Nguyên liệu trong nước hiện nay chưa đáp ứng được chất lượng cũng như sản lượng |
Hiện nay, giày da và may mặc là hai ngành phát triển mạnh ở VN và có kim ngạch xuất khẩu khá cao. Tuy nhiên, do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, các DN may mặc, giày da trong nước vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu ngoại nhập. Đây chính là yếu tố khiến các DN bị “cột chân”, không thể tiến nhanh hơn như kỳ vọng vì khó cạnh tranh.
Nhiều năm trước, vấn đề phát triển các KCN hỗ trợ nhằm cung ứng nguyên phụ liệu cho các ngành giày da, túi xách và may mặc đã được các DN và hiệp hội bàn thảo rất nhiều. Tuy nhiên, cho đến nay, ngành công nghiệp hỗ trợ của ngành này vẫn phát triển ì ạch và DN sản xuất vẫn phải lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu.
Da: nguyên phụ liệu nội giá cao
Sản xuất giày da xuất khẩu là một trong những ngành khá mạnh của VN với kim ngạch hàng năm lên đến 4 - 5 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết, do phần lớn nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc... nên giá trị hàng giày da gia công còn thấp và lợi nhuận không cao. Về vấn đề này, ông Trần Dục Dân - Giám đốc Cty cổ phần giày dép cao su màu, phân tích: "Ngành công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất giày da trong nước, theo tôi, có một số điểm yếu như: giá cao hơn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc (khoảng 10%); mẫu mã, màu sắc không đa dạng; các DN thiếu tập trung và quá ít thông tin bởi có khi DN sản xuất nguyên phụ liệu ở ngay gần chúng tôi cũng không biết. Trong khi đó, bên Trung Quốc có hẳn những vùng cung ứng nguyên phụ liệu rộng lớn, đa dạng cho từng ngành nghề sản xuất mà khi DN cần có thể đến lấy ngay được hàng". Được biết, hiện tại cao su màu đang phải nhập khẩu khoảng 40% nguyên phụ liệu với kim ngạch khoảng 700.000 - 800.000 USD/năm.
Không chỉ làm hàng xuất khẩu mà hàng tiêu thụ trong nước cũng gặp không ít khó khăn về nguyên phụ liệu da. Giám đốc một DN tư nhân sản xuất giày dép bán tại TP. Biên Hòa cũng cho biết, 80% số lượng nguyên phụ liệu sản xuất giày dép của DN là nhập từ Indonesia và Trung Quốc. Vị giám đốc này nói: "Nguyên phụ liệu ở trong nước cũng có nhưng giá khá cao, tương đương với hàng nhập khẩu, trong khi đó chất lượng lại thua". Ông Nguyễn Trí Kiên - Giám đốc Cty may túi xách Minh Tiến, cũng cho hay, Cty phải nhập khẩu thường xuyên khoảng trên 50% nguyên phụ liệu may túi xách. Các loại hàng thông thường được nhập từ Trung Quốc, một số cao cấp thì nhập từ Hàn Quốc.
Vải: sản phẩm đơn điệu
Ngành may mặc cũng không khác mấy ngành sản xuất đồ da, các DN cũng đều phải chung cảnh đi tìm nguyên liệu từ nước ngoài. Cụ thể, mỗi năm Xí nghiệp may Đồng Nai (Donamay, thuộc Cty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai) phải nhập khoảng 2 triệu USD nguyên liệu từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan, chiếm 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng của xí nghiệp. Theo Phó giám đốc Donamay Nguyễn Thị Bích Liên, sản phẩm nguyên liệu cho ngành may mặc sản xuất trong nước còn đơn điệu chưa đáp ứng được nhu cầu. "Chúng tôi làm hàng xuất khẩu một số loại vải theo yêu cầu của khách hàng thì trong nước không có. Những sản phẩm có trong nước thì phải đi tìm rất mất thời gian và giá cũng không rẻ hơn hàng nhập. Gần 100% số nguyên liệu sản xuất hàng năm của chúng tôi là nhập khẩu" - Bà Liên nói.
Ông Bùi Thế Kích - Tổng giám đốc Cty cổ phần TCty may Đồng Nai (Donagamex), chia sẻ: "Nguyên liệu của ngành may mặc khi phải nhập từ nước ngoài sẽ có hai vấn đề bất lợi, đó là: DN không chủ động được thời gian và phải thêm chi phí cho việc kiểm soát chất lượng. Trong khi đó nguyên liệu trong nước hiện nay chưa thay thế được do không đáp ứng nổi chất lượng cũng như sản lượng. Đặt mua những đơn hàng lớn ở trong nước là rất khó khăn". Ông Kích cũng cho biết thêm, nguyên liệu nhập khẩu của Donagamex hàng năm chiếm tới 40% giá trị sản phẩm.
Rõ ràng, khi công nghiệp hỗ trợ cho các ngành may mặc, giày da chưa đáp ứng thì các DN sản xuất khó có thể gia tăng được giá trị hàng hóa của mình để tăng lợi nhuận.
(Theo Vi Nam // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com