Chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh, bị động trong nguồn nguyên liệu… đang là những rào cản đối với tiến trình chuyển đổi sang sản xuất toàn diện của ngành da giày.
Trong Chiến lược xuất khẩu đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015 của ngành da giày Việt Nam, mục tiêu đặt ra của ngành là chuyển đổi thành công từ phương thức gia công sang sản xuất toàn diện, để năm 2010 đạt 6,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nội địa hoá đạt 50% và nâng lên mức 11,4 tỷ USD vào năm 2015, nội địa hoá 65-70%.
Thế nhưng, với một ngành sản xuất mà đến hơn 80% nguyên liệu còn phải nhập khẩu như da giày, thì mục tiêu đề ra trong Chiến lược dường như còn rất xa thực tế. Các doanh nghiệp (DN) sẽ không thể tự sản xuất, khi mà 80% nguyên liệu đang phải nhập khẩu, chưa có ngành công nghiệp phụ liệu, cũng như đội ngũ thiết kế…
Bà Trần Thị Minh Thư, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu da giày cho rằng, năng lực thiết kế và sáng tạo mẫu được xem là khâu quyết định tạo ra giá trị gia tăng lớn cho ngành da giày. Chuyển từ gia công sang tự sản xuất, nghĩa là, ngành da giày đã đặt mục tiêu đạt được giá trị gia tăng lớn, nhưng ngay cả khi đã có nguyên liệu tại chỗ, mà không có thiết kế, thì các DN không thể thực hiện sản xuất toàn diện.
“Nhiều năm qua, Việt Nam chỉ làm gia công, phần thiết kế mẫu do bên đặt hàng đảm nhận, nên năng lực trong nước về thiết kế hầu như không phát triển”, bà Thư lo ngại và nhận định, các ngành hội nhập mạnh vào nền kinh tế quốc dân thông qua những mối liên kết thượng nguồn và hạ nguồn trong ngành và có các ngành phụ trợ hiệu quả sẽ có tiềm năng xuất khẩu cao hơn.
“Việt Nam dù được đánh giá là một trong 5 nhà sản xuất giày dép lớn nhất thế giới với công suất 715 triệu đôi/năm, nhưng liên kết thượng nguồn trong ngành liên quan đến cung ứng nguyên liệu thô như da, chất dẻo và cao su, nguyên liệu chế biến, đặc biệt là thuộc da và cao su lưu hoá còn rất yếu, các DN sản xuất phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các form mẫu nhập khẩu, chỉ có một vài nhà cung ứng form giày trong nước”, bà Thư phân tích và cho biết, điểm yếu đáng quan tâm là các nhà sản xuất Việt Nam thường làm gia công cho các hãng lớn trên thế giới (đặc biệt là giày thể thao), vì vậy các sản phẩm thường có giá trị thấp và lợi nhuận không cao.
Theo đánh giá của Dự án Xúc tiến thương mại và Phát triển xuất khẩu (Vie61/94) do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) thực hiện, năng lực cạnh tranh của ngành da giày được đánh giá từ các góc độ: quy mô và công suất sản xuất; sản phẩm và quy trình sản xuất, công nghệ, chi phí lao động, sự khác biệt về sản phẩm, liên kết về thượng nguồn và hạ nguồn trong ngành.
Tuy nhiên, sự yếu kém của ngành cũng được thể hiện tại hầu hết các yếu tố này. Với hơn 500 DN (gồm 235 DN liên doanh và có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là DN có vốn đầu tư trong nước), chỉ có DN liên doanh và có vốn đầu tư nước ngoài là có trình độ công nghệ ở mức trung bình cao, có khả năng thực hiện tất cả các công đoạn sản xuất, số DN còn lại gia công hàng cho đối tác nước ngoài mới chỉ trang bị hệ thống công nghệ, thiết bị ở mức bán tự động và cơ khí, mức độ sử dụng lao động phổ thông còn cao, do đó năng suất lao động chưa được cải thiện.
Thêm vào đó, các DN cũng không tận dụng được lợi thế cạnh tranh từ sự khác biệt hoá sản phẩm vì khả năng thiết kế gần như không có, khâu tiếp cận thị trường xuất khẩu chỉ qua các hội chợ chuyên ngành và không có mối liên hệ trực tiếp với các nhà sản xuất ở các nước phát triển, ngoại trừ số DN liên doanh, có vốn đầu tư nước ngoài.
Về lao động, dù ngành giải quyết việc làm cho số lao động lớn, gần 700.000 người, nhưng số lao động mới chỉ phát triển về lượng, chứ chưa chú trọng về chất, chủ yếu vẫn là lao động thủ công, đơn giản, năng suất và giá trị gia tăng thấp. “Dù rằng, Việt Nam còn kỳ vọng vào lợi thế này trong thời gian ngắn tới, nhưng lợi thế này sẽ không mang tính chiến lược và bền vững về lâu dài khi nền kinh tế đã chuyển sang chu kỳ phát triển mới, không thể cạnh tranh dựa trên động lực sức lao động phổ thông giá rẻ nữa”, bà Thư nhấn mạnh.
Hơn nữa, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các vụ kiện bán phá giá ở các thị trường chính. Hiện tại, giày mũ da của Việt Nam phải chịu thuế suất bán phá giá ở EU là 10% và Canada đã chính thức điều tra chống bán phá giá giày chống thấm nước của Việt Nam từ tháng 2/2009. Khủng hoảng tài chính đang làm giảm sức tiêu thụ nhiều mặt hàng trong đó có giày dép, đặc biệt là các dòng sản phẩm giày dép giá rẻ ở các nước phát triển có xu hướng giảm đi trong tương lai, trong khi Việt Nam lại chưa có thương hiệu giày dép mang tầm quốc tế.
Rõ ràng, những tồn tại nêu trên sẽ là lực cản, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu và nội địa hoá của ngành da giày giai đoạn 2010 - 2015.
(Theo Hải Yến // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com