Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xuất khẩu dệt may: Vươn lên đứng đầu, tín hiệu khả quan

Với kim ngạch trên 750 triệu USD trong tháng 3, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong quý 1/2010 đã  vượt mức 2,16 tỉ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khó khăn của ngành dệt may hiện nay là sau một thời gian thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động, năng lực của DN đã giảm mạnh - Ảnh minh họa: VNE

Dệt may đã vượt qua dầu thô, vươn lên đứng đầu trong nhóm hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực.

Nhiều DN đã có đơn hàng đến cuối năm

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Các hợp đồng xuất khẩu dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam tương đối tốt, hầu hết doanh nghiệp đều có đơn hàng. Một số có đơn hàng đến quý III, thậm chí đến hết cả năm.

Theo các DN, đặc điểm chung nhất của những đơn hàng mới là lớn hơn về số lượng sản phẩm và đơn giá tăng lên đáng kể so với những đơn hàng trong năm 2008 và 2009, khoảng 10% so với giữa năm 2009.

Ông Phan Văn Kiệt - Phó TGĐ Tổng Cty may Việt Tiến, cho hay: “Đến giờ phút này đơn hàng của Việt Tiến nhận đã đủ sản xuất đến gần hết quý 2/2010, với tổng trị giá trên 80 triệu USD”. Ông Kiệt cũng đánh giá, dù đơn hàng chưa thể bằng như khi chưa xảy ra khủng hoảng nhưng, so với hai năm 2008 và 2009, đây là điều rất đáng mừng.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3 cho biết, công ty nhận được đơn hàng sản xuất đến hết quý 2/2010 với tổng trị giá gần 40 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Hồng, có hai yếu tố quan trọng nhất tác động đến sự chuyển biến tích cực của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới: Một là các thị trường xuất khẩu lớn, nhất là Hoa Kỳ, có phần phục hồi. Hai là, Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt - Nhật (VJEPA) được thực thi, nhiều sản phẩm xuất nhập khẩu giữa hai nước có thuế suất bằng không (0%), trong đó có hàng dệt may.

Ngoài ra, hiện đang có sự dịch chuyển đơn hàng dệt may từ các nước có giá cả tăng cao như Trung Quốc và Pakistan về Việt Nam. Chính vì vậy, có nhiều cơ sở để tin rằng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ đạt được con số 10,5 tỷ USD trong năm 2010.

Ông Hồng cũng xác nhận, ngành Dệt may Việt Nam năm nay chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng công nhân không có việc làm, kể cả từ các thành phố lớn đến các tỉnh.

Lúng túng của DN

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Lê Quốc Ân thì các DN cũng đang phải đối mặt với những khó khăn mới. Sau một thời gian thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động, năng lực sản xuất của DN đã giảm mạnh. Khi đơn hàng dồi dào, DN bung trở lại, song do chưa có sự chuẩn bị kịp nên nhiều DN gặp lúng túng, nhất là thiếu công nhân.

Ông Phạm Xuân Hồng cho biết nhiều DN đã nhận nhiều đơn hàng với mục đích chia lại cho các cơ sở gia công vệ tinh, nhưng do không nắm bắt được đầy đủ thông tin về tình hình nhân lực, năng lực sản xuất hiện tại của các cơ sở vệ tinh nên vô tình DN tự đưa mình vào thế kẹt.

Cũng do không có sự chuẩn bị thấu đáo nên theo ông Hồng, nhiều lúc DN phải từ chối bớt đơn hàng. Thông thường đó là những đơn hàng mà năng lực của DN không đáp ứng được cả về yêu cầu kỹ thuật, số lượng lẫn thời gian giao hàng.

Còn ông Phan Văn Kiệt lại cho biết, một khó khăn khác là  yêu cầu của khách hàng hiện rất khác biệt so với trước. Chẳng hạn, thời gian giao hàng chỉ còn khoảng 60 ngày kể từ khi ký hợp đồng, thay vì 90 hay 100 ngày như trước đó. Bên cạnh đó, yêu cầu hàm lượng chất xám, tức các yêu cầu về thiết kế, kỹ thuật cũng cao hơn. Nếu các DN không có sự chuẩn bị kỹ sẽ không thể đáp ứng tốt các yêu cầu của khách hàng.          

Bên cạnh đó, ông Lê Quốc Ân cũng tỏ ra lo lắng khi  giá nguyên, nhiên, phụ liệu đầu vào đang tăng. Giá bông nguyên liệu tăng cao nhất so với những năm gần đây; giá bình quân là 1,9 USD/kg, trong khi đó, giá bông thông thường khoảng 1,5 – 1,5 USD/kg. Đó là chưa kể đến các nhiên liệu đầu vào như xăng dầu, điện… cũng tăng giá, dù không lớn.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dệt may Việt Nam phải tính toán cải thiện năng suất lao động. Thêm vào đó, phải tiết kiệm nguyên, nhiên phụ liệu, như: năng lượng, vật tư phải tính toán một cách triệt để.

(Theo Công Trí // Tin Chính phủ)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container