Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gia công đến bao giờ?

Đến nay, ngành dệt may của Việt Nam vẫn chủ yếu là làm hàng gia công cho nước ngoài. Ảnh: Lê Toàn

Công ty TNHH Liên Anh, nhà đầu tư trung tâm nguyên phụ liệu dệt may - da giày lớn nhất Việt Nam, đang lo lắng trong việc kêu gọi các nhà sản xuất vào đây kinh doanh. Trong khi đó các địa phương đang né tránh các dự án đầu tư vào hai ngành dệt may và da giày. Thực trạng này cho thấy tình hình khó khăn trong việc phát triển hai ngành công nghiệp được xem là chủ lực của Việt Nam.

Từ trường hợp của Liên Anh


Trung tâm nguyên phụ liệu ngành da giày và dệt may đã khai trương hoạt động tại huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương hôm 18-5, nhưng theo Công ty Liên Anh còn quá nhiều khó khăn trước mắt để hình thành “chợ” nguyên phụ liệu cho hai ngành này.

Hơn hai năm nghiên cứu, phát triển và hình thành một trung tâm nguyên phụ liệu với giai đoạn 1 có diện tích rộng 8,5 héc ta gồm đầy đủ các chức năng như kho nội địa; kho ngoại quan; khu văn phòng làm việc, phòng hội nghị và chợ nguyên phụ liệu...

Thế nhưng gần đến ngày hoạt động, Liên Anh chỉ mới có 5-7 khách hàng đăng ký thuê gian hàng. Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó giám đốc Công ty Liên Anh, lo lắng với tình trạng quá ít doanh nghiệp tham gia, có nguy cơ những doanh nghiệp đã đăng ký sẽ cảm thấy “buồn tẻ” và lần lượt ra đi.

Trường hợp này cũng diễn ra ở một trung tâm ra đời trước đó. Điểm nhấn của trung tâm này là chợ nguyên phụ liệu với 650 gian hàng chuẩn (9 mét vuông/gian). Nhưng trên thực tế, sau hơn hai năm vận động, thuyết phục, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào kinh doanh, chỉ mới có 50 gian hàng tại đây được thuê. “Kết quả này quá thấp so với mong đợi của chúng tôi”, bà Liên than thở. Và theo bà, khó khăn này một phần do thời điểm ra đời của trung tâm không thuận lợi, nhưng nguyên nhân chính không nằm ở đó.

Theo phân tích của bà Liên, trung tâm nguyên phụ liệu này nằm ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, tức là nằm ngay trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa vì nơi đây tập trung rất nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, trong đó doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may và da giày khá đông.

Cụ thể tại TPHCM có gần 450 công ty hoạt động sản xuất trong lĩnh vực dệt may và da giày, Bình Dương có 210 doanh nghiệp, Đồng Nai có gần 170 doanh nghiệp, Long An có 18 doanh nghiệp, Bà Rịa - Vũng Tàu có 14 doanh nghiệp, Tiền Giang có 15 doanh nghiệp và tỉnh Tây Ninh có 13 doanh nghiệp. Với số doanh nghiệp dệt may và da giày như vậy thì nhu cầu về nguyên phụ liệu là rất lớn.

Theo phân tích của giới chuyên môn, hiện nay nguyên phụ liệu sản xuất trong nước cung cấp cho hai ngành này chỉ đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu và tập trung chủ yếu ở mặt hàng cao su và da. Các nguồn nguyên liệu khác, từ cái khuy nút đến con ốc vít... các nhà sản xuất và gia công cũng phải nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Từ thực tế trên cho thấy việc hình thành một trung tâm nguyên phụ liệu tại khu vực này là rất cần thiết. Thế nhưng sự việc lại đi theo một hướng khác.Bà Liên cho biết khi tiếp cận với các nhà máy dệt may - da giày, các doanh nghiệp đều cho rằng phần lớn họ chỉ làm gia công theo đơn hàng của đối tác nước ngoài. Do đó, hầu hết các nguyên phụ liệu do các đối tác mua sẵn gửi về hoặc nhập khẩu ở nước ngoài theo chỉ định của đối tác đặt hàng.

Trong khi đó, liên hệ với đối tác nước ngoài thì họ cho biết không nhìn thấy tiềm năng thị trường để mở cơ sở sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam. Một số doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội kinh doanh lâu dài lại không dễ đầu tư do chính quyền ở các địa phương không mặn mà với hai ngành dệt may và da giày.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TPHCM, dường như các tỉnh thành đang “dị ứng” với ngành da giày? Khi nhận hồ sơ các dự án đầu tư ngành này, hầu như các địa phương đều lắc đầu hoặc tiếp nhận một cách miễn cưỡng do lo ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường...

Một khi ngành dệt may và da giày bị “dị ứng” thì làm sao phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ, mà thiếu công nghiệp phụ trợ thì ngành dệt may và da giày khó phát triển hơn nữa. Rõ là một cái vòng luẩn quẩn.

Tìm lối ra

Đến nay, xuất khẩu hàng dệt may, da giày của Việt Nam chủ yếu vẫn là hàng gia công, chiếm trên 50% số lượng các đơn hàng mặc dù các doanh nghiệp đều biết nếu sản xuất theo hình thức FOB (tự mua nguyên phụ liệu và chào bán sản phẩm tự thiết kế) thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Trong cuộc tọa đàm về công nghiệp dệt may Việt Nam gần đây, bà Jocelyn Tran (Trần Thị Trung Thu), phụ trách Ủy ban Dệt may thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TPHCM, có nói ưu thế thị trường sẽ thuộc về các công ty có khả năng chào hàng FOB; tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất hàng gia công cũng có khả năng tạo lợi thế cạnh tranh nếu chứng minh với khách hàng rằng doanh nghiệp sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất trong nước hoặc được cung cấp tại chỗ, có chất lượng ngang bằng với nguyên phụ liệu do khách hàng chỉ định nhập khẩu.

Gần đây, ông Nguyễn Văn Khánh, đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp da giày của Mỹ và Nhật, hai nước nhập khẩu lớn hàng dệt may và da giày ở Việt Nam, đã có chuyến đi khảo sát thị trường Việt Nam để mở rộng đơn hàng thay vì tập trung chủ yếu ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với các doanh nghiệp trong nước, các hiệp hội này đành phải từ bỏ ý định ban đầu vì được biết nguồn nguyên phụ liệu trong nước rất ít, chủ yếu là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Khánh nói đây là điểm yếu kéo dài nhiều năm nay của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo các doanh nghiệp trong ngành, để giải quyết được vấn đề này, ngành dệt may và da giày cần sự giúp đỡ nhiều hơn từ phía Chính phủ. Cụ thể là đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần chuyển đổi từ phương thức gia công sang sản xuất toàn diện. Có thế, ngành da giày và dệt may Việt Nam mới thoát khỏi cảnh gia công như hiện nay.

(Theo Quốc Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Một số điều cần biết khi kinh doanh da giày với các công ty Brazil
  • Áp thuế chống bán phá giá 16% và 49% cho mặt hàng giày nhập khẩu từ Việt Nam
  • Khôi phục sản xuất cây bông vải ở Tây Nguyên
  • Sản xuất dệt may đã khởi sắc
  • Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Nhật Bản tăng mạnh
  • Trung Quốc - thị trường cung cấp vải lớn nhất cho Việt Nam
  • Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 5 giảm 11%
  • Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container