Với 80 triệu dân, Việt Nam được đánh giá là thị trường có sức tiêu thụ hàng may mặc lớn. Song theo nhận định của bà Nguyễn Kim Hạnh – Chủ nhiệm CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao: người tiêu dùng ngán ngại thời trang trong nước. Đây chính là hệ lụy của chuỗi từ thiết kế, sản xuất đến phân phối. Từ đó, ba nghịch lý của thời trang Việt được bà Kim Hạnh “điểm mặt, chỉ tên”. Thứ nhất: hàng Việt Nam chất lượng tốt nhất, đã có mặt tại các trung tâm thương mại cao cấp của Hoa Kỳ. Chúng ta có thể tự hào hàng đẹp nhất là made in Việt Nam nhưng chúng ta mới có cái tài khéo của người lao động, còn các khâu khác, người ta lo hết. Thứ hai, thị trường trong nước, hàng Việt Nam xấu hơn, đắt hơn hàng Thái Lan, Trung Quốc đang nhan nhản. Cuối cùng, chúng ta có trong tay lực lượng sản xuất, kinh doanh và không ngành nào có hệ thống phân phối lớn như ngành thời trang nhưng lại không tự tin chiếm lĩnh thị trường.
“Làm thời trang là bán sự sáng tạo và trình độ kinh doanh cao, chuyên nghiệp. Nếu chỉ bán sự sáng tạo không thôi thì chưa thể gọi là làm thời trang mà chỉ là nghệ sĩ” – bà Kim Hạnh nhìn nhận về sự hạn chế của thời trang Việt. Cùng quan điểm, nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng: “Các nhà sản xuất cực giỏi nhưng không bao quát hay vận hành nhuần nhuyễn trong marketing và phân phối”.
Chính vì vậy, DN dệt may dù có lợi thế lớn nhưng khi chuyển sang thời trang lại... hẫng. Theo lãnh đạo Tập đoàn dệt may Việt Nam, nếu không mạnh dạn bứt phá thì sẽ là bài toán khó. Điều này sẽ khó thật bởi, ở nước ngoài chúng ta chỉ “làm thuê” còn trong nước thì chưa thể làm hài lòng người tiêu dùng, nhất là những khách hàng khó tính và đòi hỏi cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tạo chỗ đứng vững chắc cho sự tồn tại của hàng hiệu quốc tế trên thị trường nội địa. Đây là điều đáng tiếc bởi thời trang là ngành có giá trị thặng dư cao. Tính toán của nhà thiết kế Minh Hạnh cho thấy: làm hàng cấp thấp cho lãi suất từ 20 - 40%, cấp trung từ 100 – 200%; cao cấp từ 400 – 1.000% hoặc hơn nữa.
Lãnh đạo Tập đoàn dệt may Việt Nam cũng phải thẳng thắn thừa nhận: Thời trang Việt dường như mới đứng trên sàn diễn, chỉ để xem chứ không thể để dùng. Chính vì vậy, sẽ là một chặng đường rất xa để chúng ta chạm tới đích “định hướng” - một khái niệm, một chức năng quan trọng nhất mà ngành thời trang nào trên thế giới đều hướng tới và đang làm. Điều này xảy ra là do sự yếu kém của đội ngũ thiết kế. Đây là hậu quả tất yếu của công tác đào tạo mà theo nhà thiết kế Minh Hạnh “10 năm nay, càng kêu gào về lỗ hổng đào tạo thì càng hụt”. Những tân sinh viên- nhà thiết kế tương lai được đào tạo trong môi trường không có thời trang, không có sự nhạy cảm về kiến thức thời trang để nắm bắt thị trường. Chính vì vậy, không có cách nào khác, các nhà sản xuất tự cứu mình bằng cách phải đào tạo lại để đưa những người vẽ giỏi thành các nhà thiết kế giỏi.
(Theo dddn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com