Lợi thế của siêu thị chuyên doanh khó phát huy khi chưa đáp ứng được yêu cầu đa dạng của khách hàng. |
Hàng may mặc Việt Nam đang bị hàng Trung Quốc lấn sân ở phân khúc bình dân, bị hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, hàng hiệu tranh giành ở phân khúc từ trung đến cao cấp.
Nhớ lại cùng với sự ra đời của hệ thống siêu thị chuyên doanh hàng may mặc Việt Nam - Vinatexmart năm 2002, nhiều doanh nghiệp hàng may mặc đạt doanh thu từ vài trăm đến cả ngàn tỉ đồng/năm đã tuyên bố sẽ đầu tư mạnh cho thị trường nội địa, sẽ chuyển dịch tỷ lệ doanh thu nội địa tăng từ 5 – 10% lên 30 – 50%...
Cho đến nay, những lời tuyên bố này vẫn chưa trở thành thực tế.
Nhiều điểm yếu
Theo phân tích của ông Phan Văn Kiệt, phó tổng giám đốc công ty may Việt Tiến, trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp đang yếu ở hai khâu thiết kế và xây dựng thương hiệu. Đa phần các thiết kế còn chưa nhanh nhạy, nếu có được tính sáng tạo thì lại nặng về ngẫu hứng mà không bắt kịp trào lưu tiêu dùng của thế giới.
Về mặt thương hiệu, ông Kiệt nói: “Có doanh nghiệp ở hội chợ chuyên ngành dệt may mà vẫn còn mang hàng tồn xuất khẩu ra bán, chỉ chăm chăm đến doanh thu bán lẻ, không hề đưa ra được xu hướng thời trang để dẫn dắt người tiêu dùng thì làm sao phát triển được thị trường”.
Ở mức độ cụ thể hơn, bà Nguyễn Thị Hồng Hương, tổng giám đốc hệ thống Vinatexmart chỉ ra năm điểm yếu của các nhà sản xuất: giao hàng không đúng thời hạn hợp đồng; không thống nhất về kích cỡ, cùng size mà mỗi nhãn hiệu đều có số đo khác nhau; vẫn còn tình trạng tận dụng vải tồn xuất khẩu để sản xuất hàng nội địa nên màu sắc, hoa văn và chất liệu vải không hợp; chưa có chuẩn định giá cho sản phẩm rõ ràng dẫn đến tình trạng đẩy giá mẫu hàng bán chạy lên cao một cách vô lý; và cuối cùng là chất lượng sản phẩm còn thiếu tính ổn định.
Bán ít lời
Với những nhà kinh doanh phân phối, điều làm cho họ ngán ngẩm khi kinh doanh hàng may mặc Việt Nam là những điều kiện ràng buộc phi thị trường. Bà H.T.N, một nhà bán lẻ có kinh nghiệm trên 10 năm bán hàng may mặc kể rằng sơ mi VT chỉ có vài mẫu có màu sắc, kẻ sọc được khách hàng chuộng, nhưng công ty này luôn ép khách phải lấy nguyên thùng hoặc lấy kèm mỗi 10 sản phẩm bán chạy có 3 – 4 sản phẩm bán chậm.
Chưa kể đến tỷ lệ lãi bán hàng may mặc cho các công ty Việt Nam hiện nay chỉ còn 15 – 20%, khi nào mua bao nguyên lô hàng lớn trả tiền ngay mới có thể lãi được 25%. Trừ các chi phí kinh doanh như hiện nay, mức lãi còn lại chỉ khoảng 5 – 7%, nếu bán chậm coi như lỗ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhan, chủ sạp bán sỉ ở chợ An Đông cho biết nếu lấy hàng Trung Quốc loại rẻ, mức lãi bình quân 40%, hàng cao cấp mức lãi bình quân 60%. Cũng theo bà, một số công ty đang mở các hệ thống shop thời trang trên cả nước không còn chú trọng đến sản xuất, sang tận Trung Quốc thuê gia công, hoặc mua bao nguyên lô hàng về gắn nhãn của mình vào, lãi luôn ở mức gấp đôi.
Bà Hồng Hương cũng nhìn nhận việc Vinatexmart cam kết không bán hàng may mặc Trung Quốc trong hệ thống của mình, chỉ lo phát triển thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam – nghĩa vụ và trách nhiệm của Vinatexmart phải làm, đang là bài toán khó trong bối cảnh hiện nay. Lợi thế của siêu thị chuyên doanh hàng may mặc nội địa, đa dạng mẫu mã, giá cạnh tranh… không thể phát huy được khi chính sản phẩm chưa thoả mãn được nhu cầu đa dạng của khách hàng.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com