Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nam Ðịnh đưa công nghiệp dệt may về nông thôn

Từ lâu nay, Nam Ðịnh tự hào là một trong những trung tâm công nghiệp dệt may lớn. Trong những năm qua, công nghiệp dệt may đã có sự chuyển dịch nhanh về địa bàn nông thôn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
 
Ðã hơn hai năm nay, em Phạm Thị Thơm ở xóm 14, xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường không còn trĩu nặng nỗi lo "ngày đạp xe lên phố, tối đạp xe về nhà" với nghề dệt may đang theo đuổi. Thơm không có điều kiện như các bạn cùng trang lứa trong thôn bỏ tiền thuê nhà, sống tự lập tại khu trọ bên ngoài các công ty ở khu công nghiệp Mỹ Trung, Hòa Xá, TP Nam Ðịnh. Câu chuyện về nơi làm mới bắt đầu hé mở từ đầu năm 2006, lần đầu tại thị trấn Xuân Trường hình thành xưởng dệt may lớn do Công ty cổ phần may Sông Hồng đầu tư. Thơm đã nộp đơn xin việc và  sau đúng một tháng thử tay nghề, em và hơn chục người bạn được công ty ký hợp đồng làm việc lâu dài. Bây giờ, tại xưởng may 1, em là thợ, chuyên kẻ vẽ hàng may bán thành phẩm với lương tháng ổn định 1,4 triệu đồng, thời gian cao điểm cuối năm thu nhập hơn 1,7 triệu đồng. Thơm nói với chúng tôi: "Sướng nhất là làm gần nhà anh ạ!".
 
Dẫn chúng tôi đi tham quan các phân xưởng sản xuất, Giám đốc phụ trách xưởng may Sông Hồng 4 Trần Quốc Vinh bộc bạch: Phần lớn lao động nghề dệt may là nữ, vì vậy khi công ty tiến hành tuyển người đã thu hút hầu hết người địa phương tại các nhà máy, xí nghiệp trên thành phố về quê thử việc, sau đó chị em đều có chung nguyện vọng muốn gắn bó lâu dài với xưởng. Thời điểm hiện nay, tại đây có khoảng 2.000 lao động, chủ yếu là người trong huyện. Việc tuyển người của công ty chú trọng tới chất lượng, nếu lao động vào kiểm tra tay nghề phù hợp công việc sẽ tuyển luôn, trường hợp chưa biết nghề được đào tạo khoảng bốn tháng rồi tiếp tục thử việc trong một tháng, sau đó tiến hành ký hợp đồng chính thức, phía công ty chịu trách nhiệm đóng góp toàn bộ tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tuy nhiên, đáng mừng nhất là công tác giải phóng mặt bằng được làm gọn ghẽ do nhận được sự đồng thuận của chính người dân, vì họ hiểu rằng: Có xưởng may là có thêm việc làm, không phải đạp xe lên phố nữa! Ðưa công nghiệp dệt may về nông thôn đang là hướng đi chiến lược của không ít doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh. Ðã nhìn thấy những tín hiệu vui khi ngay tại huyện Xuân Trường trong vài năm lại đây xuất hiện thêm năm công ty dệt may đầu tư nhà xưởng sản xuất, thu hút khoảng 4.000 lao động nông thôn vào làm với mức lương ổn định. Phòng Công thương huyện cho biết, công nghiệp dệt may đã thúc đẩy sản xuất công nghiệp toàn huyện luôn đạt mức tăng trưởng 20%, chỉ đứng sau thành phố Nam Ðịnh.
 
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Quốc Hùng, việc đưa công nghiệp dệt may về nông thôn có nhiều ưu điểm.
 
Trước hết, giảm nhẹ gánh nặng xã hội cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhất là những doanh nghiệp ngành may sử dụng nhiều nhân công nhưng thu nhập thấp.
 
Thứ hai, không phải lo vấn đề nhà ở cho người lao động, cuối cùng là giảm nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội ở địa phương.
 
