghiệp may Nam Ðịnh tìm hướng phát triển ổn định

Dây chuyền sản xuất Công ty cổ phần
may xuất khẩu Nam Định.
Sản xuất đình trệ, tình trạng người lao động thiếu việc làm diễn ra ở một số doanh nghiệp may trong cả nước.

 
Tuy nhiên, tại tỉnh Nam Ðịnh các doanh nghiệp ở địa phương đã biết cách khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, đời sống người lao động từng bước ổn định.


Tìm lời giải cho bài toán của ngành may là từng bước ổn định sản xuất, tạo việc làm ổn đinh cho người lao động, chúng tôi có buổi làm việc với Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần may Sông Hồng Phạm Văn Dương. Ở Nam Ðịnh, đây là một trong những Công ty có bề dày truyền thống, đang thu hút 6.200 lao động may làm việc tại ba khu sản xuất ở TP Nam Ðịnh và huyện Xuân Trường.

 

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Phó Tổng giám đốc cho biết, năm 2008 Công ty gặp nhiều bất lợi bởi tỷ trọng hàng may mặc xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ. Khi sức mua giảm sút thì sự cạnh tranh để tìm kiếm đơn đặt hàng và khách hàng lại càng quyết liệt hơn. Tình thế đó bắt buộc doanh nghiệp phải tính toán thật kỹ để điều chỉnh lại chiến lược sản xuất và kinh doanh, cấu trúc lại cơ cấu vốn, cơ cấu nhân lực, cơ cấu sản phẩm, thị trường và khách hàng, đặc biệt tiết kiệm các chi phí tới mức tối đa, giảm lợi nhuận để cạnh tranh về giá.

 

Từ nhận thức này, Công ty Cổ phần may Sông Hồng có sự chuyển đổi kịp thời từ thị trường Mỹ sang thị trường châu Âu và Nhật Bản, bởi vì thị trường này đang có sự ổn định về nhu cầu hàng may mặc của các nước châu Á. Bên cạnh đó, việc khẳng định được uy tín từ các năm trước trong tiến độ giao hàng, giá cả cạnh tranh, dây chuyền sản xuất hiện đại, đồng bộ cộng với quản lý sản xuất bài bản nên sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng là lợi thế lớn của may Sông Hồng trong cuộc đua thu hút đơn đặt hàng và khách hàng ở những thị trường mới, nhiều tiềm năng. Do đơn đặt hàng dồi dào nên ngay từ đầu năm đến nay, Công ty đã xuất khẩu được 2,8 triệu sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu đạt 23 triệu đô-la, so với cùng kỳ năm ngoái mức tăng trưởng trên 70%.

 

Hiện nay, đơn đặt hàng xuất khẩu quần áo may mặc đã được ký kết bảo đảm việc làm cho công nhân đến cuối năm. Khi đã có được thị trường ổn định, ban lãnh đạo Công ty tiếp tục triển khai việc đa dạng hóa sản phẩm, trước chủ yếu là dệt thoi, nay làm cả dệt kim đồng thời liên tục rút kinh nghiệm trong sản xuất, phát huy sáng kiến, tổ chức luyện tay nghề, thi thợ giỏi để giảm thời gian làm sản phẩm, nâng cao năng suất, từ đó hạ giá thành sản phẩm để có tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường xuất khẩu. Trong thời điểm khó khăn hiện nay, Công ty có giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm đời sống người lao động như hỗ trợ 70% tiền thuê nhà trọ, xét ưu đãi 100 nghìn đồng tiền xăng xe/tháng cho một lao động có xe máy, ở xa nơi làm việc để phần nào giúp người công nhân yên tâm làm việc.

 

Với hướng đi này, nhiều doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh đã khắc phục khó khăn chung bằng sự liên kết, chia sẻ hợp đồng cho bạn hàng để cùng phát triển ổn định, bên vững. Ở Công ty Cổ phần may Nam Ðịnh, hiện nay cũng đã giảm tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ 90% xuống còn 60% để chuyển sang thị trường mới châu Âu (Anh, Pháp) và thị trường Nhật Bản. Tất nhiên, đơn giá sản xuất có giảm so với trước từ 10 đến 15% nhưng mục tiêu nhất quán của Công ty là làm sao bảo đảm được việc làm cho hơn hai nghìn công nhân may.

