Ngành dệt may Việt Nam hiện nay đang đứng thứ 10 trong số những nước có kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới. tuy nhiên, trong cơ cấu giá trị hàng dệt may thì tỷ lệ nhập khẩu chiếm phần lớn, Vì thế, một trong những mục tiêu chủ yếu của ngành là từng bước tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng giá trị gia tăng các sản phẩm dệt may.
Năm 2009, tổng công ty cổ phần mayNhà Bè đạt kim ngạch xuất khẩu 240 triệu USD. |
Ði lên từ may mặc
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu và mang về cho đất nước nhiều ngoại tệ của ngành dệt may là sản phẩm may mặc sẵn, đây là sản phẩm cuối cùng của một chuỗi lao động liên hoàn từ: sản xuất bông, xơ đến kéo sợi, dệt - nhuộm - hoàn tất vải đến may mặc, trong đó muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cuối cùng thì phải tác động đến tất cả các khâu.
Do thiếu vốn, ngành dệt may đang chọn khâu cuối cùng là may mặc, đầu tư trước để tận dụng, khai thác nguồn lao động dồi dào, từng bước tích lũy để phát triển. Cùng với việc tiếp tục may gia công xuất khẩu, một số đơn vị đã tìm cách nâng dần tỷ lệ hàng xuất thẳng (FOB), đồng thời các xí nghiệp sản xuất phụ liệu cũng phát triển khá nhanh. Hàng loạt nhà máy sản xuất: chỉ, khóa kéo, khuy áo, tấm bông lót, bao bì... ra đời, đáp ứng 60% nhu cầu cho ngành may.
Nhiều doanh nghiệp may lớn như: Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, Ðức Giang... đã khẳng định thương hiệu của mình bằng những sản phẩm may mặc chất lượng cao. Cùng với việc đầu tư đổi mới công nghệ, phát huy năng lực các doanh nghiệp dệt như: Phong Phú, Việt Thắng, Thắng Lợi, Thành Công, Nam Ðịnh, 8-3, Ðông-Xuân, Ðông Phương, Nha Trang..., ngành dệt may đang triển khai chương trình đầu tư mới kéo dài từ năm 2000 đến năm 2020. Mục tiêu của chương trình là đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu, đặc biệt đối với khâu nhuộm, hoàn tất nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng giá trị gia tăng trong các sản phẩm, nâng tỷ lệ nội địa hóa lên một bước. Một loạt cụm công nghiệp dệt và nhà máy dệt mới đã được xây dựng ở các tỉnh như: Phố Nối B (Hưng Yên), Hòa Xá (Nam Ðịnh), Hòa Khánh (Ðà Nẵng), Nhơn Trạch (Ðồng Nai)... Ngành dệt may đang ráo riết thực hiện các dự án di dời một số cơ sở dệt lớn như: Dệt Nam Ðịnh, Dệt lụa Nam Ðịnh, Dệt 8-3, Dệt kim Ðông Xuân, Dệt may Hà Nội... ra khỏi nội thành các thành phố lớn. Tuy nhiên, do việc đầu tư vào các khâu nhuộm và hoàn tất còn hạn chế, nên ngành dệt mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu cho ngành may, lượng vải nhập khẩu vẫn khá lớn.
Bước sang thời kỳ tăng tốc, ngành đã liên doanh với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư 320 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất xơ pô-li-ét-xte ở Ðình Vũ (Hải Phòng), công suất 160 nghìn tấn/năm. Dự kiến, tháng 5-2011, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động, giải quyết được 40% nhu cầu của ngành dệt, giảm khoảng 300 triệu USD tiền nhập xơ từ nước ngoài, đồng thời tăng tỷ lệ nội địa hóa từ 3% đến 5%. Cùng với xây dựng Nhà máy sản xuất xơ Fomosa (Ðài Loan) tại KCN Nhơn Trạch, công suất 60 nghìn tấn/năm, việc cung cấp xơ cho ngành dệt về cơ bản sẽ đáp ứng đủ.
Vực dậy cây bông
Từ trước đến nay, bông trong nước chỉ đáp ứng được từ 3% đến 5% nhu cầu của ngành dệt, hằng năm phải nhập khẩu khoảng 250 nghìn tấn. Năm 2009, số ngoại tệ bỏ ra để nhập bông lên tới 385 triệu USD.