Ðối với các huyện, xã có công nghiệp dệt may đứng chân chắc chắn sẽ giải quyết triệt để việc làm cho lao động nông thôn, tăng giá trị sản xuất công nghiệp cho địa phương đồng thời thay đổi diện mạo cả một vùng quê. Suy cho cùng, người dân được  hưởng lợi nhiều nhất vì được làm gần nhà, có thêm thu nhập mà lại giảm bớt nhiều khoản chi tiêu phát sinh khi ra thành phố như tiền thuê nhà, tiền điện, nước và cái được lớn hơn là không thiếu thốn tình cảm gia đình.
 
Ðến nay, trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh đã có 15 doanh nghiệp dệt may đầu tư sản xuất tại địa bàn nông thôn, thu hút hơn mười nghìn lao động tại chỗ. Giá trị sản xuất của các doanh nghiệp trong năm 2008 chiếm 35% tổng giá trị sản xuất toàn ngành dệt may Nam Ðịnh. Ngoài doanh nghiệp trong tỉnh tham gia hoạt động còn có thêm nhiều thương hiệu lớn trong ngành dệt may Việt Nam như Công ty may Nhà Bè thuộc Tổng công ty Dệt may Việt Nam, Công ty Hanosimex thuộc Tổng công ty Dệt may Hà Nội. Cuối năm 2006, Công ty may LongJou (Nhật Bản) là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã quyết định đầu tư năm triệu USD triển khai dự án xây dựng nhà máy may quần áo thể thao xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực. Giai đoạn một của dự án hoàn thành đầu năm 2008 đang thu hút 800 lao động nông thôn có độ tuổi từ 18 đến 30 tham gia làm việc. Lãnh đạo công ty đặc biệt ưu tiên người gần nhà máy, vì sẽ giải quyết được bài toán chỗ ở và không ảnh hưởng việc đi lại của công nhân. Sở Công thương Nam Ðịnh cho biết, Công ty LongJou hiện trả lương người lao động với mức hấp dẫn, trung bình 2 triệu đồng/người/tháng, còn các doanh nghiệp khác trả mức lương bình quân khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng.
 
Việc Nam Ðịnh đưa công nghiệp dệt may về nông thôn bước đầu giải quyết được bài toán thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, phù hợp chủ trương "ly nông, không ly hương". Nhưng để phát triển mạnh hơn nữa các doanh nghiệp dệt may và cả các làng dệt tồn tại ở khu vực nông thôn, trước mắt tỉnh Nam Ðịnh còn phải giải quyết nhiều vấn đề về hệ thống đường giao thông, cung cấp nguồn điện ổn định, đào tạo nghề cho người lao động, bảo đảm sản xuất gắn với giữ gìn môi trường, nhất là tạo thuận lợi về vốn và mặt bằng. Mặt khác, các doanh nghiệp mong đợi có những cơ chế thông thoáng hơn để có thể  phản ứng nhanh trước những thay đổi của thị trường. Ðây chính là những thách thức không nhỏ đối với chính quyền địa phương cũng như  các ban, ngành được giao nhiệm vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp của tỉnh trong bối cảnh kinh tế trong nước và thị trường thế giới còn nhiều biến động.
 

(Theo Nhân dân)

  • Xuất khẩu da giày của Ấn Độ tăng trưởng chậm lại
  • Dệt may Việt Nam, khi “gió đã đổi chiều”
  • Xuất lô hàng may đầu tiên trị giá 250.000 USD
  • Các nước ASEAN bàn biện pháp thúc đẩy xuất khẩu cho ngành dệt may
  • Bănglađét: Xuất khẩu da dự đoán giảm 25% trong tài khoá 2008/09
  • Ngành da Ấn Độ kêu gọi sự cứu trợ của Chính phủ
  • Giày da Việt gặp "hạn" ở Brazil?
  • Ngành dệt may phải đầu tư mạnh vào thị trường nội địa
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container