 

Lãnh đạo Công ty chia sẻ với chúng tôi, nền tảng của đơn vị là doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang Công ty Cổ phần nên dù sao vẫn có "nội lực" từ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, cộng với đối tác truyền thống đã có từ vài chục năm nay nên trong bối cảnh này có sự chia sẻ khó khăn, hai bên cùng hợp tác và cùng có lợi. Vì thế, mặc dù chưa hết quý 1-2009, kim ngạch xuất khẩu của may Nam Ðịnh vẫn đạt con số hơn bảy triệu đô-la, tăng 5% so cùng kỳ, lương công nhân bình quân đảm bảo 1,8 triệu đồng.

 

Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn chung, nhưng từ đầu năm đến nay Công ty vẫn tiếp tục tuyển, nhận vào làm việc hơn 150 lao động theo quy trình nếu có bằng trung cấp hoặc cao đẳng may sẽ tuyển dụng ngay, những lao động chưa có tay nghề sẽ được đào tạo theo yêu cầu của công ty trong thời gian ba tháng, sau đó kiểm tra tay nghề nếu đạt ký hợp đồng dài hạn và hỗ trợ đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo đúng quy định.

 

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Quốc Hùng, toàn tỉnh hiện có 36 doanh nghiệp may đang thu hút hơn năm vạn công nhân. Các doanh nghiệp may tập trung nhiều nhất tại địa bàn TP Nam Ðịnh: 17 doanh nghiệp, còn lại nằm rải rác ở nhiều vùng nông thôn như Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh, Nam Trực. Giải thích tại sao công nghiệp may của tỉnh vẫn phát triển ổn định trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, ông Hùng cho biết thêm: Nam Ðịnh là trung tâm công nghiệp dệt may lớn nên hầu hết các doanh nghiệp đều có bề dày truyền thống sản xuất, khẳng định được thương hiệu. Mặt khác, trong nhiều năm trước đây các đơn vị đầu tư dây chuyền may hiện đại, đồng bộ cộng với quản lý bài bản nên sản phẩm chất lượng khá, đáp ứng tiến độ giao hàng, giá cả cạnh tranh. Yếu tố không kém phần quan trọng là mối liên hệ khăng  khít giữa các doanh nghiệp trên địa bàn đã tạo điều kiện hỗ trợ  nhau về thị trường, thậm chí san sẻ cả việc làm.

 

Mặc dù ở Nam Ðịnh chưa hình thành Hiệp hội ngành may nhưng các quan hệ thực chất, đồng thuận trong lúc khó khăn về chia sẻ thị trường đã khẳng định sự ổn định sản xuất, đồng nghĩa với việc không có xáo trộn về nguồn nhân lực may. Ðến thời điểm này, tất cả các doanh nghiệp may Nam Ðịnh đều áp dụng hệ thống thương mại điện tử nên thuận lợi trong việc tìm thị trường, đặc biệt là quảng bá, giới thiệu, chào hàng ra thị trường châu Âu và Nhật Bản. Khó khăn chưa phải là đã hết nhưng để từng bước ổn định sản xuất, đời sống cho người lao động, các doanh nghiệp may ở Nam Ðịnh ý thức rằng, phải luôn tự đổi mới chính mình, không ngừng học hỏi vươn lên làm chủ kỹ thuật, công nghệ, giải quyết tốt công tác thị trường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hợp tác sản xuất theo phương thức "Liên kết, chung sức, hỗ trợ, chia sẻ cùng vượt qua khó khăn, phát triển bền vững" để cùng các doanh nghiệp trong địa bàn giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm đời sống người dân ổn định.

 

( Theo báo điện tử Nhân dân)

  • Ấn Ðộ áp thuế chống phá giá sợi, vải nhập khẩu từ Việt Nam
  • Giúp nhau khi “ăn đong” đơn hàng
  • Thái Lan chuyển hướng trọng tâm XK giày dép sang thị trường EU
  • Trung Quốc: tăng mức giảm thuế cho da nhân tạo lên 16%
  • Bắt tay hợp tác: Giải pháp của thời khủng hoảng
  • Ấn Độ áp thuế chống bán phá giá vải sợi từ VN
  • Thị trường giày dép Nga sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2009
  • Bồ Đào Nha hỗ trợ xuất khẩu hàng dệt may và giày dép
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container