Từ nhiều năm trước, ngành dệt may đã chú ý đến vị trí của cây bông trong cung cấp nguyên liệu cho ngành dệt. Năm 2003, diện tích trồng bông đạt tới 23 nghìn ha, thu hoạch được 10 nghìn tấn nhưng đến năm 2008, diện tích bông bị thu hẹp chỉ còn ba nghìn ha với hơn một nghìn tấn bông tách hạt. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là phương thức trồng bông ở nước ta còn thô sơ và lạc hậu. Sản xuất bông chủ yếu dựa vào nông dân với những cánh đồng bông được trồng tự phát; việc tưới nước chỉ trông chờ vào trời mưa, vì thế năng suất thấp, chất lượng kém. Trong khi đó ngành dệt may phải nhập tới 95% lượng bông từ nước ngoài. Các nước sản xuất bông lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Bra-xin không những có trình độ trồng bông công nghiệp cao, mà còn có chính sách trợ cấp cho người trồng bông, nên giá bông từ các nước này luôn thấp hơn giá thành sản xuất bông ở Việt Nam. Sản phẩm thu mua với giá thấp, cây bông trong nước không thể cạnh tranh được với các loại cây trồng khác, buộc người nông dân phải bỏ cây bông, trồng cây khác.
Số phận cây bông bắt đầu có sự thay đổi, kể từ tháng 3-2008, khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 36/2008/QÐ - TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015, định hướng 2020, trong đó có chương trình phát triển cây bông mà trọng điểm là trồng bông tập trung có tưới nước chủ động. Thông qua các giải pháp: tạo các giống bông có năng suất vượt trội; đẩy mạnh công tác khuyến nông; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ khuyến nông và nông dân; từng bước cơ giới hóa và tự động hóa sản xuất bông để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả trồng bông, đồng thời thay đổi và bổ sung một số chính sách thích hợp cây bông bắt đầu "hồi sinh". Nhiều địa phương đã trồng bông trở lại, đưa diện tích lên 8.600 ha, đạt năng suất bình quân 12 tạ bông hạt/ha, tăng năng suất gần 20% so với năm 2008.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học ở Nha Hố, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã cho áp dụng hai phương thức trồng bông chủ yếu là: trang trại và trong nhân dân. Sau khi tích cực tìm kiếm những vùng đất thích hợp với cây bông, được sự hỗ trợ tích cực của các địa phương và các tổ chức liên quan, các công ty bông đã xây dựng được bảy dự án trồng bông trang trại. Cho đến nay đã có ba dự án được triển khai gồm: 54 ha tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong (Bình Thuận); 192,5 ha tại xã Ea Súp, huyện Ea Súp (Ðác Lắc); 20 ha tại xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận).
Các công ty bông đang tiếp tục hoàn thiện và đưa vào khai thác ba dự án mới: trang trại 200 ha tại xã Ðác Nông, huyện Cư Giút; trang trại 200 ha tại xã Ðác Gla, huyện Ðác Min (Ðác Nông); trang trại 120 ha tại huyện Ðiện Bàn (Quảng Nam).
Ngày 8-1-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 29/QÐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2015, diện tích trồng bông đạt 30 nghìn ha, trong đó có tưới nước chủ động là 9 nghìn ha, sản lượng 20 nghìn tấn bông xơ; đến năm 2020 là 76 nghìn ha, trong đó có tưới nước chủ động là 40 nghìn ha, đạt sản lượng 60 nghìn tấn bông xơ. Quyết định này cũng nêu rõ ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, các công trình thủy lợi, hệ thống tưới tiêu tại các vùng được quy hoạch trồng bông tập trung cũng như các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm chuyên sâu công nghệ cao. Sẽ thành lập Quỹ bình ổn giá thu mua bông hạt trong nước để ổn định giá, bảo đảm lợi ích cho người trồng bông và phát triển ổn định ngành bông. Các đơn vị, tổ chức sản xuất bông được vay vốn với mức lãi suất phù hợp để mua bông hạt sản xuất trong nước cho người trồng bông phù hợp với mặt bằng giá thời vụ.
Những chính sách vừa được ban hành sẽ tạo động lực cho người trồng bông, giúp ngành dệt ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, tạo chủ động trong sản xuất từ khâu bông, xơ, vải để nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 50% (2012) và 70% (2017).
(Theo Nguyễn Phan Toàn // Báo Nhân dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com