Theo Vitas, hiện tại, đơn hàng xuất khẩu cho năm 2010 đã được nhiều doanh nghiệp ký xong và đang nỗ lực thực hiện để giao hàng đúng hẹn. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp đã ký được đơn hàng cho năm 2011, với số lượng ổn định từ các nhà nhập khẩu.
Công ty Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên), công ty chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang Mỹ và EU cho biết, không chỉ ký được đơn hàng xuất khẩu hết năm 2010, doanh nghiệp còn ký được hợp đồng nguyên tắc cho năm 2011, với tổng giá trị hợp đồng lên tới 45 triệu USD.
Hợp đồng nguyên tắc cho năm 2011 mà TNG ký được chủ yếu với các khách hàng lớn như Columbia Sportswear, The Children’s Place, Amerex, Hansae, JC Penney – những tập đoàn bán lẻ hàng may mặc lớn nhất của Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Thời, Giám đốc TNG cho rằng, động lực chính giúp TNG đẩy mạnh việc ký kết đơn hàng xuất khẩu trong năm 2011 với các hãng lớn trên thế giới là việc Nhà máy Phú Bình sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2011. Nhà máy sẽ sử dụng khoảng 4.000 công nhân, với 64 dây chuyền may, góp phần đáng kể vào việc nâng tổng công suất của Công ty.
Không chỉ TNG, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến cũng đang đàm phán với đối tác về đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2011, với giá trị khoảng 100 triệu USD.
Theo giải thích của ông Sơn, những doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn thường có nhiều ưu thế trong việc tiếp nhận đơn hàng, bởi các nhà nhập khẩu lớn như Wal-Mart, JC Penny Corporation, K Mart Corporation, Target Corporation, Union Bay… thường có xu hướng lựa chọn các nhà cung cấp có uy tín để đặt hàng với số lượng nhất định từ năm trước.
Thuận lợi về đơn hàng xuất khẩu đang tạo cho ngành dệt may nhiều cơ hội hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu trong năm nay và chỉ tiêu tăng trưởng trong những năm tới theo lộ trình đề ra. Tuy nhiên, vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, vừa đảm bảo được chất lượng tăng trưởng lại là việc không dễ đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu và chi phí lao động tăng cao hiện nay.
Ông Sơn thừa nhận, tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may trong 7 tháng đầu năm nay ở mức 17% là rất đáng mừng, nhưng chưa bền vững, vì ngành còn khó về nhân lực và chưa chủ động được nguồn nguyên phụ liệu – hai yếu tố tạo nên chất lượng tăng trưởng.
Đánh giá tình hình xuất khẩu dệt may, Vitas cho biết, xuất khẩu đang thuận lợi, với kim ngạch xuất khẩu tính đến giữa tháng 8/2010 ước đạt trên 6,3 tỷ USD, đồng thời dự báo, với tình hình đơn hàng như hiện nay, ngành dệt may hoàn toàn có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, Vitas cũng khuyến cáo các doanh nghiệp phải giải bài toán chi phí sản xuất tăng cao và khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, đồng thời đưa ra một số giải pháp để các doanh nghiệp tham khảo, trong đó có việc nghiên cứu áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tinh gọn để giảm áp lực về lao động.
(Theo (Theo // Báo đầu tư) // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com